Nơi phên giậu của Tổ quốc

(ANTĐ) - Vượt chặng đường gần 300 km, từ Thủ đô Hà Nội lên, thị xã Cao Bằng là nơi xuất phát cho những chuyến đi khám phá mảnh đất Đông Bắc địa đầu Tổ quốc này của chúng tôi. Sau trạm nghỉ chân, chúng tôi tiếp tục băng qua chặng đường núi quanh co, ngoằn ngoèo hơn 200 km để đến thăm một số xã biên giới của hai huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm thuộc tỉnh Cao Bằng.

Nơi phên giậu của Tổ quốc

(ANTĐ) - Vượt chặng đường gần 300 km, từ Thủ đô Hà Nội lên, thị xã Cao Bằng là nơi xuất phát cho những chuyến đi khám phá mảnh đất Đông Bắc địa đầu Tổ quốc này của chúng tôi. Sau trạm nghỉ chân, chúng tôi tiếp tục băng qua chặng đường núi quanh co, ngoằn ngoèo hơn 200 km để đến thăm một số xã biên giới của hai huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm thuộc tỉnh Cao Bằng.

Khung cảnh đường lên tỉnh Cao Bằng
Khung cảnh đường lên tỉnh Cao Bằng

Nước non Cao Bằng mùa nào cũng đẹp và quyến rũ với bạt ngàn hoa lá của cây rừng giữa khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ đầy mộng mơ. Thế nhưng, điều làm chúng tôi ấn tượng và cảm động hơn cả lại là đến bất cứ đâu hỏi về Đoàn 799, thuộc Quân khu I đều nhận được không ngớt lời ngợi khen từ bất kỳ người dân nào sống ở nơi đây...

Lời khen nhiều đến mức khiến chúng tôi có cảm giác rằng hình như thứ gì nơi đây cũng gắn với con số “799”. Từ con đường 799, căn nhà 799, đàn bò 799... đến cả ruộng ngô, giàn bí cũng 799. ở vùng đất biên cương đầy khó khăn này, hình ảnh cán bộ, chiến sỹ của Đoàn 799 đã in đậm vào trong tâm thức nhiều lớp người dân nơi đây.

Thị xã Cao Bằng. Mờ sáng ngày đầu tiên. Đón tôi là phóng viên Mạnh Hà, anh đang công tác tại Thông tấn xã Việt Nam và thường trú tại tỉnh Cao Bằng đã hơn 1 năm nay. Như đã được nghe kể và ướm lời từ trước của anh Hà, rằng đến Cao Bằng phải đến Đoàn 799, nên tôi và anh bắt đầu cuộc hành trình đi thăm Đoàn 799. Anh như một tấm bản đồ, tôi chỉ có mỗi một việc ngồi sau bám cho thật chắc và ngắm thị xã Cao Bằng dần xa để hòa mình vào núi và sông với “Ba mặt tam giang trôi cuồn cuộn/ Bốn bề tứ trụ đứng chon von”. Nhiều lúc anh Hà lại nhắc, bám cho chặt, anh cho xe đổ đèo, rồi vượt dốc. Mải ngắm non nước Cao Bằng mà không ít lần tôi được đưa về với thực tại bằng những cú tung người lên khỏi yên xe vì đá và ổ gà. Chiếc xe Suzuki 125cc của anh nhiều lúc vận hành quá tải máy cứ gầm lên, và đúng 2 lần con “ngựa sắt” này cứ ì ra không chịu đi vì nóng máy.

Chiến sỹ đoàn 799 vận chuyển cọc bê tông lên đồi xây dựng nhà giúp dân
Chiến sỹ đoàn 799 vận chuyển cọc bê tông lên đồi xây dựng nhà giúp dân

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là thị trấn Bảo Lâm nằm trên đường Quốc lộ 34, cách thị xã Cao Bằng khoảng 130 km về hướng Tây. Tại đây, chúng tôi bắt đầu mò mẫm tìm vào xóm Lũng Mần, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm - Nơi có một tổ đội công tác của Đoàn 799. 2 giờ đồng hồ chỉ để vượt qua 26 cây số đường rừng càng khiến cho chúng tôi càng thêm thấu hiểu hơn nỗi vất vả của các chiến sỹ cắm bản nơi đây. Gian nan thử lòng người, cuối cùng thì cái xóm Lũng Mần cũng dần hiện ra trước mắt. Đường vào bản do Đoàn 799 mở dài 5 km như sợi chỉ trắng vắt ngang những dãy núi đá tai mèo, những mái nhà lợp tôn trắng ánh lên trong nắng sớm, từng đàn dê gặm cỏ bên khe suối kêu be be...

Những hình ảnh ấy đập vào mắt người, là điểm nhấn cho một khung cảnh thiên nhiên non nước đẹp đến diệu kỳ; vậy mà ít ai có thể nghĩ rằng đây lại là vùng đất khó khăn nhất của tỉnh. Người Cao Bằng vẫn có câu truyền miệng “Xa Yên Thổ, Khổ Đức Hạnh” và ở cái xã “khổ” Đức Hạnh này, khổ nhất phải nhắc tên xóm Lũng Mần. Nhưng dường như cái khổ ấy đã dần lùi xa kể từ khi có sự xuất hiện của cán bộ, chiến sỹ Đoàn 799.

Người ra đón chúng tôi là thầy giáo Mông Văn Nguyễn, một giáo viên đã có thâm niên hơn 10 năm công tác ở xóm Lũng Mần. Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng quanh xóm, theo nhịp bước chân, thầy Nguyễn bắt đầu câu chuyện: “Người dân nơi này từ trước đến nay sống khổ lắm, tất cả đều sống tự cung, tự cấp, trừ có 2 thứ duy nhất không làm ra được là muối và dầu hỏa. Đường sá không có nên bà con trong xóm hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài, muốn mua gì thì phải đi bộ men theo vách núi cả ngày trời mới ra trung tâm xã. Với bà con ở đây, tiền mặt không hề có ý nghĩa gì vì không có đường, tiền có cũng không biết để làm gì.

Cao Bằng hôm nay!
Cao Bằng hôm nay!

Từ khi có con đường do Đoàn 799 mở vào đến tận bản, bà con mới đỡ khổ. Nhà báo biết không, chuyện tưởng đùa mà thật, nhiều người từ khi sinh ra đến lúc chết đi không biết thế nào là ôtô, xe máy, nói gì đến tivi. Cái ngày khánh thành đường, nhiều đứa trẻ còn khóc tướng lên bởi sợ hãi khi nhìn thấy 2 chiếc xe ôtô vào đến bản, chắc là với chúng ôtô giống như con quái vật bằng sắt biết phun khói”.

Không chỉ có con đường mới, cả 60 ngôi nhà của xóm cũng được Đoàn 799 hỗ trợ xây dựng, mỗi nhà còn được phát một bể nước inox 1.000m3 để chứa nước mưa từ mái tôn và một con bò cái để nuôi bò sinh sản. Có đường giao thông thuận tiện, nghe theo gợi ý của bộ đội, một số bà con có tiền còn xuống chợ huyện mua dê, bò, hạt giống để chăn nuôi và tăng gia sản xuất. Toàn xóm như được hồi sinh, màu xanh của rau, của cây trái đã tô thêm màu sắc cho vẻ đẹp hùng vĩ của đá, của núi, của rừng và mây mù của trời. Và trong sự đổi thay của cái xã “khổ” ấy, có không ít mồ hôi, công sức của những chiến sỹ Đoàn 799, thuộc Quân khu I.

Chia tay với Lũng Mần, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đến với xã Cô Ba, rồi Xuân Trường của huyện Bảo Lạc. Thị trấn Bảo Lạc nằm trên Quốc lộ 34 cách thị xã Cao Bằng khoảng 100 km về hướng Tây Bắc. Và ở đây, đâu đâu cũng bắt gặp dấu ấn, những kỳ tích của cán bộ chiến sỹ Đoàn 799 mang lại cho bà con. Đặc biệt là những tình cảm, sự yêu thương, kính trọng mà bà con các dân tộc nơi đây dành cho các anh - những người con, người cháu, người đồng đội, đồng chí... của mình. Những quả đồi trọc ngày nào, giờ được phủ xanh bởi loại cây ăn quả như xoài Australia, hồng Đà Lạt, lê, quế... T

rung tá Lê Xuân Thiêm, người đưa chúng tôi đi thăm những công trình do Đoàn 799 thi công chia sẻ: “Từ 2003 cho đến nay, Đoàn đã xây dựng được 5 điểm định canh, định cư giáp biên giới với những cái tên như Phiêng Mòn, Lũng Cuổng (xã Cô Ba); Nà Mìa, Nà Nhùng (xã Cốc Pàng); Cốc Thốc, xã Thượng Hà (Bảo Lạc) và Lũng Mần, xã Đức Hạnh (Bảo Lâm) với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng. An cư mới lạc nghiệp, đơn vị đã vận động bà con tại 5 điểm dân cư khai hoang được 13ha đất ruộng, 243ha đất trồng cây ăn quả và cây công nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc gia súc, gia cầm. Đã có 563 hộ nghèo được hỗ trợ gần 3 tỷ để xây dựng lại những căn nhà dột nát, hàng trăm chiếc bể nước được xây mới và 7 phòng học, 3 nhà văn hóa thôn bản được đầu tư xây dựng”...

Đến với những vùng đất xa xôi này, được nghe người dân kể chuyện, được sống cùng những người lính, chúng tôi thấm hiểu thêm rằng điều quan trọng nhất với các cán bộ, chiến sỹ Đoàn 799 là thông qua các chuyến đi cơ sở, những tuyên truyền viên áo lính đã không quản ngại khó khăn, đến từng nhà, vận động bà con thay đổi phương thức làm ăn lạc hậu, hướng dẫn những phương thức làm ăn mới, những nếp sống, nếp nghĩ văn minh, xa dần những hủ tục. Nghe và làm theo bộ đội, nhiều hộ gia đình đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu. Trong đó phải kể đến hộ gia đình anh Lương Văn ý, Lục Văn Vảng, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc; Mông Văn Giàng, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm...

Đồng chí Trần Văn Hiền, người trực tiếp chỉ huy việc thi công tuyến đường lên Lũng Mần xúc động tâm sự: “Hơn 2 năm tôi chỉ huy đơn vị đánh lấn từng mỏn đá tai mèo, tai thỏ dựng đứng như những bàn chông khổng lồ, nhiều mồ môi lắm các nhà báo ạ! Nhìn bà con phấn khởi đón nhận con đường mới thấy hết được ý nghĩa to lớn, thiết thực của việc mình làm”. Chia tay bà con các xã biên giới và cán bộ, chiến sỹ Đoàn 799 trong tiết trời sang thu nơi vùng cao chuyển lạnh dần mỗi khi mặt trời lặn, nhưng trong lòng chúng tôi sao thấy ấm áp đến lạ kỳ (!) Hẳn sự ấm áp đó được nhen lên bởi ngọn lửa của nghĩa tình quân dân nơi đây.

Lời nói khiêm tốn nhưng hết sức chân tình của Đại tá, Phó Chính ủy Đoàn 799 Đoàn Bình Thuận cứ vẳng mãi trong tôi khi chiếc xe chuyển bánh: “Danh hiệu đơn vị Quyết thắng, bằng khen, giấy khen Đoàn chúng tôi đều được nhận rồi, nhưng phần thưởng lớn nhất là những đóng góp của Đoàn được bà con ghi nhận và tình cảm bà con dành cho chúng tôi là không gì có thể so sánh được”. Chúng tôi dừng xe, quay người cố nhìn thêm một lần nữa, những cánh tay giơ lên vẫy chào nhỏ dần, người dần xa người không biết có thêm dịp gặp lại. Chúng tôi trở về đến trung tâm Cao Bằng trời đã tối muộn, thị xã đã lên đèn. Đứng trên cây cầu Bằng Giang là có thể thấy rõ con sông Bằng uốn lượn như ẩn như hiện giữa trùng điệp núi non, ôm lấy thị xã Cao Bằng xinh xắn, hiền hòa…

Thị xã Cao Bằng. Mờ sáng ngày thứ hai. Không rực rỡ, không sôi động, không hiện đại nhưng thị xã Cao Bằng thực sự xinh đẹp và quyến rũ giữa những sớm thu sương giăng khói phủ! Thời gian trôi thật nhanh, gửi lời chào thân thương đến người dân miền đất này sau 4 ngày đến với thành phố nơi đây - Điểm xuất phát cho những chuyến đi khám phá mảnh đất Đông Bắc địa đầu Tổ quốc này của chúng tôi. Khi các bạn cầm tờ báo này trên tay, đọc những dòng này cũng là thời điểm người dân nơi đây kỷ niệm 510 năm ngày thành lập tỉnh và 59 năm Ngày Giải phóng tỉnh Cao Bằng.

Từ Thủ đô yêu dấu, chúng tôi xin gửi một lời chúc nghĩa tình, sâu đậm đến với toàn thể người dân của một vùng đất tươi đẹp trên dải đất Việt Nam quê hương - Nơi đã ghim lại trong chúng tôi những hình ảnh thật đặc biệt, thật quyến rũ mà nhiều khi ngôn từ đành bất lực. Non nước Cao Bằng - nơi phên giậu của Tổ quốc đẹp đến ngỡ ngàng với núi cao, suối sâu, thác lạ, cỏ cây hoa lá… và đặc biệt là với những di tích lịch sử của mảnh đất cội nguồn cách mạng.

Quân.Trần