- Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông phải hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế
- Việt Nam triển khai các biện pháp để bảo đảm quyền, lợi ích ở Biển Đông
- Việt Nam đề nghị các nước ‘nói đi đôi với làm’ trên Biển Đông
Tàu dân binh của Trung Quốc neo đậu tại đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa |
Khu vực tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới
Đây là nội dung của cuộc hội thảo về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Một không gian đa chiều trước những thách thức toàn cầu”, vừa diễn ra tại trụ sở Thượng viện Pháp do Viện nghiên cứu Địa chính trị ứng dụng (EGA) tổ chức. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 20 diễn giả là học giả, giáo sư, luật gia, nhà báo tại Pháp và châu Âu cùng hàng chục quan khách quan tâm đến vấn đề Biển Đông.
Hội thảo được chia làm 4 phiên thảo luận với các chủ đề: Không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới ánh sáng của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; Biển Đông - Tâm điểm về an ninh; Biến đổi khí hậu - Nhân tố khủng hoảng mới tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; Một sân khấu chính trị khu vực đa dạng và vai trò của Pháp.
Biển Đông đang được dư luận quốc tế quan tâm bởi đây là khu vực tranh chấp thuộc loại phức tạp nhất trên thế giới hiện nay. Diện tích vùng biển và số lượng đảo tranh chấp rất lớn, liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Trung Quốc là một nước lớn, một bên tranh chấp nhưng lại đưa ra yêu sách không rõ ràng, nhất là liên quan đến “đường 9 đoạn” chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông, khiến tranh chấp càng phức tạp hơn. Lâu nay, Trung Quốc thường đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế không phù hợp với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Điều này đang làm suy giảm ý nghĩa, sự toàn vẹn và giá trị thống nhất và phổ quát của UNCLOS, không chỉ tác động đến nền móng của hòa bình ổn định ở Biển Đông, mà còn là mầm mống có thể tác động, dẫn tới việc xói mòn trật tự biển, cũng như hòa bình, ổn định toàn cầu.
Bên cạnh đó, cạnh tranh địa chính trị và quân sự hóa Biển Đông tiếp tục làm thay đổi nguyên trạng trên biển, làm tình hình trên thực địa thêm phức tạp, cản trở tiến trình ngoại giao. Ngoài ra, các thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, ô nhiễm môi trường biển, tội phạm xuyên quốc gia trên biển, nước biển dâng... tiếp tục thách thức người dân trong khu vực.
Đặc biệt, thời gian gần đây, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cùng với đó, Trung tâm Bảo đảm an toàn hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho tiến hành lắp đặt 3 phao đèn báo hiệu tại một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hai hành động phi pháp trên của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam nằm trong chuỗi hoạt động “vây lấn” mà nước này đang thực hiện ở Biển Đông. Mục đích của các hoạt động “vây lấn” là nhằm hiện thực hóa định hướng “bình thường hóa” các cuộc đối đầu trong phạm vi “đường 9 đoạn” phi pháp.
Để tạo thế trận “vây lấn”, Trung Quốc đã huy động đến 5 lực lượng tham gia, bao gồm: dân binh, hải cảnh, hải tuần, hải quân và cuối cùng là các tàu khảo sát hàng hải, với những nhiệm vụ “vây”, “lấn” và “tấn”. Việc phân công và phối hợp giữa các lực lượng được tổ chức chặt chẽ. Lực lượng dân binh đóng vai trò thường trực ở cả hai chức năng trong công tác “vây”, bao gồm phong tỏa các thực thể chưa có người ở khu vực trung tâm của “đường 9 đoạn” và bảo vệ vòng trong cùng khi hộ tống các tàu khảo sát hàng hải của Trung Quốc hoạt động trái phép trên Biển Đông. Lực lượng hải cảnh với chức năng chấp pháp sẽ thực hiện nhiệm vụ “lấn” một cách chủ động nhằm hỗ trợ lực lượng dân binh Trung Quốc đối trọng với các tàu chấp pháp của các nước ASEAN. Sự túc trực thường xuyên của hai tàu hải cảnh Trung Quốc 4303 và 5305 hộ tống tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 ở khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam từ giữa tháng 5 chính là thực hiện nhiệm vụ này. Lực lượng hải quân không can dự trực tiếp vào thế trận do dân binh - hải cảnh thực hiện mà chủ yếu hiện diện từ xa ở vòng ngoài nhằm hỗ trợ khi cần thiết hoặc đóng vai trò răn đe. Hai lực lượng còn lại là tàu khảo sát hàng hải và tàu hải tuần thì sẵn sàng tham gia phối hợp trong từng trường hợp cụ thể.
Giải quyết bất đồng, tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế
Giải quyết những vấn đề nảy sinh trên Biển Đông đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Theo dự báo, trong năm 2023, tình trạng căng thẳng và cạnh tranh ở Biển Đông có nguy cơ gia tăng do Trung Quốc tiếp tục các hoạt động xây dựng và quân sự hóa không ngừng nghỉ. Trong bối cảnh đó, tại cuộc hội thảo vừa diễn ra tại trụ sở Thượng viện Pháp, các đại biểu tham dự đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, sự cần thiết tôn trọng và thực thi UNCLOS cũng như các cam kết của các nước trong khu vực như Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002 (DOC). Hội thảo cũng nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò của thế giới trong việc giải quyết bất đồng, tranh chấp ở khu vực Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, mở rộng các khuôn khổ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực với các quốc gia trong khu vực.
Đây là những định hướng cơ bản, còn đi vào cụ thể, thực tế cho thấy thế giới và khu vực phải nỗ lực trong rất nhiều vấn đề. Trước hết là phải xây dựng và duy trì môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác. Để làm điều này, đầu tiên cần củng cố lòng tin chiến lược giữa các nước trong và ngoài khu vực trong vấn đề Biển Đông. Đồng thời, có nhiều biện pháp để tạo dựng lòng tin, song quan trọng nhất là sự minh bạch trong chính sách, sự tuân thủ nghiêm túc các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế và hành xử có trách nhiệm, vì lợi ích chung của cộng đồng.
Tiếp đó là cần chủ động phòng tránh nguy cơ đụng độ ngoài ý muốn trên biển. Việc xây dựng quy tắc ứng xử và chuẩn mực hành vi cho các lực lượng hoạt động trên biển, bao gồm các lực lượng quân sự, dân sự và thực thi pháp luật trên biển là một ưu tiên cao, không chỉ giữa các nước ven Biển Đông, mà cả các nước ngoài khu vực đang thực thi các quyền hợp pháp ở Biển Đông. Việc đối thoại và hợp tác nhằm hướng tới Bộ quy tắc ứng xử chung ở Biển Đông sẽ góp phần giảm thiểu việc gửi đi các tín hiệu sai, giảm thiểu hiểu nhầm chiến lược và nguy cơ đụng độ ngoài ý muốn.
Thúc đẩy hợp tác nhằm phục hồi kinh tế và cùng phát triển cũng là yêu cầu cấp thiết. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều đình trệ, Biển Đông cần là không gian kết nối lợi ích của các nước trong và ngoài khu vực, thúc đẩy giao thương toàn cầu, bảo đảm chuỗi cung ứng không bị gián đoạn, nhất là đối với hàng hóa chiến lược. Đi liền với đó là yêu cầu hợp tác nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tăng cường nghiên cứu khoa học biển và phát triển bền vững ở Biển Đông. Cuối cùng là các nỗ lực hướng tới giải quyết hòa bình các yêu sách chồng lấn ở Biển Đông. Theo đó, các bên có liên quan cần tăng cường đối thoại, trên tinh thần xây dựng, hòa giải và bao dung để thu hẹp các khác biệt, tranh chấp biển; thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, mở rộng hợp tác thông qua các khuôn khổ hợp tác song phương hoặc đa phương như ASEAN, Diễn đàn Biển ASEAN (AMF), Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF)…