Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vào mùa hè, việc bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Vậy cần làm gì để chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng?

Những thực phẩm dễ gây ngộ độc

Thịt tái. Các món ăn tái là khá phổ biến, liên quan đến việc ăn thịt sống hay chưa nấu chín hẳn. Cách ăn này khiến cơ thể dễ bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường ruột E. coli và giun xoắn Trichinella. Đặc biệt, giun xoắn Trichinella thường lây lan khi ăn thịt lợn chưa nấu chín. Người bệnh sẽ có các triệu chứng từ buồn nôn, tiêu chảy đến đau bụng. Nếu bị nặng sẽ thêm đau nhức cơ, sốt, nhức đầu, khó thở, thậm chí viêm cơ tim và viêm não.

Trứng sống hoặc chưa chín. Ăn trứng sống hoặc chưa nấu chín hẳn sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Vì gà, vịt có thể mang vi khuẩn này nên chúng có thể lây truyền sang trứng. Con đường lây truyền phổ biến nhất là khi chúng đẻ ra quả trứng hoặc trứng tiếp xúc với phân. Các biểu hiện của nhiễm khuẩn Salmonella sẽ xuất hiện trong vòng 72 giờ sau khi ăn trứng nhiễm bệnh. Người mắc sẽ bị tiêu chảy, sốt, đau bụng, nôn mửa và có thể kéo dài từ 4 đến 7 ngày.

Thời tiết nắng nóng thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Thời tiết nắng nóng thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Cá sống. Những món có thịt cá sống nếu không được chế biến đúng cách, sẽ khiến nguy cơ bị độc thực phẩm và nhiễm ký sinh trùng rất cao. Các loại ký sinh trùng thường bị nhiễm khi ăn cá sống là sán lá gan, sán dây cá và ký sinh trùng anisakis. Ngoài ra, thịt cá chưa được nấu chín còn chứa các loại vi khuẩn có hại khác như Listeria, Vibrio, Clostridium và Salmonella.

Hàu sống. Ăn hàu sống hoặc chưa được nấu chín kỹ làm tăng đáng kể nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Tác nhân gây ngộ độc trong hàu là vi khuẩn Vibrio. Khi nhiễm loại vi khuẩn này, trường hợp nhẹ sẽ gây tiêu chảy và nôn mửa. Thế nhưng, bị ngộ độc nặng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm

Trước tiên, phải hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể bằng cách ngừng ngay ăn uống và khẩn trương loại bỏ thức ăn nghi gây ngộ độc ra ngoài cơ thể bằng cách gây nôn. Tuy nhiên, khi sơ cứu bằng cách gây nôn cho trẻ, cần phải lưu ý móc họng trẻ cho khéo, tránh làm xây xát họng trẻ. Phải để trẻ nằm đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Không để trẻ nằm ngửa và nôn vì như vậy có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi và rất dễ dẫn đến tử vong. Trong quá trình gây nôn, phải luôn dùng khăn để lau chùi. Móc sạch thức ăn trẻ nôn ra rồi dùng khăn mềm lau sạch miệng trẻ.

Sau khi gây nôn nên cho người bị ngộ độc uống 1 tuýp than hoạt tính hoặc uống nước oresol bù điện giải. Nếu người bị ngộ độc nôn, tiêu chảy mất nước nhiều thì cần tăng lượng nước oresol hoặc nước lọc uống bù cho việc mất nước. Đối với tất cả các trường hợp bị ngộ độc, sau khi sơ cứu tại chỗ đều phải đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được nhân viên y tế xử trí kịp thời. Tuyệt đối không được cho người bị ngộ độc uống thuốc cầm tiêu chảy. Cần lưu giữ thức ăn nghi gây ngộ độc thực phẩm để giúp việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc và định hướng tìm chất trung hòa độc tính nếu có.

Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Trong khâu bảo quản, chế biến thực phẩm hàng ngày có nhiều thói quen chúng ta vẫn hay mắc phải gây ra ngộ độc thực phẩm như: Bảo quản thực phẩm không đúng cách, để thực phẩm quá lâu ngoài không khí; Chế biến, nấu đi nấu lại nhiều lần đồ ăn đặc biệt là những đồ ăn chế biến sẵn (giò, chả, đồ ăn nhiều gia vị…); Ăn đồ ăn đã hết hạn sử dụng hoặc sử dụng đồ ăn đã có dấu hiệu hư hỏng như chảy nước, nấm mốc, màu sắc biến đổi…

Bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ an toàn, còn hạn sử dụng, không bị ôi thiu hay biến đổi về chất lượng… cần lưu ý cách chế biến và bảo quản thực phẩm. Đồ ăn phải được nấu chín, chỉ nên ăn ở những nơi đảm bảo được vệ sinh, tránh những nơi bụi bẩn, ẩm thấp, không sạch sẽ. Thực phẩm cần được bảo quản trong tủ lạnh với nhiệt độ phù hợp. Vào mùa hè, không nên để thực phẩm ở ngoài quá 1 giờ, và nếu thời tiết mát mẻ không nên để quá 2 giờ tránh để thực phẩm bị ôi thiu, hư hỏng.

Khi chế biến thức ăn cần phải vệ sinh tay sạch sẽ trước, trong và sau khi tiếp xúc với thực phẩm để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống. Cần rửa, làm sạch nguyên liệu trước khi nấu. Ngoài ra, cần vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ dùng để nấu ăn bằng xà phòng và nên rửa bằng nước ấm. Bên cạnh đó, cần lưu ý không nên chọn các loại thực phẩm có dấu hiệu bất thường dễ gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm như: các loại nấm lạ, nấm rừng, cá nóc, khoai tây mọc mầm…