Phương pháp bí mật khiến tên lửa Iskander-M Nga đánh lừa phòng không Ukraine

ANTD.VN - Giải pháp kỹ thuật độc đáo mà Quân đội Nga sử dụng khi phóng tên lửa Iskander-M đã cho phép họ làm mù cả hệ thống phòng không Ukraine theo đúng nghĩa đen.

Tên lửa Iskander-M Nga đã đánh lừa được toàn bộ hệ thống phòng không Ukraine nhờ tổ hợp mồi bẫy đặc biệt mà nó mang theo, khiến đối phương chẳng thể xác định rõ mục tiêu.

Một bài viết của tờ New York Times đã mô tả cách thức trên, theo đó tên lửa tấn công chính xác cao của Nga, được Moskva sử dụng để phá hủy các cơ sở hạ tầng của Lực lượng vũ trang Ukraine đã thể hiện một tính năng chưa từng giới thiệu trước đó.

Nhờ những thành phần mồi bẫy mang theo mà Iskander-M dễ dàng né tránh các hệ thống phòng không của Lực lượng vũ trang Ukraine. Khi đối diện mục tiêu giả như vậy, tên lửa Ukraine chỉ đơn giản là mất dấu đối tượng thực sự.

Đây là một hệ thống bí ẩn, được đặt bên trong tên lửa Iskander-M, thiết bị mồi nhử dài khoảng 30 cm và có hình dạng giống như một chiếc phi tiêu màu trắng với một cái đuôi màu cam và chứa một nguồn nhiệt để thu hút tên lửa phòng không đang lao tới.

Các bức ảnh về loại đạn giống phi tiêu bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội cách đây hai tuần. Chúng ngay lập tức khiến các chuyên gia và nhà phân tích quân sự bối rối - nhiều người trong số họ đã nhầm lẫn với bom chùm, dựa trên kích thước cũng như hình dạng của chúng.

Chuyên gia quân sự Richard Stevens, người đã trải qua 22 năm trong lực lượng Đặc biệt của Anh lưu ý rằng ông đã phải đối mặt với “rất nhiều vũ khí khác lạ, nhưng khí tài nói trên trong tên lửa Iskander-M là chưa từng thấy trước đây".

Đồng thời, bản thân những thiết bị này rất giống với mồi nhử của thời Chiến tranh Lạnh, được gọi là "phương tiện thâm nhập". Các chuyên gia cho rằng đó là loại mồi bẫy đi kèm với đầu đạn hạt nhân từ những năm 1970.

Loại đạn này được thiết kế để tránh hệ thống chống tên lửa và cho phép những đầu đạn riêng lẻ tiếp cận mục tiêu của chúng. Hiện nay, Nga đang sử dụng công nghệ tương tự như một phần của hoạt động trên lãnh thổ Ukraine.

Tuy nhiên các nhà phân tích của New York Times lưu ý rằng nếu giới chuyên gia vẫn chưa tìm ra cách bố trí hệ thống mồi bẫy nói trên thì chưa thể giải thích cách thức hoạt động thực sự của chúng.

Họ mới chỉ dự đoán rằng chính trong tên lửa đạn đạo, người Nga đã cất giấu những cảm biến bí mật, khi nhận thấy tín hiệu radar phòng không đối phương sẽ tự động kích hoạt mồi bẫy, từ đó dễ dàng đánh lừa tên lửa đánh chặn của Ukraine.

Có lẽ Iskander-M đã đạt được thành công trên chiến trường Ukraine là nhờ thủ thuật kỹ thuật này. Đây là loại vũ khí có độ chính xác cao, tổ hợp này dễ dàng tấn công mọi đối tượng thuộc cơ sở hạ tầng quân sự Ukraine từ cự ly rất xa.

Ngoài ra việc tên lửa Nga xuất hiện thường xuyên và dễ dàng vượt qua hệ thống phòng không để đánh trúng mục tiêu đã định cho thấy công lao đáng kể thuộc về những mồi bẫy bí ẩn mà nó mang theo.

Một yếu tố nữa cần nhắc tới đó là hệ thống mồi bẫy này chưa từng xuất hiện trong biến thể xuất khẩu Iskander-E mà Nga bán sang một vài quốc gia khác.

Ngoài ý kiến cho rằng đây là tính năng dành riêng cho Iskander-M nội địa của Nga thì cũng không loại trừ khả năng Moskva mới chỉ tăng cường hệ thống mồi bẫy này cho vũ khí của mình.