NSND Đặng Nhật Minh: “Từng có lúc hoài nghi về nghề”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuối tháng 3 vừa qua, đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh vinh dự nhận "Huân chương Hiệp sĩ Văn học nghệ thuật" do Bộ Văn hóa Pháp trao tặng, vinh danh những đóng góp của ông trong lĩnh vực điện ảnh cũng như góp phần làm tăng cường sự hiểu biết giữa đất nước Việt Nam và Pháp. Ở tuổi 83, đạo diễn gạo cội vẫn miệt mài làm phim với dự án điện ảnh "Hoa nhài". Ông đã có những chia sẻ thẳng thắn về điện ảnh cũng như bộ phim “mang cốt cách Tràng An” mà mình đau đáu.


- PV: Là một trong những đạo diễn hàng đầu của Việt Nam nhưng ít ai biết rằng, ông từng làm phiên dịch tiếng Nga rồi tiếng Pháp trước khi đến với điện ảnh. Ông có thể chia sẻ cơ quyên nào
đã dẫn ông tới con đường làm phim này không?

- Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh: Có 2 bước ngoặt lớn trong đời tôi là đến với môi trường điện ảnh và trở thành đạo diễn phim. Bước ngoặt đầu thì không do tôi định đoạt mà do tổ chức của trên định đoạt. Ngày đó học xong tiếng Nga hai năm ở Liên Xô có 3 người được phân về công tác ở Bộ Văn hóa. Hai người được giữ lại làm phiên dịch cho lãnh đạo Bộ. Tôi được phân công về làm phiên dịch tại Phát hành phim Trung ương để dịch lời thoại trong các phim Liên Xô. Vậy là tôi rơi vào môi trường điện ảnh - một lĩnh vực mà trước đó tôi chẳng có mối liên hệ gì dù là gián tiếp.

Còn bước ngoặt thứ 2 đến với tôi sau khi cha tôi là GS Đặng Văn Ngữ hy sinh tại chiến trường Trị Thiên năm 1967 khi đang nghiên cứu vaccine chống sốt rét cho bộ đội. Tôi bỗng trở thành con liệt sỹ được Bộ Văn hoá ưu tiên cho sang Liên Xô học đạo diễn. Nhưng tôi đã từ chối ưu tiên đó vì con đầu lòng của tôi còn nhỏ lại đang chiến tranh không quân Mỹ ở miền Bắc phải lo sơ tán cho vợ con. Sau đó tôi xin về Xưởng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê Hà Nội rồi phấn đấu trở thành đạo diễn phim truyện tại đây.

- PV: Từng đạo diễn một vài phim đầu tay bằng kịch bản của người khác nhưng cái tên Đặng Nhật Minh thực sự tạo ra phong cách, được biết đến, gây tiếng vang bằng những bộ phim tự biên kịch và đạo diễn của mình về thân phận con người – điều này xuyên suốt cho tới tận bây giờ. Vì sao lại có sự nhất quán và kiên định đến thế trong con đường làm phim của ông?

- Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh: Tôi đã từng thực hiện một vài phim theo cách thông thường của điện ảnh Việt Nam thời bao cấp, tức là khi kịch bản phim đã được Cục Điện ảnh duyệt thì đưa về cho Giám đốc Xưởng phim phân công cho các đạo diễn làm; làm như một thói quen, bắt chước theo các phim của những người đi trước. Ý đồ của bộ phim thì đã nằm sẵn trong kịch bản đã được duyệt, không có gì phải bận tâm nữa, cứ thế mà thể hiện lên phim bằng hình ảnh…

Sau một thời gian tôi cũng đã nắm được một vài thủ thuật của cái nghề đạo diễn. Nhưng đôi lúc tôi cũng cảm thấy hoài nghi về ý nghĩa của cái nghề mà mình đang theo đuổi. Nhưng từ khi đọc được câu của đạo diễn Ý F. Fellini: “Đạo diễn không phải là một nghề - Đó là một thế giới quan” tôi như “ngộ” ra ý nghĩa của cái nghề này. Nghề này, Thế giới quan của người đạo diễn mới quan trọng chứ không phải một mớ những thủ pháp nghề nghiệp mà ai cũng có thể có được nếu hành nghề lâu năm.

Theo định nghĩa của từ điển Bách khoa thì: “Thế giới quan là biểu hiện của cách nhìn bao quát đối với thế giới bao gồm cả thế giới bên ngoài và cả mối quan hệ của con người với thế giới. Thế giới quan của con người chịu ảnh hưởng bởi: Những kiến thức tiếp nhận được và những kinh nghiệm cuộc sống đã trải qua”. Tôi đã thử áp dụng cái quan điểm sáng tác đó để viết kịch bản phim "Thị xã trong tầm tay" rồi tự mình làm đạo diễn. Và tôi đã tìm thấy cho mình ý nghĩa của nghề đạo diễn phim. Tôi cảm thấy hào hứng với nó và trung thành với quan điểm sáng tác đó cho đến tận bây giờ, mặc cho thời cuộc và thị hiếu tâm lý của người xem có đổi thay.

- PV: Đã hơn 10 năm mới lại thấy ông trở lại làm phim với dự án "Hoa nhài" – và vẫn là quan điểm làm phim kiên định đó. Ông có thể chia sẻ một chút về dự án này của mình được không?

- Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh: "Hoa nhài" do một hãng phim nhỏ ở Huế - nơi tôi sinh ra - sản xuất. Họ thấy tôi lâu không làm phim nên muốn tạo điều kiện để tôi được làm, đỡ nhớ nghề. Kinh phí cho phim cũng khá là hạn hẹp, mới đủ để quay và sơ dựng, đang còn chờ huy động thêm tiền để làm hậu kỳ. Được cái, "Hoa nhài" không phải do Nhà nước đặt hàng, nên cũng chẳng bắt buộc phải ra đúng dịp kỷ niệm nào nên không bị áp lực gì.

Tôi làm phim này bởi thấy báo chí, rồi phim ảnh… phản ánh nhiều về những mặt tiêu cực của người Hà Nội, “chất Hoa nhài” của người Hà Nội dường như không còn. Tôi muốn chứng minh minh điều ngược lại, rằng mặc dù bây giờ người tứ xứ đổ về khiến người Hà Nội không còn như xưa..."Hoa nhài" là câu chuyện xoay quanh các mối quan hệ giữa con người với nhau trong vòng xoáy của cuộc sống đô thị hiện nay: một em bé đánh giày từ nông thôn ra; Một ông thợ cắt tóc với vợ là người từ làng bánh cuốn Thanh Trì; một ông giáo già người Hà Nội gốc dạy hát cho các em trong dàn đồng ca khiếm thị… Họ, vẫn giữ được cái cốt cách của “người Tràng An” như trong câu ca dao xưa: “Chẳng thơm cũng thể Hoa Nhài. Chẳng phải thanh lịch cũng người Tràng An”.

- PV: "Hoa nhài" cũng là dự án khá vất vả về mặt kinh phí của ông khi mỗi thời điểm có tiền lại quay, dựng một ít. Đây cũng là phim đầu tiên ông làm mà không phải do kinh phí nhà nước đặt hàng. Ông có cảm thấy khó khăn gì không?

- Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh: Đây có lẽ là bộ phim cuối cùng của tôi nền xác định có lỗ cũng không sao. Mà thực ra, tôi cầm chắc là lỗ vì phim không có những pha hành động hay những cảnh “hot” nhưng có sao, miễn được làm những gì mình muốn, mình thích. Tôi rất mê điện ảnh Iran với những bộ phim kinh phí thấp nhưng lại đến được với trái tim của nhiều khán giả trên thế giới và được đánh giá cao với hàng trăm giải thưởng điện ảnh quốc tế. Tôi cũng đã nhiều lần kêu gọi các nhà làm phim Việt Nam hãy noi theo điện ảnh Iran, nhưng rất ít người hưởng ứng. Tôi cũng cố học theo họ trong bộ phim "Hoa nhài" này trước hết về phương diện kinh phí thấp và câu chuyện đơn giản.

- PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Box: Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh sinh năm 1938, là một trong những gương mặt đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Việt Nam. Ít ai biết, trước khi nổi danh với hàng loạt bộ phim nghệ thuật, ông từng làm công tác dịch thuật tiếng Nga tại Fafilm Việt Nam, trường Điện ảnh rồi sau đó mới chính thức theo đuổi con đường đạo diễn khi đầu quân cho Hãng phim truyện Việt Nam.


Sau một số tác phẩm đầu tay như "Chị Nhung" (đồng đạo diễn, 1973), "Những ngôi sao biển" (1974), "Ngày mưa cuối năm" (1976)...NSND Đặng Nhật Minh thực sự tạo phong cách, được biết đến, gây tiếng vang bằng những bộ phim tự biên kịch và đạo diễn của mình về thân phận con người. Các bộ phim nổi tiếng dưới hình thức này phải kể đến như: Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Trở về, Thương nhớ đồng quê, Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi, Đừng đốt…

Với những tác phẩm của mình, NSND Đặng Nhật Minh đã định hình cho mình một phong cách làm phim nghệ thuật cực kỳ riêng biệt, cá tính, đi sâu vào khai thác thân phận con người một cách tinh tế nhân văn. Cá nhân cũng như các tác phẩm của ông không chỉ gây tiếng vang ở Việt Nam mà còn cả trên bản đồ điện ảnh thế giới thông qua các giải thưởng lớn như Bông sen vàng, Cánh diều vàng, LHP Châu Á-Thái Bình Dương, LHPQT Moskva, LHPQT Rotterdam, LHPQT Fribough, LHPQT Fukuoka, LHPQT Amiens…

Đặc biệt, năm 2008, bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" của ông còn được kênh CNN của Mỹ bầu chọn là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại và năm 2010, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh của Mỹ còn tổ chức buổi tôn vinh ông, ghi nhận những đóng góp của NSND Đặng Nhật Minh với điện ảnh Việt Nam. Năm 2011, NSND Đặng Nhật Minh còn vinh dự được nhận giải thưởng điện ảnh Nobel Hòa bình Kim Dae-jung, được trao trong khuôn khổ LHPQT Gwangju ở Hàn Quốc.