- Thổ Nhĩ Kỳ gây sốc khi mua tiêm kích F-35: Không phải 6 mà là 40 chiếc
- Nguy hiểm khi phiến quân Syria thu được 'mãnh thú' Pantsir S1
Truyền thông Nga ngày 1/12 công bố hình ảnh cho thấy phiến quân Syria tịch thu ít nhất một hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1, pháo phòng không tự hành Shilka, máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu L-39, pháo phản lực phóng loạt BM-27 Uragan, trực thăng Mi-8, tổ hợp phòng không tầm ngắn Strela-10 và nhiều tên lửa vác vai.
Sự việc xảy ra sau khi quân chính phủ Syria rút lui khỏi căn cứ không quân Kweires và Abu al-Duhur ở hai tỉnh miền bắc gồm Aleppo, Idlib.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ trước đó nói rằng phiến quân "nhiều khả năng đã tịch thu được thiết bị quân sự giá trị cao" bị quân đội và các lực lượng thân chính phủ Syria "bỏ lại trong lúc rút lui hỗn loạn".
Bộ Quốc phòng Nga và Syria chưa bình luận về thông tin.
Máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu L-39 bị phiến quân HTS tịch thu ở Syria |
Hay'et Tahrir al-Sham (HTS), tiền thân là nhóm Mặt trận al-Nusra, chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria, cùng các lực lượng phiến quân đồng minh hôm 29/11 phát động cuộc tấn công thành phố Aleppo. Đây là lần đầu tiên phiến quân Syria tấn công thành phố này kể từ năm 2016, đánh dấu một trong những cuộc giao tranh đẫm máu nhất nhiều năm qua ở Syria.
Quân đội Syria ngày 30/11 thông báo "tạm rút lui" khỏi Aleppo, thành phố lớn thứ hai đất nước, nhằm tập hợp và tái tổ chức các đơn vị trước khi có lực lượng chi viện để mở cuộc phản công nhằm vào thành phố. Đây là lần đầu tiên chính phủ Syria để mất Aleppo kể từ khi nội chiến bùng phát vào năm 2011.
Máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu L-39 |
Được Cộng hòa Czech thiết kế và đưa vào phục vụ từ những năm đầu thập niên 1970, L-39 Albatros được coi là một trong những mẫu máy bay huấn luyện thành công nhất thế giới khi được hơn 30 quốc gia tin dùng, đặc biệt là các quốc gia thuộc khối XHCN trước đây.
L-39 từng là loại máy bay huấn luyện chủ đạo được không quân Liên Xô lựa chọn để tập luyện cho các phi công của mình. Sau này Nga tiếp tục dùng loại máy bay này làm nòng cốt huấn luyện cho các phi công chiến đấu. Hiện nay Nga đang dần thay thế L-39 bằng loại máy bay huấn luyện Yak-130 do nước này tự sản xuất.
Tính năng linh hoạt, chi phí thấp, khả năng hoạt động bền bỉ là những ưu điểm nổi trội của loại máy bay này. Với thiết kế khí động học thon gọn, cánh thẳng, cửa hút khí nằm phía trên cánh chính, máy bay được thiết kế dựa trên tiêu chí đơn giản, dễ điều khiển. Những chiếc L-39 sẽ giúp phi công làm quen với tốc độ, khả năng xử lý tình huống trước khi điều khiển những loại tiêm kích siêu âm thực sự.
Buồng lái được thiết kế với 2 ghế ngồi, trong đó học viên ngồi phía trước, giáo viên hướng dẫn ngồi phía sau để quan sát và chỉ dẫn khi cần thiết. Cả hai phi công được trang bị ghế phóng để sử dụng trong các tình huống khẩn cấp. Khi cần, bằng những thao tác đơn giản, các kỹ thuật viên mặt đất có thể nhanh chóng biến L-39 thành chiến đấu cơ hạng nhẹ như trang bị ụ pháo gắn ngoài, rocket không điều khiển và tên lửa tầm nhiệt.
Tổng cộng đã có hơn 2.800 chiếc L-39 được chế tạo và xuất sang các quốc gia. Tuy nhiên trải qua thời gian dài hoạt động, L-39 dần trở nên lỗi thời và đang trở thành loại máy bay huấn luyện liên tục gặp sự cố trong thời gian qua.