Oanh tạc cơ Tu-160M lần đầu bay xuyên Biển Barents và Bắc Băng Dương

ANTD.VN - Oanh tạc cơ Tu-160M chính là phiên bản hiện đại hóa của "Thiên nga trắng" Tu-160 nổi tiếng.

Trong một hoạt động kéo dài 8 giờ được lên kế hoạch tỉ mỉ, oanh tạc cơ Tu-160M mang tên lửa chiến lược đã được quan sát bay qua không phận trên vùng trời trung lập của Biển Barents và Bắc Băng Dương.

Thông tin này đã được Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tiết lộ. Kèm theo thông báo, họ đã chia sẻ một video clip ngắn trên kênh Telegram của mình và thu hút sự quan tâm lớn từ báo chí.

Hộ tống "Thiên nga trắng" là tiêm kích Su-35S của Không quân Nga. Trung tướng Sergey Kobylash - Chỉ huy lực lượng hàng không tầm xa cho biết chuyến bay tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc quốc tế về việc sử dụng không phận.

Ông Kobylash nhấn mạnh thêm vào thực tế là các phi công hàng không tầm xa thường thực hiện các chuyến bay qua vùng biển trung lập của nhiều khu vực khác nhau trên toàn cầu.

Địa bàn hoạt động của Tu-160 bao gồm Bắc Cực, Bắc Đại Tây Dương, Biển Đen và Biển Baltic cũng như Thái Bình Dương, nhằm làm nổi bật phạm vi hoạt động thường xuyên và rộng lớn của lực lượng này.

Máy bay ném bom Tu-160 của Nga thực hiện các chuyến bay theo lịch trình trên vùng biển trung lập có thể chứa đựng bên trong một số lý do và mục tiêu chiến thuật.

Một lý do có thể là nhằm thể hiện khả năng quân sự của Nga và khẳng định sự hiện diện của nước này trên trường quốc tế. Thông qua hoạt động trên, Nga có thể chứng minh khả năng triển khai sức mạnh ra ngoài biên giới ở tầm xa.

Ngoài ra, các chuyến bay như vậy chính là cơ hội huấn luyện cho các phi công và thành viên phi hành đoàn trong việc thực hành nhiệm vụ chiến đấu tầm xa và nâng cao kỹ năng của họ.

Lý do khác có thể là để thu thập thông tin tình báo về hệ thống phòng không và thời gian phản ứng của những quốc gia đối lập thuộc Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO.

Bằng cách bay gần không phận của đối thủ, Nga có thể kiểm tra một cách chính xác thời gian phản ứng cũng như xác định điểm yếu trong hệ thống phòng không đối phương.

Thông tin này cũng có thể được sử dụng để cải thiện khả năng phòng không của chính Nga, đồng thời phát triển những biện pháp đối phó với các mối đe dọa tiềm ẩn.

Về mặt chiến thuật, những chuyến bay như vậy cũng có thể đóng vai trò răn đe đối với các đối thủ tiềm năng. Bằng cách thể hiện khả năng thực hiện nhiệm vụ tầm xa, Nga sẽ ngăn chặn đối phương thực hiện các hành động gây hấn chống lại mình.

Hơn nữa, những chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược còn có thể được sử dụng để báo hiệu sự sẵn sàng của Moskva trong việc bảo vệ lợi ích của mình cũng như đồng minh trong khu vực.

Tuy nhiên hành động như vậy cũng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng và kích động phản ứng từ những quốc gia khác.

Nếu không được tiến hành một cách minh bạch và có thể dự đoán trước, hoạt động của oanh tạc cơ chiến lược rất dễ bị coi là mối đe dọa và dẫn đến những hiểu lầm cũng như tính toán sai lầm.

Do vậy, Nga cần truyền đạt ý định của mình và thực hiện những chuyến bay của oanh tạc cơ tầm xa theo các tiêu chuẩn và quy định quốc tế để tránh mọi hậu quả không mong muốn.