Pháo tự hành 2S22 Bogdana vụt sáng trở thành vũ khí 'không thể bị phá hủy'

ANTD.VN - Pháo tự hành 2S22 Bogdana hiện đã có tới 30 tổ hợp được sản xuất trong điều kiện thời chiến và bàn giao cho Quân đội Ukraine.

Cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có tổ hợp pháo tự hành 2S22 Bogdana nào bị phá hủy trong tác chiến, chỉ duy nhất một hệ thống hư hỏng đang được sửa chữa. Đồng thời, ngay cả phiên bản đầu tiên của nó vẫn được sử dụng trên khung gầm KrAZ.

Ấn phẩm Ukraine Pravda vừa thực hiện cuộc nói chuyện với các công nhân sản xuất hệ thống pháo tự hành bánh lốp này từ Nhà máy chế tạo máy công cụ hạng nặng Kramatorsky (một thành viên của NAUDI).

Hiện 25 doanh nghiệp và khoảng 400 chuyên gia tham gia sản xuất vũ khí này, một số thành phần quan trọng hiện được làm ở nước ngoài và một phần quy trình chế tạo được phân cấp để bảo vệ khỏi các cuộc tấn công.

Thông tin trên cho thấy rằng số lượng người liên quan trực tiếp đến dây chuyền sản xuất đang gia tăng, báo hiệu khả năng mở rộng quy mô sản xuất pháo tự hành 2S22 Bogdana.

Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với Ukraine, trong điều kiện các loại pháo cỡ nòng 155 mm khác phải chờ đợi một thời gian rất dài do tình trạng thiếu hụt trầm trọng ở các quốc gia tài trợ.

Bởi vì trong suốt thời gian qua, theo thông tin công khai, Ukraine có thể nhận và đặt hàng tới 400 hệ thống pháo tự hành 155 mm và tới 250 pháo kéo 155 mm.

Nhưng cần lưu ý với con số này đó là không phải tất cả đều được giao, và trong số những hệ thống mà Kyiv đã nhận vẫn có những tổn thất, đồng thời còn có vấn đề cạn kiệt tài nguyên.

Đồng thời, ấn phẩm Ukraine Pravda trích dẫn thông tin từ các nhà phát triển rằng chi phí của pháo tự hành Bogdana là khoảng 2,5 triệu đô la.

Chi phí trên rẻ hơn đáng kể so với giá hiện tại của pháo tự hành CAESAR - 4,26 triệu đô la, một trong những mức giá rẻ nhất trên thị trường.

Nhưng bất chấp khả năng tăng số lượng Bogdana trong Lực lượng vũ trang Ukraine, đặc biệt là khi khẩu pháo tự hành này nhận được máy nạp đạn, thì cũng có một vấn đề, điều đáng ngạc nhiên là ở một mức độ nào đó lại mang tính tích cực.

Bởi vì hiện tại, khả năng sản xuất một đơn vị pháo binh đang vượt xa khả năng cung cấp khung gầm bọc thép T815 của nhà sản xuất Tatra tại Cộng hòa Séc, như đã lưu ý, chu kỳ công nghệ sản xuất của họ là hơn một năm.

Và với tình hình sản xuất vũ khí của Ukraine trong điều kiện thời chiến thì đây rõ ràng là nỗ lực lớn.

Một trong những tùy chọn khung gầm bổ sung cho Bogdana là MAN, cụ thể là dòng HX do Rheinmetall cung cấp, được sử dụng chung cho hệ thống pháo tự hành Archer.

Xét đến việc Rheinmetall tiến vào Ukraine là một hướng khác của việc nội địa hóa vũ khí, đây là sự bổ sung rất tốt cho khung gầm KrAZ của Ukraine đang nhanh chóng cạn kiệt sau khi nhà sản xuất tuyên bố phá sản vài năm trước.

Đồng thời vấn đề về khung gầm mới cũng khá logic để dẫn đến việc phát triển phiên bản kéo dài của Bogdana - biến thể mà các nhà phát triển đang nghiên cứu để mang được nhiều đạn hơn, cũng như bổ sung hệ thống nạp tự động.