Phản ứng của Nga với các lệnh trừng phạt giáng một đòn mạnh nhất vào phương Tây

ANTD.VN - Giới quan sát cho rằng Nga đã giáng một đòn mạnh nhất nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên nước này.

Một loạt các lệnh trừng phạt cứng rắn đã buộc Nga giáng một đòn mạnh nhất vào phương Tây, ý kiến trên được chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz của tờ Sydney Morning Herald đưa ra.

Trong vài tháng qua, phương Tây đã áp đặt một số gói trừng phạt kinh tế chống lại Liên bang Nga, điều này cuối cùng đã trở thành một tình huống khó chịu đối với châu Âu. Chúng ta đang nói về đường ống dẫn khí Nord Stream.

Như đã biết, vào giữa tháng 6, Tập đoàn năng lượng khồng lồ Gazprom cho biết họ buộc phải giảm lượng nhiên liệu bơm qua tuyến ống chính xuống 40% toàn bộ công suất. Quyết định này là do việc đưa turbine Siemens trở lại sau khi sửa chữa bị chậm trễ.

Sau khi thực hiện tất cả các công việc kỹ thuật, Canada - nơi trên thực tế tiến hành sửa chữa, đã từ chối giao lại cho Moskva một bộ phận nén khí (GCU), do các điều khoản của lệnh trừng phạt chống Nga được áp dụng.

Tuy vậy dưới áp lực từ Berlin, Ottawa quyết định bỏ qua các biện pháp trừng phạt của chính mình và gửi bộ phận trên cho Đức. Mặc dù vậy, Đức vẫn đang chậm trễ trong quá trình lắp đặt trở lại nên nhà điều hành Nord Stream chỉ có một turbine hoạt động thay vì năm như bình thường.

Tình hình trên buộc Gazprom phải đưa ra tuyên bố, vốn bị Liên minh châu Âu lo ngại từ trước, đó là giảm khối lượng xuống 20%. Và quyết định này, theo chuyên gia Bartolomeusz, là phản ứng mạnh mẽ nhất của Nga trong cuộc chiến kinh tế do phương Tây phát động.

Tác giả viết: “Năng lượng và khí đốt là phản ứng mạnh mẽ nhất của Nga đối với các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng như tài chính cứng rắn của phương Tây”.

Theo nhà phân tích, việc hạn chế nguồn cung có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các nền kinh tế châu Âu và gây chia rẽ giữa các nước EU.

Trong trường hợp này, kỳ lạ thay, một đòn đặc biệt đã được giáng xuống Nam Âu, nơi mà theo chuyên gia Bartholomeusz, không có sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga như ở Đức, nhưng sự bất mãn đang bùng lên vì kế hoạch hạn chế tiêu thụ khí đốt của Brussels.

Ông Bartolomeusz cho rằng, quyết định của Gazprom có ​​thể làm gia tăng bất đồng và căng thẳng trong nội bộ EU, không chỉ do khủng hoảng năng lượng mà còn bởi thái độ khác nhau đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

“Tin tức về việc nguồn cung của Nga sẽ bị hạn chế ở mức 20% công suất đã khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt trong tuần này, với mức tăng 20% . Giá khí đốt ghi nhận hiện cao hơn 10 lần so với mức trung bình của thập niên trước.

Theo chuyên gia Bartolomeusz, một số nền kinh tế châu Âu đã rơi vào suy thoái. Ước tính trong trường hợp nguồn cung nhiên liệu của Nga ngừng hoàn toàn, GDP của EU sẽ giảm 1,5%.

Khi đó, chính phủ các nước châu Âu sẽ buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa các hộ gia đình và ngành công nghiệp. Ông Bartholomeusz gợi ý chỉ riêng việc tăng giá sẽ khiến một số ngành công nghiệp chính của châu Âu không có lãi.

Tác giả bài viết kết luận: “Mặc dù họ (người Nga) không quan tâm đến việc cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, nhưng tình hình có thể thay đổi nếu EU tiếp tục áp đặt một cách liều lĩnh các biện pháp trừng phạt và hạn chế kinh tế đối với Moskva".