Những thách thức trong cuộc chiến chống khủng bố sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ đang chạy đua với thời gian để tinh chỉnh kế hoạch chống lại các nhóm cực đoan ở Afghanistan sau khi Tổng thống Joe Biden lên kế hoạch rút hết quân trước ngày 11-9-2021. Tuy nhiên, giới chức an ninh Mỹ cảnh báo sẽ khó hơn rất nhiều để đối đầu với các mối đe dọa từ xa.

“Chúng tôi sẽ không rời mắt khỏi mối đe dọa khủng bố”, ông Biden nói khi công bố quyết định chấm dứt một cuộc chiến lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ, một mục tiêu mà các đời tổng thống trước đây đều lẩn tránh. Các trợ lý hàng đầu của ông Biden cho biết, động thái này là cần thiết, bất chấp cảnh báo từ các nhà lãnh đạo quân đội và tình báo rằng việc rút quân có thể cho phép nhóm khủng bố al-Qaeda tập hợp lại. Rời khỏi chiến trường Afghanistan, Mỹ sẽ tập trung vào những thách thức cấp bách hơn, như sự gia tăng quân sự của Trung Quốc chẳng hạn. Nhưng một số quan chức cảnh báo rằng, việc giữ gìn an ninh cho Mỹ có thể rất khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình giữa Taliban và chính phủ Afghanistan vẫn chưa ngã ngũ.

Mỹ muốn kết thúc cuộc chiến dài nhất lịch sử tại Afghanistan nhưng vẫn còn những bài toán khó cần phải tính đến

Mỹ muốn kết thúc cuộc chiến dài nhất lịch sử tại Afghanistan nhưng vẫn còn những bài toán khó cần phải tính đến

Bài toán về giám sát và can thiệp kịp thời

Bà Lisa Curtis, người từng là quan chức cấp cao nhất của Nhà Trắng về Afghanistan và Pakistan thời chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết: “Al-Qaeda hiện nay khá yếu là do chúng tôi đã gây áp lực lên họ. Nếu không có sự hiện diện của người Mỹ, họ sẽ có quyền tự do để làm điều đó”. Cảnh báo này giống với tuyên bố của Giám đốc CIA William J. Burns, người đã nói với các nghị sĩ trong tuần vừa qua rằng việc rút quân sẽ làm giảm khả năng của chính phủ Mỹ trong việc phát hiện và phản ứng trước các mối đe dọa cực đoan. “Thành thật mà nói, có một rủi ro đáng kể khi quân đội Mỹ và liên minh rút quân”, ông William J. Burns thừa nhận.

Trong số những thách thức lớn nhất sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan là làm thế nào để giám sát hiệu quả và có khả năng tấn công các nhóm cực đoan ở Afghanistan. Máy bay Mỹ có thể thực hiện các chuyến bay từ al-Udeid, căn cứ không quân rộng lớn bên ngoài Thủ đô Qatar, trung tâm hàng không chính của Mỹ ở Trung Đông. Nhưng khoảng cách từ Qatar đến Afghanistan, cộng với việc phải bay vòng qua Iran, khiến nó trở thành một lựa chọn đắt đỏ.

Máy bay chiến đấu bay từ Qatar đến Afghanistan yêu cầu tiếp nhiên liệu trên không đáng kể. Điều này nếu mở rộng quy mô có thể gây căng thẳng hơn nữa cho kho máy bay tiếp dầu cũ kỹ của quân đội Mỹ. Sử dụng máy bay không có vũ khí như MQ-9 Reaper từ Qatar mỗi chuyến khứ hồi cũng mất 6-8 giờ. Điều đó có nghĩa là người Mỹ phải trang bị số lượng lớn máy bay không người lái để phủ sóng 24 giờ trên nhiều khu vực của Afghanistan. Ngoài Qatar, 2 trung tâm hậu cần khác Mỹ có thể tính đến là Uzbekistan và Pakistan nhưng quan hệ hợp tác của họ với Washington không đủ độ tin cậy lắm.

Nỗi lo về đội ngũ tình báo

Một kinh nghiệm khác mà Mỹ đã rút ra bài học sau cuộc rút binh ở Iraq vào năm 2011, đó là để lại một đội gồm khoảng 20 lính biệt kích, được đặt dưới sự kiểm soát của đại sứ quán để họ có thể tiếp tục cố vấn cho Cơ quan Chống khủng bố tinh nhuệ của Iraq. Đó là một quyết định đúng đắn để nước Mỹ không trở nên bị động khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát phần lớn lãnh thổ Iraq chưa đầy 3 năm sau đó. Hiện tại, chính quyền Biden không để lộ rằng kế hoạch rút quân sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các cơ quan tình báo ở Afghanistan. Vẫn chưa rõ rằng sau ngày 11-9-2021, đội quân tình báo có biên chế là các nhân viên quân sự hợp tác với các đội chống khủng bố Afghanistan có thể tiếp tục công việc của họ hay không.

Bên cạnh đó, việc rút quân có thể khiến công việc tuyển dụng nhân viên tình báo trở nên khó khăn hơn, và một số chuyên gia lo ngại rằng những người Afghanistan làm gián điệp cho Mỹ sẽ trở thành mục tiêu của Taliban. Ông Marc Polymeropoulos, một sĩ quan CIA đã nghỉ hưu, nhớ lại rằng ông đã có mặt ở Kandahar vào đầu năm 2002 sau khi nhiều người Afghanistan bị Taliban treo cổ trong một sân vận động bóng đá, trong số đó có một điệp viên CIA người Afghanistan. “Tôi đã lặng lẽ lẻn vào khu nhà của đặc vụ. Theo nguyên tắc tôi không được phép tiếp xúc bằng mắt với các thành viên nữ trong gia đình, nhưng tôi đã chuyển cho họ số tiền mà chính phủ Mỹ nợ đặc vụ cũ của chúng tôi”, ông Polymeropoulos kể lại. “Tôi lo sợ những cảnh tượng như vậy - những thi thể bị treo trong sân vận động bóng đá - sẽ lặp lại khi Mỹ rút lui hoàn toàn, vì Taliban có thể trả thù bất kỳ người Afghanistan nào đã giúp chính phủ Mỹ trong 2 thập kỷ qua”, ông nói.