Pháo tự hành có thể bắn đạn hạt nhân 2S7M Nga tập kích cứ điểm Ukraine

ANTD.VN -  Bộ Quốc phòng Nga công bố video kíp pháo tự hành 2S7M của nước này tập kích trận địa và sở chỉ huy của quân đội Ukraine.
"Kíp pháo tự hành 2S7M Malka thuộc Quân khu miền Nam tham gia chiến đấu. Các đơn vị pháo binh phản pháo vị trí của lực lượng vũ trang Ukraine. Các quân nhân phá hủy thiết giáp, pháo, súng cối, trận địa phòng không, trận địa pháo và sở chỉ huy của đối phương", Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/9/2022 thông báo.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, kíp pháo nói trên tham gia "chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm bảo vệ Donbass", song không công bố vị trí cụ thể.
Video được công bố cùng ngày cho thấy các quân nhân Nga điều khiển pháo tự hành 2S7M tới vị trí triển khai, sau đó bắn vào mục tiêu quân đội Ukraine.
Một máy bay trinh sát không người lái (UAV) ghi lại cảnh đám khói bốc lên từ nơi bị pháo kích.
"Nhiệm vụ là xác định và lấy vị trí bắn, từ đó gây thêm sát thương cho đối phương cũng như tiêu diệt mục tiêu. Chúng tôi đang trong tinh thần cao nhất, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện mọi nhiệm vụ", chỉ huy kíp pháo binh Kizlyar nói.
"Chúng tôi đoàn kết và trong mọi tình huống sẽ giành thắng lợi", Kizlyar nhấn mạnh.
Tại chiến trường Ukraine, pháo tự hành cỡ nòng 203mm này được cả phía Nga và Ukraine sử dụng. Trong khi Kiev sử dụng biến thể 2S7 Pion thì Moscow sử dụng biến thể hiện đại 2S7M Malka.
Tuy sở hữu khoảng 100 khẩu 2S7 Pion, nhưng phía Ukraine lại thiếu thốn nguồn cung đạn dược dùng cho pháo này, nên chúng không mấy phát huy hiệu quả.
Liên Xô là cái nôi sản sinh ra các siêu vũ khí cực mạnh và pháo tự hành 2S7 Pion là một trong số đó. Cho đến thời điểm hiện tại đây vẫn là một trong những khẩu pháo mạnh nhất thế giới khi có khả năng bắn đạn hạt nhân.
Liên Xô bắt đầu nghiên cứu sản xuất loại pháo này từ những năm 1970. Đây là hệ thống pháo chiến lược được sản xuất quy mô tới hơn một ngàn khẩu.
Sau khi phát triển thành công, Liên Xô đặt kỳ vọng đây sẽ là loại vũ khí tạo ra bước ngoặt trên chiến trường.
Đã có lúc người ta cho rằng thời của pháo binh đã hết, thay thế vào đó là các loại tên lửa tấn công, tuy nhiên thực tế các chiến trường gần đây như Syria, Lybia và hiện tại là Ukraine đều cho thấy tầm quan trọng của pháo binh.
Dùng pháo binh vẫn tạo ra hiệu quả tác chiến đáng sợ cho đối phương trong khi vẫn bảo đảm tính kinh tế rẻ hơn nhiều so với dùng tên lửa.
Chi phí cho một quả tên lửa có thể gấp vài chục lần so với một quả đạn pháo, việc dội một số lượng đạn pháo lớn vào mục tiêu cùng lúc sẽ tạo ra sức hủy diệt và gây tâm lý hoảng loạn cho đối phương.
Pháo tự hành 2S7 Pion sử dụng khung gầm bánh xích đặc biệt được phát triển riêng. Xe được trang bị động cơ diesel 750 mã lực đạt tốc độ 51km/h, tầm hoạt động 500km.
Để đề phòng trường hợp động cơ chính hư hỏng, 2S7 Pion có thêm hệ thống năng lượng phụ trợ công suất 24 mã lực dùng khi cần thiết.
2S7 Pion được trang bị pháo cỡ nòng tới 203mm, pháo đạt tốc độ bắn 3 phát/2 phút.
Với nòng pháo 203mm và hệ thống hỗ trợ nạp đạn, 2S7 Pion có thể bắn những viên đạn nổ mảnh nặng đến 110kg, chứa 17,8kg thuốc nổ đi xa đến 37,5km.
Với loại đạn tăng tầm nặng 103kg và chứa 13,8kg thuốc nổ, tầm bắn lên đến 47,5km.
Về kích thước, pháo tự hành 2S7 Pion có chiều dài thân 10,5m, rộng 3,38m, cao 3m, và nặng đến 46 tấn.

Kíp pháo thủ của 2S7 Pion lên tới 14 người, trong đó 7 người ngồi trên xe chiến đấu (gắn pháo) và 7 người ngồi trên xe hộ tống – tiếp đạn.

Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine đã được thừa hưởng một số lượng lớn loại pháo này.
Từ biến thể 2S7 Pion, Nga đã nâng cấp lên chuẩn 2S7M Malka với sự bổ sung thiết bị ngắm bắn để tăng độ chính xác cung như nâng cấp một số thành phần khác để tăng hiệu quả tác chiến.
Quá trình hiện đại hóa bao gồm: thay thế hộp số, cơ cấu phân phối và bộ nguồn cấp năng lượng, thay thế các thiết bị quan sát và hệ thống dẫn hướng, thiết bị đàm thoại nội bộ và đài liên lạc, nâng cấp thiết bị phòng chống bức xạ hạt nhân, hệ thống dẫn vũ khí đến mục tiêu bằng máy bay không người lái (UAV).
Thậm chí Nga còn đang phát triển loạt đạn thông minh với độ chính xác cao để trang bị riêng cho dòng pháo tự hành này.
Loại đạn mới giúp pháo 2S7M Malka có thể công phá mục tiêu nằm sâu trong khu vực phòng ngự của đối phương với tầm bắn lên tới 55-60 km.

Trong trường hợp cần thiết, loại pháo này có thể bắn đạn hạt nhân chiến thuật. Nga đã phát triển 3 loại đạn pháo hạt nhân cỡ 203mm được phát triển riêng cho 2S7M Malka.

Được biết, 2S7M Malka được phát triển như một phương tiện để tấn công các mục tiêu quan trọng và mục tiêu của đối phương trong chiều sâu chiến thuật phòng thủ.

2S7 Pion và sau này là 2S7M Malka được coi là một trong những dòng pháo đỉnh cao ra đời trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi cả Liên Xô và Mỹ đều theo đuổi việc chế tạo pháo tự hành cỡ lớn đủ khả năng bắn đạn pháo hạt nhân chiến thuật.