Pháo phòng không Gepard Ukraine phải được Osa-AKM bảo vệ

ANTD.VN - Pháo phòng không Gepard do Đức viện trợ Ukraine đang phối hợp tác chiến cùng tổ hợp Osa-AKM chế tạo từ thời Liên Xô.

Tại khu vực Kharkiv, Quân đội Ukraine đã gây ngạc nhiên khi cho pháo phòng không Gepard phối hợp tác chiến cùng tổ hợp tên lửa Osa-AKM, đây là điều chưa từng có tiền lệ.

Hai hệ thống hoàn toàn không tương thích về công nghệ, truyền dữ liệu, radar được sử dụng hay chức năng. Đạn cũng không thể tương thích. Tuy nhiên việc thiếu các hệ thống phòng không chất lượng đã buộc chỉ huy Quân đội Ukraine ở Kharkiv phải đưa ra quyết định trên.

Nhiều khả năng, Gepard được giao nhiệm vụ diệt các mục tiêu bay thấp của đối phương như máy bay khong người lái (cả loại cảm tử như Shahed-136). Tùy thuộc vào độ cao, máy bay và trực thăng của Nga cũng có thể nằm trong tầm hoạt động của hệ thống.

Gepard của Đức có tầm bắn tối đa lên tới 4 km nhưng hữu dụng nhất ở tầm bắn tối thiểu, bắt đầu từ 100 mét. Trong khi đó, Osa-AKM là hệ thống tên lửa đất đối không chiến thuật tầm thấp, nhưng trực thăng, UAV và máy bay chiến đấu đều nằm trong tầm bắn lên tới 15 km của nó.

Như vậy, lực lượng vũ trang Ukraine đang sử dụng hai hệ thống phòng không riêng biệt, trang bị pháo và tên lửa để chống lại các vật thể bay ở các độ cao khác nhau.

Quân đội Ukraine mới đây cho biết rằng họ đã có 30 hệ thống Gepard như vậy và ít nhất khoảng 50.000 cơ số đạn 35 mm cho chúng. Nhưng đây không phải là tình hình vào thời điểm đầu và giữa năm.

Những chuyến hàng đầu tiên của Gepard đến mà không có đạn dược. Vì vậy vũ khí này hoàn toàn vô dụng. Hóa ra theo truyền thông Đức, đạn 35 mm đã cạn kiệt trong kho và Berlin buộc phải tìm kiếm các nhà cung cấp khác.

Một nhà sản xuất đạn pháo 35 mm của Na Uy đã xuất hiện. Nhưng sau đó đạn của Na Uy không được hệ thống kiểm soát hỏa lực nhận dạng và do vậy không thể bắn, phải mất thêm một thời gian để các hiệu chỉnh cần thiết được thực hiện.

Gepard có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết ở độ cao thấp. Nó được phát triển trên khung gầm xe tăng Leopard 1 và trang bị pháo tự động Oerlikon GDF 2 × 35 mm, mỗi khẩu có 320 viên đạn phòng không và 20 viên đạn chống tăng.

Gepard 1A2 tích hợp radar điều khiển hỏa lực và radar tìm kiếm trên cùng khung gầm, hệ thống được thiết kế để tiến hành bảo vệ đội hình tiến quân của các đơn vị cơ giới ở khoảng cách và độ cao rất gần.

Hệ thống đã được hiện đại hóa nhiều lần trước những năm 2000, vẫn hoạt động trong biên chế nhiều quốc gia. Gepard được trang bị động cơ đa nhiên liệu MTU 10 xi lanh, cho công suất tối đa 819 mã lực (610 kW).

Các hệ thống Gepard bị Quân đội Đức loại biên vào năm 2010 hiện nằm trong kho bảo quản của Tập đoàn KMW. Doanh nghiệp trước đây đã đề nghị gửi Gepard đến Ukraine, nhưng đề nghị này khá lâu sau mới được chính phủ Đức thông qua.

Bảo vệ cho Gepard, hệ thống 9K33M3 Osa-AKM (SA-8B Gecko) với xe mang phóng tự hành 9A33BM3 và tên lửa 9M33M3 được giới thiệu vào năm 1980, với tầm bắn tối đa được mở rộng lên 15 km và độ cao lớn nhất lên tới 12 km.

Hệ thống Osa-AKM có nhiều kinh nghiệm chiến đấu đã được chứng minh, nó tham gia hầu hết các cuộc xung đột quân sự từ những năm 1980 đến nay, bao gồm chiến trường Nagorno-Karabakh, Syria, và cuộc nội chiến Libya vào năm 2020.