Phối hợp đẩy lùi tội phạm “tín dụng đen” lợi dụng dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân thì tội phạm “tín dụng đen” lại lợi dụng hoành hành với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do đó, càng cần những cái “bắt tay” phối hợp chặt hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật để đẩy lùi tệ nạn này.
“Tín dụng đen” đã chuyển từ tờ rơi, quảng cáo sang hình thức online

“Tín dụng đen” đã chuyển từ tờ rơi, quảng cáo sang hình thức online

Diễn biến phức tạp

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, lực lượng công an các địa phương đã rà soát, phát hiện 6.664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 540 cơ sở kinh doanh tài chính, 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.

Trong năm thứ hai thực hiện chỉ thị, lực lượng công an đã tiếp nhận, phát hiện 1.047 vụ với 1.718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ với 990 bị can; xử phạt hành chính 375 vụ với 593 đối tượng liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật về “tín dụng đen”. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ với 884 đối tượng, trong đó đã khởi tố 314 vụ với 541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ với 249 đối tượng.

Theo đánh giá của Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đáng nói, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội… mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên… vay tiền.

Theo đó, chúng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào người có nhu cầu vay tiền. Thủ đoạn quảng cáo là không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật; lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay...

Liên quan đến hoạt động đòi nợ, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà cho biết, từ ngày 1-1-2021, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị cấm hoạt động. Tuy nhiên, một số công ty hoạt động núp bóng dưới danh nghĩa các công ty bảo vệ, tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ; sử dụng nhân viên của các công ty đòi nợ trước đây để liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở cho vay hoặc cho đối tác thuê nhân viên để đòi nợ.

Tình trạng các đối tượng côn đồ, đối tượng nghiện, các băng nhóm tội phạm thực hiện các hành vi đòi nợ đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đã giảm rõ rệt, nhưng thủ đoạn đòi nợ bằng cách ném chất bẩn, chất thải, gạch đá vào nơi ở, nơi làm việc của người vay và người thân của người vay vẫn xuất hiện ở nhiều nơi. Nổi lên tình trạng gây sức ép đòi nợ bằng cách gọi điện, nhắn tin giả danh các cơ quan bảo vệ pháp luật để đe dọa hoặc sử dụng thông tin cá nhân, danh bạ, tài khoản mạng xã hội của người đi vay… để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, phát tán cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp người đi vay.

Trong thời gian qua, tại một số địa phương liên tiếp xảy ra một số vụ trọng án, đe dọa giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, cướp, cướp giật… có nguyên nhân từ “tín dụng đen” do các đối tượng, băng nhóm tội phạm thực hiện, gây bức xúc dư luận.

Ra tòa vẫn khó xử

Theo ông Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh Tòa hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, “tín dụng đen” là mầm mống phát sinh các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng... Trong 2 năm từ 5-2019 đến 5-2021, tổng số vụ án hình sự về “tín dụng đen” mà TAND TP Hà Nội đã thụ lý là 31 vụ án với 89 bị cáo về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tòa đã giải quyết 28 vụ với 75 bị cáo. So với cùng thời điểm năm trước đó, số vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” thụ lý tăng khoảng 37,5%. Tuy nhiên, quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” rất khó khăn trong việc phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ, bởi các đối tượng thường cất giấu hợp đồng ở những nơi kín đáo, dễ tiêu hủy, sử dụng mạng xã hội để chốt hợp đồng.

Các đối tượng còn sử dụng nhiều “chiêu trò” lách luật như thu tiền gốc trước, nếu người vay trả hết gốc thì chuyển lãi thành gốc, nên khi bị phát hiện không thể kết luận các đối tượng thu lợi từ lãi. Hoặc chúng sử dụng thủ đoạn trong lập hợp đồng vay không thể hiện lãi suất, thế chấp bằng giấy tờ tùy thân; lợi dụng công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng điện thoại để cho vay. Khi đã bị đưa ra truy tố, xét xử thì các bị cáo thường không thừa nhận phạm tội, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.

Thời gian gần đây, các đối tượng còn thay đổi hình thức hoạt động như thông qua các phần mềm điện tử, hoạt động trên môi trường mạng thông qua các ứng dụng (app) cho vay. Bị hại chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể dễ dàng truy cập, ký kết các hợp đồng vay nợ, các thủ đoạn hết sức tinh vi khiến cho bị hại khó có thể nhận diện các điều khoản cam kết bất lợi, trái pháp luật, đặc biệt là mức lãi suất rất cao...

Tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân

Cùng với hoạt động ngăn, kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật về “tín dụng đen” của ngành công an thì ngành ngân hàng cũng đóng vai trò quan trọng. Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), để thực hiện Chỉ thị 12, ngành ngân hàng đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen.

Tính đến ngày 19-11-2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 25,11% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần khôi phục sản xuất. Cụ thể như giảm lãi suất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; thực hiện tái cấp vốn đối với Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh đối với người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, dẫn đến tội phạm “tín dụng đen” vẫn có cơ hội để phát triển.

Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, về phía khách hàng còn khó khăn trong chứng minh năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh, mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ; chưa có cơ sở dữ liệu chuẩn về dân cư, định danh khách hàng và chưa có sự liên thông với hệ thống ngân hàng; một số khách hàng vẫn tìm đến “tín dụng đen” do thói quen tiêu dùng hoặc phục vụ nhu cầu không hợp pháp... Còn phía các tổ chức tín dụng thì yêu cầu quan trọng đặt ra là phải đảm bảo chất lượng nợ, an toàn vốn và an toàn hệ thống, do đó, thủ tục cho vay, xử lý nợ, rủi ro phải chặt chẽ, không thể như “tín dụng đen”...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Áp dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận vốn

Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung hơn nữa vào nhu cầu tín dụng phục vụ cho đời sống trực tiếp, thậm chí nhỏ lẻ đối với khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa và những người yếu thế, qua đó góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”. Tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức tham gia vào tín dụng tiêu dùng, trước hết là các ngân hàng thương mại, đặc biệt là vai trò chủ lực của các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, hệ thống tài chính vi mô.

Quỹ tín dụng nhân dân có thể vào cuộc đồng bộ một cách tích cực hơn với cơ chế thông thoáng hơn, sử dụng những công nghệ hiện đại, đưa tín dụng những món nhỏ nhưng người dân có thể dễ dàng tiếp cận được. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ phối kết hợp với Bộ Công an về việc sử dụng Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để phục vụ trong việc xác định danh tính, định danh khách hàng chính xác, đánh giá nhân thân người vay, để các tổ chức tín dụng có thể đẩy mạnh, dễ dàng, chủ động hơn trong việc cho vay.

Phó Chánh Tòa hình sự, Tòa án nhân dân tP Hà Nội Nguyễn Đình Tiến: Sửa Điều 201 Bộ luật Hình sự để tăng tính răn đe

Các cơ quan cần tăng cường phối hợp hành động, có văn bản hướng dẫn pháp luật để áp dụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử nên đề nghị liên ngành tư pháp Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, quy định về tiền thu lợi bất chính cần phải tính như sau: Toàn bộ số tiền lãi thu được của tất cả các hợp đồng cho vay trừ đi số tiền lãi suất theo quy định của Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, tức là mức lãi suất 20%/năm : 12 tháng = 1,666% (1,666%/tháng là lãi hợp pháp), còn 1,666%/tháng x 5 lần = 8,33% (từ 1,667%/tháng đến 8,33%/tháng là lãi suất vay vi phạm về pháp luật dân sự), còn lại số tiền lãi cao hơn 8,33%/tháng cộng với tiền thu phí dịch vụ là số tiền thu lợi bất chính, nếu đủ 30 triệu đồng là đủ căn cứ để xử lý hình sự.

Đặc biệt, về pháp luật, do tính chất nguy hiểm của loại tội phạm “tín dụng đen” có thể gây bất ổn cho đời sống người dân, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nên cần nghiên cứu sửa đổi quy định Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng bỏ hình phạt tiền và tăng hình phạt tù, theo khoản 1 hình phạt từ 1 đến 5 năm tù; khoản 2 từ 5 năm đến 15 năm tù.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục Trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an): Cần chặn tài khoản ảo, số điện thoại ảo, các ứng dụng hoạt động “tín dụng đen”

Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, không đăng ký chính danh để thực hiện các hành vi phạm pháp luật, hoạt động “tín dụng đen”, nhằm trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.