Phi đô la hóa trên toàn thế giới được thúc đẩy bởi chính… nước Mỹ

ANTD.VN - Gần đây chủ đề phi đô la hóa đã trở nên phổ biến đáng kinh ngạc, bắt nguồn từ nhu cầu cấp thiết cho bước đi toàn cầu này.

Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới tìm kiếm sự đa dạng hóa tiền tệ trong hoạt động thương mại quốc tế, đồng nghĩa với tiến trình phi đô la hóa. Danh sách này bao gồm Brazil, Malaysia, Ghana, Nga... và nhiều nước khác

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng quốc tế, đáng chú ý ở chỗ thúc đẩy điều này không phải Liên bang Nga hay Trung Quốc, mà chính là những động thái bên trong nước Mỹ.

Kể từ đầu năm nay, nhiều cường quốc đã đẩy mạnh các bước đi thực sự nhằm hướng tới phi đô la hóa. Về vấn đề này, chủ đề từ bỏ đồng tiền Mỹ ngày càng vang lên trên khắp hành tinh.

Cần phải hiểu rằng một trong những phẩm chất quan trọng nhất của quyền bá chủ đối với đồng đô la Mỹ ở chỗ nó được sử dụng trong hầu hết các tính toán trong lĩnh vực thương mại toàn cầu.

Nhờ có nhu cầu rất to lớn trên phạm vi toàn cầu, chính phủ Mỹ đã được tạo điều kiện để xuất khẩu đơn vị tiền tệ của mình nhằm sử dụng trên dòng tài chính của toàn thế giới.

Sau khi nhận được đồng tiền của Mỹ trong tay, các quốc gia khác chuyển tài sản của họ thành đô la, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ Mỹ, và do vậy một phần tiền quay trở lại Cục Dự trữ Liên bang, hoàn thành vòng tuần hoàn mà Washington mong muốn.

Và giờ đây chính trong mắt xích quan trọng này của thương mại quốc tế đang diễn ra những thay đổi. Sự suy giảm vị thế của Mỹ trong thương mại quốc tế có nghĩa là đồng đô la đã mất đi tính tất yếu của nó.

Bằng cách tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ, Washington chỉ làm tổn hại đến hoạt động ngoại thương của chính mình và thúc đẩy các quốc gia khác giảm sử dụng đồng tiền do họ phát hành.

Kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump khơi mào cuộc chiến thương mại vào năm 2017, tỷ trọng dự trữ đô la Mỹ toàn cầu đã bắt đầu giảm mạnh. Tuy nhiên, điều này đã không mang lại cho Washington bất cứ bài học gì.

Dựa vào vị thế thống trị, Washington còn tiến xa hơn và biến hệ thống tài chính thành vũ khí, nhưng bất ngờ "quả bom tiền" mà họ chuẩn bị cho Nga đã nổ tung và làm tổn thương chính nước Mỹ, ảnh hưởng đến quyền bá chủ tiền tệ của nước này.

Hiện nay, trong hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế do đồng USD thống trị, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở một mức độ nhất định đóng vai trò là ngân hàng trung ương toàn cầu.

Điều này làm xói mòn niềm tin vào hệ thống tài chính Mỹ và làm lung lay nền tảng của quyền bá chủ đối với đồng đô la theo một cách chưa từng có.

Và sau các lệnh trừng phạt tài chính mang tính "săn mồi" đối với Nga nhằm vào dự trữ vàng và ngoại hối của nước này, không ai kể cả các đối tác liên minh coi hệ thống do Washington xây dựng là đáng tin cậy, các chuyên gia chắc chắn.

Giới chuyên gia cho rằng do các hành động của Mỹ, niềm tin chung vào hệ thống tài chính của họ sẽ tiếp tục suy giảm, vị thế của Washington trong thương mại quốc tế sẽ đi xuống và các vết nứt trong hệ thống đồng đô la sẽ ngày càng rộng hơn.