- Nhà sản xuất “Đại thi hào Nguyễn Du” mong muốn có thể đưa phim vào trường học
- Êkip sản xuất phim "Phố trong làng" nhận Bằng khen của Bộ Công an
- "Truyền thuyết quán Tiên" tham dự Liên hoan phim Pháp ngữ lần thứ 12 tại Việt Nam
Đạo diễn Nguyễn Văn Đức chỉ đạo các diễn viên trên phim trường |
- PV: Ở Việt Nam, việc làm một bộ phim tài liệu phục dựng chân dung nhân vật lịch sử vẫn còn khá mới mẻ, ít người thử làm nên khán giả chưa có mấy cơ hội được tiếp cận. Hẳn anh và êkip cũng lường trước được những bỡ ngỡ, mới lạ và cả những thách thức đặt ra khi bắt tay vào làm “Đại thi hào Nguyễn Du”?
- Đạo diễn Nguyễn Văn Đức: Đúng vậy, ở Việt Nam rất hiếm có những bộ phim tài liệu truyện kiểu như vậy, một phần vì đòi hỏi kinh phí đầu tư rất lớn, phần nữa là thể loại này vẫn chưa thông dụng, kén người xem. Vì vậy thách thức đặt ra với chúng tôi khi bắt tay vào làm “Đại thi hào Nguyễn Du” là không hề nhỏ.
Tuy nhiên, xuất phát từ nỗi trăn trở đã có nhiều phim tài liệu làm về cụ Nguyễn Du rồi nhưng làm theo lối truyền thống, sức cuốn hút và thuyết phục người xem còn hạn chế, tôi và êkip đã quyết tâm làm bộ phim này. Lúc trước tôi từng có dịp học và trải nghiệm ở trường Đại học Điện ảnh quốc gia Nga VGIK, rất thích thể loại phim tài liệu truyện kết hợp giữa thể loại tài liệu với yếu tố phim truyện để kể một câu chuyện, nhất là phim tài liệu truyện làm về chân dung một danh nhân. Có điều phải đến bây giờ tôi mới có cơ hội làm.
- PV: Với việc được làm theo thể loại phim tài liệu truyện thì “Đại thi hào Nguyễn Du” theo ah sẽ thuyết phục người xem ở những điểm gì?
- Đạo diễn Nguyễn Văn Đức: Trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có câu thơ “Đến bây giờ mới thấy đây”. Khi làm bộ phim này, chúng tôi cũng xác định phải làm ra một bộ phim mà người xem phải thấy cái gì đó hay ho, mới mẻ theo tiêu chí đó. Câu chuyện được kể lại trong phim theo cách như vậy, bắt đầu từ cách đây hơn 200 năm thì phục dựng bối cảnh ra làm sao, kể về xuất thân, gia thế của cụ thế nào cho dễ nhớ, dễ hiểu. Phim cũng được chia làm 3 tuyến nhân vật.
Trong đó, 2 tuyến nhân vật về quá khứ gồm: tuyến nhân vật về những người cụ thể liên quan đến cụ Nguyễn Du như: ông bà, bố mẹ, anh em, vợ con, quan lại triều đình; và tuyến nhân vật về những nhân vật tưởng tượng điển hình mà cụ Nguyễn Du đã vẽ ra trong “Truyện Kiều” như: Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải, Tú Bà, Hoạn Thư…Tuyến nhân vật thứ 3 thì chúng tôi khai thác về những người hiện đại, đó là những học giả, những người nghiên cứu về “Truyện Kiều”, có tình yêu đặc biệt đối với Nguyễn Du và các tác phẩm để đời của cụ. Cái khó là làm sao để hòa quyện tất cả các nhân vật đó vào với nhau, xây dựng đường dây cụ thể, phỏng vấn ra sao, rồi lời bình sẽ viết thế nào…mới ra được cái chất riêng của phim. Những thước phim tuân thủ theo thể loại phim tài liệu quen thuộc là có lời bình, phỏng vấn, hình ảnh minh họa... Tuy nhiên bên cạnh đó, chúng tôi vẫn sáng tạo ngay trên nền cốt sự thật, có cốt truyện, nhân vật... với mục đích tạo nên hiệu quả thẩm mỹ, sức hấp dẫn, chạm đến trái tim người xem.
- PV: Có giai thoại nào về tác giả được nhắc đến trong bộ phim này không, thưa anh?
- Đạo diễn Nguyễn Văn Đức: Đối với thể loại phim tài liệu thì dù có yếu tố phim truyện vẫn phải đảm bảo tính trung thực và khách quan. Chúng ta có thể dựng một câu chuyện nhưng chỉ là minh họa cho những tư liệu có thật, chứng cứ lịch sử cụ thể để lại chứ không được phóng tác như khi làm phim truyện. Khó là ở chỗ đó. Tức là việc sáng tác phải trong một cái khung định sẵn. Trong khi đó giai thoại về nhân vật đúng là có không ít, nhưng êkip không dám căn cứ vào giai thoại để làm hay đưa vào trong phim được. Ví dụ như có giai thoại về việc dòng họ Nguyễn không ăn cá chép chẳng hạn. Đã là giai thoại thì có thể đúng, có thể sai nên khi làm bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du”, chúng tôi vẫn căn cứ hoàn toàn vào các cứ liệu, tư liệu, tài liệu lịch sử có thật để lại.
- PV: Phim có thời lượng lên đến 180 phút phim, gấp đôi thời lượng của một tác phẩm điện ảnh thông thường. Anh có nghĩ việc níu chân khán giả ở lại xem hết bộ phim cũng là một thách thức không?
- Đạo diễn Nguyễn Văn Đức: Thật ra đấy là điều mà chúng tôi băn khoăn nhiều nhất và cảm thấy khó khăn nhất khi bắt tay vào làm phim. Nói gì thì nói, phim truyện mà dài còn khó níu chân người xem, huống hồ là phim tài liệu. “Đại thi hào Nguyễn Du” lại còn là một phim tài liệu có thời lượng những 180 phút thì làm thế nào đây để giữ chân khán giả đến phút cuối cùng? Song dù biết rất rõ điều này nhưng ngay từ đầu chúng tôi cũng xác định với nhau rằng đây không phải bộ phim làm với mục đích thương mại mà quan trọng nhất là giúp người xem có cái nhìn rõ ràng, vừa bao quát vừa cụ thể về những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Du từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi tạ thế.
Xem “Đại thi hào Nguyễn Du”, mọi người cũng sẽ thấy đa phần chúng tôi dùng thơ của cụ Nguyễn Du để truyền tải nội dung câu chuyện, nên cách thể hiện cũng phải lãng đãng như thơ, tiết tấu vì thế không thể nhanh được, đôi lúc cần phải có thời gian để ngẫm câu thơ, xem những gì trong cuộc sống được tác giả gửi gắm vào trong từng câu thơ thế nào.
Diễn viên Sỹ Hưng được chọn đóng vai Nguyễn Du khi trưởng thành |
- PV: Tại sao anh và êkip lại quyết định chọn dàn diễn viên tham gia diễn xuất trong phim là những gương mặt còn khá mới, nhất là nam diễn viên Sỹ Hưng trong vai Nguyễn Du lúc trưởng thành?
- Đạo diễn Nguyễn Văn Đức: Khi tìm kiếm gương mặt vào vai cụ Nguyễn Du, chúng tôi căn cứ vào bức tượng tạc cụ được trưng bày ở trong bảo tàng suốt bao năm qua, từ đó định hình việc sẽ phải chọn một người có gương mặt gần giống như thế. Bản thân bức tượng đó cũng được bao nhiêu nhà nghiên cứu lịch sử, điêu khắc, văn hóa…dày công nghiên cứu rồi mới tạc ra được, thế nên chúng tôi căn cứ vào đó để chọn diễn viên thôi. Tôi đưa ảnh bức tượng ra và nói với người phụ trách “casting” rằng cố gắng tìm được ai có gương mặt giống như thế. Và rất may mắn là chúng tôi đã tìm được Sỹ Hưng. Quan điểm của tôi từ đầu là nếu chọn diễn viên lần đầu diễn xuất thì e rằng sẽ gặp nhiều khó khăn, còn nếu là những gương mặt nổi tiếng và quen thuộc quá thì lại e diễn xuất chuyên nghiệp của họ sẽ ít nhiều làm bớt đi tính tự nhiên, chân thực của nhân vật. Sỹ Hưng vì thế cũng là một sự lựa chọn phù hợp nhất ở thời điểm đó.
- PV: Phim cũng đã được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến phát hành rồi, liệu kế hoạch phát hành của nhà sản xuất trong thời gian tới thế nào, thưa ông?
- Đạo diễn Nguyễn Văn Đức: Chúng tôi mong muốn nhất là có thể đưa phim vào hệ thống nhà trường để làm giáo cụ trực quan cho các thầy cô giáo và các em học sinh. Tôi nhớ có một cô giáo dạy Văn sau khi xem bộ phim này đã tâm sự rằng, cô ấy cứ ngỡ hiểu hết về cụ Nguyễn Du nhưng tới khi xem phim mới thấy, sự hiểu của mình chưa ăn thua. Nhiều học sinh cũng rất thích xem bộ phim này. Còn việc phát hành phim ngoài rạp thì chúng tôi vẫn đang thăm dò phản hồi và đón nhận từ khán giả sau một số buổi chiếu có tính chất “chiêu đãi” khán giả.
- PV: Xin cảm ơn anh về những chia sẻ cởi mở và chân thành!