Nối hai bờ yêu thương

ANTĐ - Sống trên đất nước có nhiều phong tục và những ngày lễ lớn như nước Mỹ, những người Việt xa xứ thích ứng khá nhanh. Họ chào đón những ngày lễ đặc biệt như lễ Tạ ơn, lễ Giáng sinh và đêm Giao thừa mừng năm mới không khác gì người bản xứ, nhưng điểm đáng nói là họ đã mang vào những ngày lễ này hơi thở Việt.

Quảng trường Thời đại (Times Square), nơi người dân Mỹ

ngóng chờ khoảnh khắc đặt dấu chấm hết của năm cũ

Cảm ơn nơi đang sống

Những ngày lễ được người Mỹ coi trọng là ngày lễ Độc Lập (4 -7), lễ Giáng sinh (24-12) và đêm Giao thừa mừng năm mới (31-12). Nhiều gia đình trang hoàng đèn hoa các loại hình thù người thú rực rỡ trước vườn nhà từ Noel đến sau Tết Dương lịch. Bên cạnh đó còn một ngày đặc biệt nữa đó là ngày lễ Tạ ơn (ThanksGiving Day), vào ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11 được tổ chức hàng năm tại Mỹ và các nước châu Âu. Đây là ngày đoàn tụ gia đình, mọi người cùng nhau ăn uống và trò chuyện vui vẻ. Đa phần người Việt sống trên đất Mỹ cũng chọn ngày này làm ngày sum họp gia đình, cùng nhau nấu những món ăn Việt, mời ông bà tổ tiên về đoàn tụ cùng con cháu như một cách để cảm ơn nơi đã cho họ có cuộc sống no đủ, bình yên. Ngày lễ Tạ ơn ở Mỹ bắt nguồn từ ngày lễ thu hoạch mùa màng có nguồn gốc từ châu Âu. Đây là ngày để mọi người bày tỏ sự biết ơn đối với Thượng đế, người thân trong gia đình cùng bạn bè vì những gì đã có cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong ngày này, mọi gia đình cùng nhau xum họp và làm một bữa tiệc lớn với các món ăn truyền thống như gà tây nướng, bánh mì khô, khoai tây nghiền, khoai lang, nước sốt cranberry, salad, bánh nhân bí đỏ. Đây cũng là ngày mà những người phụ nữ bận rộn nhất nhưng cũng có thể coi là hạnh phúc nhất trong năm khi tất bật chuẩn bị bữa tiệc lớn kèm theo những món quà ý nghĩa cho đại gia đình. 
Bà Anna Nguyễn, người Mỹ gốc Việt, sống gần trọn cuộc đời trên đất Mỹ tâm sự: “Cứ đến ngày lễ Tạ ơn trong tôi lại có nhiều cảm xúc, tôi đã có một cuộc hành trình dài trên đất Mỹ nên có nhiều điều để cảm tạ. Tục lệ này có từ hàng trăm năm trước, khi nhóm người di dân đầu tiên vượt qua đói khát, bệnh tật đã trúng vụ mùa nơi vùng đất mới. Sau khi thu hoạch, họ làm lễ cảm tạ ơn trên và từ đó đến nay người Mỹ, những thế hệ người di dân tiếp nối đã có truyền thống làm lễ Tạ ơn mỗi năm…”. Đây là một ngày lễ lớn của toàn dân tộc không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, màu da, khác với lễ Giáng sinh cho người Công giáo, Hanukak của người Do Thái, Tết của người Việt Nam, Trung Quốc... Ai cũng có đấng thiêng liêng để tạ ơn, ai cũng có người để cảm tạ, nên giờ đây đa phần người Việt sinh sống trên đất Mỹ cũng chọn ngày này để tạ ơn nơi đã sinh ra mình, nơi đã cho mình cuộc sống sung túc, yên ấm và hầu hết những người Việt xa quê đều chờ đón ngày này không khác gì Tết cổ truyền Việt Nam.

Mong mua được những món quà giảm giá

Lễ Tạ ơn và lễ Giáng sinh cũng là dịp các hãng bán lẻ trên toàn nước Mỹ bán được nhiều sản phẩm lớn nhất trong năm. Chính vì vậy mà cuộc diễu hành hàng năm lớn nhất nước Mỹ với những nhân vật và con vật khổng lồ bơm bằng khí bồng bềnh trên bầu trời New York với hàng trăm nhóm vũ công, nhạc, ca sĩ múa hát trên đường phố và trên các xe hoa đủ màu do thương hiệu Macy thực hiện. Khách hàng mua quà tạ ơn nhau và còn mua sắm tiếp vào ngày Thứ Sáu đen (Black Friday) ngay sau đó. Lý do có ngày Thứ Sáu đen là bởi trước đây, để tiện phân biệt và theo dõi sổ sách, kế toán thường ghi số lợi nhuận bằng mực đen, số lỗ bằng mực đỏ. Từ đó, người ta đặt tên ngày mua sắm lớn nhất trong năm là Black Friday, với hàm ý đây là ngày ăn nên làm ra của các doanh nghiệp. Hầu như tất cả các mặt hàng trong ngày, Black Friday đều giảm giá trung bình từ 10% - 30%-50%, thậm chí có mặt hàng giảm đến 70%. Tại hầu hết các cửa hàng, khu mua sắm, từ những món hàng bình dân đến những thương hiệu nổi tiếng như Nike, IBM, Apple… đều đưa ra mức giảm giá đến không ngờ. Chính vì vậy, người Mỹ không thể bỏ qua thời khắc vàng này để đổ ra các siêu thị, cửa hàng tìm mua hàng giá rẻ. Tất cả các đường phố trên đất Mỹ đều đông nghịt người trong ngày thứ sáu mua sắm. 
Thu hút là vậy, nhưng không phải tất cả những người Mỹ và cộng đồng khác, kể cả người Việt sống trên đất Mỹ thích thú với ngày thứ 6 đen tối. Anh Nguyễn Phạm, sống ở Fairfield, California cho biết: “Thay vì việc lao vào những siêu thị, cửa hàng để mua đồ giảm giá, tôi thích ở nhà xem những trận đấu bóng bầu dục cùng bạn bè và tận hưởng ngày nghỉ lễ trong tâm trạng thư thái cùng với gia đình và người thân. 
Khác với Việt Nam, đa số những món hàng của Mỹ kể cả dùng rồi, nếu còn giữ biên lai, bạn có thể trả và nhận lại tiền trong vòng một tháng. Nên sau những dịp lễ, số người mang áo quần đến trả tại các khu mua sắm luôn xếp hàng dài. 

May mắn vì có hai cái Tết 

Tôi đã có dịp sống trong không khí họp mặt mừng lễ Tạ ơn và Giáng sinh của một gia đình Mỹ và cảm nhận nó không khác mấy với không khí Tết ở Việt Nam. Ai cũng háo hức chuẩn bị những bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất để sáng ngày lễ Tạ ơn mặc đi nhà thờ và họp mặt gia đình. Mỗi người đều suy nghĩ về những điều tốt đẹp mà họ mong muốn và không quên dành tặng cho nhau những món quà ý nghĩa. Dường như, ở một đất nước có nhịp sống hối hả như Mỹ, đây là thời khắc quan trọng để mọi người có thể nghỉ ngơi, nhìn lại một năm thành quả lao động của mình và lên kế hoạch cho một năm sắp tới. Khác với Việt Nam, ở Mỹ mọi thành viên dù là một gia đình nhưng họ đều có cuộc sống riêng và ở cách xa nhau. Do vậy, đây cũng là dịp hiếm hoi để mọi người được cùng nhau đoàn tụ. Những cộng đồng khác sống trên đất Mỹ cũng dành những ngày này cho gia đình theo một cách riêng và mỗi vùng lại có những tập tục khác nhau.
Trước thời khắc chuyển năm, người Mỹ không “ăn” mà “uống”. Họ có thể ngồi trong các quán rượu hay quây quần trong nhà trước màn hình, theo dõi đồng hồ đếm ngược những giây phút cuối cùng của năm cũ. Nếu có mặt vào những giờ khắc chuyển giao này ở New York, bạn có thể hòa mình trong dòng người đầy phấn khích ở quảng trường Thời Đại (Time Squares), ngóng chờ trực tiếp quả cầu rơi xuống như khoảnh khắc đặt dấu chấm hết của năm cũ để chuyển sang thời khắc chứa đựng nhiều cảm xúc của năm mới, trong ánh sáng rực rỡ của pháo hoa và hàng nghìn ngọn đèn mầu lấp lánh. Và trong giờ khắc ấy cả New York sẽ không ngủ như để cảm nhận những giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới được trọn vẹn hơn. Ai sẽ được  chọn để cùng uống với bạn trong giây phút đó vô cùng quan trọng vì ngoài chuyện cụng ly chúc mừng nhau những điều tốt đẹp, đó sẽ là người cùng bạn trao nụ hôn thắm thiết cho vạn sự may mắn đầu năm. 
Jenny Hải Yến, một người Việt trẻ tuổi sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, hiện đang làm việc tại New York cởi mở cho biết, những người Việt xa xứ vẫn tổ chức Tết Âm lịch, các phong tục ăn Tết của người Việt trên đất Mỹ vẫn được giữ gìn như ở quê nhà như: đưa rước ông bà về cùng ăn tết, chuẩn bị các loại hoa trái, bánh mứt, bánh chưng, dưa hấu, ngũ quả, hoa tươi, quần áo mới, phong bao đỏ để lì xì. Mặc dù, chưa một lần được hưởng một cái Tết ấm áp, thân tình như ở quê nhà nhưng mỗi năm, gia đình Hải Yến lại đón năm mới trong không khí ấm cúng, mang đậm phong vị Việt do cộng đồng người Việt tổ chức hàng năm tại Mỹ. Tuy nhiên, với những người Việt trẻ sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ như Hải Yến, họ luôn coi những ngày lễ của người Mỹ như một ngày quan trọng, bởi lẽ ngoài không khí vui vẻ của lễ hội nó cũng mang nhiều ý nghĩa cầu chúc cho may mắn, niềm tin, hy vọng và thành công cho một năm mới tốt đẹp. “Điều tôi cảm thấy mình may mắn hơn những người dân Mỹ còn bởi mình có tới hai cái Tết để ăn mừng, đó là tết của người Mỹ và tết Việt Nam- nơi chôn nhau, cắt rốn, nơi mà tôi vẫn thường gọi hai tiếng thân thương là quê hương”, Hải Yến tự hào.