Phá vòng luẩn quẩn "nghèo bền vững"

ANTD.VN - Phân hóa giàu nghèo đang là một thách thức lớn đối với sự phát triển của Việt Nam nói riêng, toàn thế giới nói chung. Những thành quả bước đầu trong công tác giảm nghèo của nước ta đã được thế giới công nhận. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững. 

Phá vòng luẩn quẩn "nghèo bền vững" ảnh 1Hỗ trợ người dân kỹ thuật, vốn để thoát nghèo bền vững

Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, Việt Nam có hơn 2,33 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,88% tổng số hộ dân toàn quốc) và hơn 1,23 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,22%). Ấy là chưa kể, đời sống của một bộ phận dân cư có thu nhập sát ngưỡng nghèo cũng rất bấp bênh, chỉ cần gặp thiên tai, dịch bệnh là có nguy cơ quay trở lại cảnh nghèo đói bất cứ lúc nào.

Giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều không đơn thuần chỉ là giúp người dân đủ cơm ăn áo mặc, mà còn phải đảm bảo để mọi người có thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững cho biết, mục tiêu đặt ra là thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo vào cuối năm 2020 phải tăng lên 1,5 lần so với cuối 2015. Tổng kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững là hơn 48.000 tỷ đồng.

Chỉ tiêu pháp lệnh là vậy nhưng thực tế giảm nghèo rất phức tạp. Trong giai đoạn trước, tỷ lệ tái nghèo còn rất cao, bình quân 3 hộ thoát nghèo lại có gần 1 hộ tái nghèo. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên, theo Bộ LĐ-TB&XH, là do thiên tai, bão lũ, hộ có người bị bệnh nặng, thiếu lao động, đông con... Bên cạnh đó, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập... cũng dẫn đến tái nghèo.

Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, không thể chạy theo thành tích về con số giảm nghèo mà phải tập trung giải quyết cho được cái gốc của vấn đề. Cần giúp người nghèo hiểu rằng, muốn thoát nghèo bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, họ phải vươn lên bằng nỗ lực, ý chí và sức lao động của bản thân, không thể mãi trông chờ vào chính sách và sự hỗ trợ của cộng đồng. Cùng với đó, cơ quan quản lý cần khắc phục tình trạng phân bổ kinh phí giảm nghèo dàn trải, giảm dần các chính sách cho không, tập trung hỗ trợ sản xuất để người nghèo vươn lên thoát nghèo.

Nhóm chính sách tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho người nghèo, cả ở khu vực đô thị và nông thôn phải được đặt trên nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp. Đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh là giải pháp không thể thiếu. Để có hiệu quả cao, việc xây dựng chính sách đối với người nghèo cần có sự phân nhóm như: nhóm chủ động tìm cơ hội thoát nghèo, nhóm bị động trong hoạt động sản xuất hay nhóm mất khả năng lao động... chứ không thể “nghèo bình đẳng”. Chính sách chỉ nên hỗ trợ thường xuyên với người nghèo do hoàn cảnh bất khả kháng và họ không thể thoát nghèo. Với các trường hợp nghèo khác, chính sách của Nhà nước cần hỗ trợ có thời hạn, kèm theo điều kiện cụ thể để hộ nghèo chấp hành và phải vươn lên để thoát nghèo, tránh tình trạng “mong ở lại làm hộ nghèo...”.