Phía sau bao công sức, mồ hôi của Cảnh sát quản lý hành chính Công an Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phát biểu về việc triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia tại CATP Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã khẳng định đây là một kỳ công, với trách nhiệm rất cao, thấm đẫm công sức, mồ hôi của từng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CATP Hà Nội để chúng ta có được kết quả này.

Đánh giá của đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an đã nêu bật sự cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội trong triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và các đồng chí lãnh đạo trực tiếp kiểm tra công tác cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử tại trụ sở Công an TP Hà Nội

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và các đồng chí lãnh đạo trực tiếp kiểm tra công tác cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử tại trụ sở Công an TP Hà Nội

“Cuộc đua” quên thời gian

Thiếu tá Nguyễn Thanh Huyền, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), CAQ Bắc Từ Liêm khẽ mở cánh cửa, bước chân vào “tổ ấm” của mình. Chị không muốn phá vỡ giấc ngủ yên bình của những người thân trong gia đình, bởi bây giờ đã là 2h sáng. Gần đến thời điểm tháng 11-2020, những ngày làm việc xuyên đêm của chị và đồng đội ngày càng nhiều hơn, nhất là những ngày có lịch bàn giao phiếu ghi các thông tin của người dân về Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, CATP Hà Nội.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Huyền chỉ là một trong hàng nghìn chiến sĩ Cảnh sát QLHC về TTXH, CATP Hà Nội có những ngày làm việc xuyên thời gian như thế. Trở lại thời điểm tháng 3-2020, bệnh nhân số 16 mắc Covid-19 xuất hiện tại Hà Nội đúng lúc Bộ Công an vừa triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đến Công an các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Chưa đầy 1 tháng sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CP về việc thực hiện giãn cách xã hội trên toàn quốc, để phòng chống dịch. Song không vì thế mà việc thu thập dữ liệu dân cư bị đình lại.

Để đảm bảo tiến độ thời gian theo chương trình của Bộ Công an, CATP Hà Nội đã thần tốc vào cuộc với rất nhiều khó khăn. Đây không phải lần đầu tiên Công an Hà Nội triển khai thu thập dữ liệu dân cư; ai đó đã đặt ra câu hỏi, vậy những dữ liệu cũ đã tích hợp vào không gian mạng có thể sử dụng lại và bổ sung hay không. Phần mềm không tương thích, nếu chỉnh sửa gần như phải viết lại phần mềm cộng thêm những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, đã trở thành bước cản trong việc triển khai dự án của lực lượng Công an Thủ đô.

Những chỉ đạo mới, “nóng”, thay đổi từng tháng của Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội, những cuộc tập huấn trên mọi mặt trận từ trực tiếp đến trực tuyến, để mỗi cán bộ, chiến sĩ đặc biệt là những Cảnh sát khu vực nhận thức được việc làm “đặc biệt” của mình.

Một điểm thuận lợi là khi ấy, lực lượng Công an chính quy đảm nhận chức danh Công an xã đã được bố trí đủ 100% tại các xã trên địa bàn thành phố, đã nhanh chóng được tập huấn để thu thập dữ liệu dân cư. Trung tá Nguyễn Ngọc Kiên, Trưởng Công an xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì cho biết, sau khi Công an Hà Nội triển khai kế hoạch, Ban chỉ huy Công an xã Khánh Thượng đã nhanh chóng tuyên truyền trên loa truyền thanh, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thu phiếu đến từng thôn và thực hiện ở mỗi thôn 1 ngày.

“Chúng tôi lựa chọn thôn ít dân làm trước để các thôn đông dân có thời gian chuẩn bị, đồng thời cử các đồng chí công an viên giỏi chuyên môn nghiệp vụ tham gia tổ công tác để hỗ trợ ghi tờ khai thông tin cho nhân dân. Mặt khác, công an xã còn huy động máy photocopy để giúp người dân thuận tiện hơn trong việc chuẩn bị tài liệu và tiết kiệm thời gian đi lại” - Trung tá Nguyễn Ngọc Kiên nói.

Đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ nhân dân, xây dựng hình ảnh đẹp người chiến sĩ Công an Thủ đô

Đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ nhân dân, xây dựng hình ảnh đẹp người chiến sĩ Công an Thủ đô

Nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử

Muốn có Chính phủ điện tử phải có công dân điện tử, vì thế lực lượng Công an đã quyết tâm số hóa thông tin về những cá nhân. Điều đó không những góp phần làm tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự mà còn tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Với một tấm thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, họ sẽ có thể giao dịch ở bất cứ đâu, ngân hàng, nhà đất, bảo hiểm, trường học... Mỗi một công dân khi chào đời, sẽ được cấp mã số định danh công dân, khi đủ 14 tuổi sẽ được cấp CCCD gắn chíp và những thay đổi của cá nhân theo thời gian khi 25 tuổi, 40 tuổi, 70 tuổi sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua những lần thay đổi CCCD.

So sánh với thế giới, đó là điều không mới, nhưng ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, việc thay thế CCCD gắn chíp, đổi phương thức quản lý sổ hộ khẩu giấy thực sự là bước đột phá, thể hiện quyết tâm cao của lực lượng CAND, góp phần cùng các cấp, ngành xây dựng Chính phủ điện tử. Một trong những dấu ấn của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Thủ đô trong năm 2020 chính là đã hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành việc thu thập, nhập liệu phiếu dữ liệu dân cư cùng hòa sóng về Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với những dữ liệu “đúng, đủ, sống”.

Khẳng định Hà Nội đã nỗ lực vượt qua khó khăn với quyết tâm lớn, sự đầu tư về cơ sở vật chất, hỗ trợ của UBND TP Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhìn nhận Hà Nội đã thu được kết quả tương đối toàn diện trong việc thu thập dữ liệu dân cư quốc gia. “Đây là một kỳ công, trách nhiệm rất cao, thấm đẫm công sức, mồ hôi của từng người lính để chúng ta có kết quả này. Đó là kho tài nguyên vô cùng quý giá của quốc gia.

Trên nền tảng của kết quả thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư, lực lượng công an bước sang giai đoạn 2 - giai đoạn “chiến dịch”, bắt đầu thực hiện từ ngày 21-12-2020 trên toàn quốc, thu nhận vân tay tròn, lấy hình ảnh và người dân không cần kê khai. Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội xác định rõ chủ trương, CATP không ngừng đổi mới toàn diện về nhận thức và các biện pháp công tác, quyết tâm hoàn thành cấp CCCD trên địa bàn thành phố, phục vụ công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ xã hội tiến tới phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử.

Đại tá Ngô Duy Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, CATP Hà Nội còn cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo toàn lực lượng Cảnh sát QLHC phải làm sao để nơi tiếp công dân của công an là nơi người dân muốn đến”. Nhiều loại thủ tục hành chính được giải quyết và trả trong ngày, đã tạo được sự tin tưởng của người dân, từ đó hình ảnh chiến sĩ lực lượng Cảnh sát QLHC tận tụy, chu đáo, văn hóa, lịch sự đã in đậm trong tâm trí người dân, góp phần hoàn thiện thể chế hành chính Nhà nước.