Những thách thức chờ đón Thủ tướng Ấn Độ tái đắc cử Narendra Modi

ANTD.VN - Đi vào lịch sử khi cầm quyền 3 nhiệm kỳ liên tiếp, song chiến thắng không như kỳ vọng sẽ khiến chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phải đối với mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong 5 năm tới khi thông qua những quyết sách quan trọng để lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Chiến thắng không như kỳ vọng

Ủy ban bầu cử Ấn Độ ngày 5-6 công bố kết quả kiểm phiếu toàn bộ 7 giai đoạn của cuộc tổng tuyển cử Lok Sabha (Hạ viện) ở nước này cho thấy, Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của đương kim Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo đã giành chiến thắng với 292 ghế trong tổng số 543 ghế tại cơ quan lập pháp này, một đa số tương đối mỏng manh. Trong khi đó, Liên minh toàn diện phát triển quốc gia Ấn Độ (INDIA) do đảng Quốc đại dẫn đầu đã bất ngờ trỗi dậy như một phe đối lập vô cùng mạnh mẽ khi giành được 234/543 ghế.

Dù giành chiến thắng để nắm quyền nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp nhưng chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đối mặt với nhiều khó khăn thách thức

Như vậy, sau tiến trình bầu cử kéo dài 7 giai đoạn trong 6 tuần, diễn ra từ ngày 19-4 đến 1-6, cử tri Ấn Độ đã bầu ra được 543 thành viên Hạ viện. Đây là cuộc bầu cử dài thứ hai kể từ cuộc bầu cử đầu tiên ở Ấn Độ vào năm 1951-1952. Theo Chủ tịch Ủy ban bầu cử Ấn Độ Rajiv Kumar, tổng cộng 642 triệu người dân nước này đã tham gia bỏ phiếu, trong đó gần 50%, tức khoảng 312 triệu người là phụ nữ. Như vậy, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 66,3%, giảm nhẹ so với cuộc tổng tuyển cử năm 2019.

Sau 2 nhiệm kỳ liên tiếp nắm quyền gần như tuyệt đối, việc Đảng BJP của Thủ tướng Narendra Modi chiến thắng nhưng không thể giành được đa số tại Hạ viện khóa mới có thể coi là cú sốc lớn trong mùa bầu cử năm nay tại Ấn Độ. Điều đó cho thấy, cử tri Ấn Độ đã có những thay đổi, có quan điểm khác về cục diện chính trị hiện tại của đất nước, với mong muốn đất nước có những điều chỉnh để mang lại ấm no, thịnh vượng cho từng người dân.

Dù Liên minh NDA đã giành được chiến thắng để tiếp tục lãnh đạo đất nước đông dân nhất thế giới thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa, song kết quả này không được như ý bởi NDA, đặc biệt là BJP đã không thể tái lập chiến thắng áp đảo như năm 2019. Điều quan trọng nhất là Liên minh cầm quyền đã không giành đủ số ghế cần thiết để tạo ra liên minh chiếm đa số tuyệt đối tại Hạ viện khóa mới như từng tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử.

Liên minh NDA trước đó đã nhắm tới mục tiêu giành được 400 ghế - một đại đa số cho phép liên minh này thực hiện những thay đổi lớn về lập pháp và hiến pháp - trong đó riêng BJP là 370 ghế nhờ vào chính trị, phúc lợi, phát triển và kế hoạch Hindutva (Chủ nghĩa dân tộc Hindu). Ngay các cuộc thăm dò dư luận cũng cùng có chung nhận định rằng liên minh NDA và Đảng BJP sẽ chiến thắng với tỷ lệ áp đảo. Trong khi đó, Liên minh Toàn diện phát triển quốc gia Ấn Độ (INDIA) do đảng Quốc đại dẫn đầu đã không đặt ra bất cứ mục tiêu nào cũng như không được bất cứ tổ chức khảo sát, chuyên gia, học giả nào đặt kỳ vọng thì lại gây bất ngờ khi giành được 234 ghế, gấp hơn 2 lần so với dự đoán trước đó.

Lý giải về sự sụt giảm đáng kể số ghế của Liên minh NDA và Đảng BJP, một số chuyên gia cho rằng điều đó có thể liên quan đến tình trạng thất nghiệp, giá cả tăng cao, bất bình đẳng ngày càng tăng và cải cách tuyển quân gây tranh cãi, cùng nhiều lý do khác. Bên cạnh đó, chiến dịch vận động của ông Narendra Modi tập trung tranh thủ sự ủng hộ của người Hồi giáo cũng có thể khiến cử tri ở một số khu vực xa lánh.

Với việc không giành được đa số tối thiểu 272 ghế, Đảng BJP của Thủ tướng Narendra Modi phải chấp nhận liên minh để tiếp tục nắm quyền. Hai đảng lớn trong Liên minh NDA là Telugu Desam và Janata dal đã tuyên bố ủng hộ ông Narendra Modi tiếp tục giữ chức Thủ tướng Ấn Độ.

Quyết tâm chấn hưng đất nước

Việc Liên minh cầm quyền NDA chỉ giành được đa số được xem là mong manh trong cuộc tổng tuyển cử chắc chắn sẽ có tác động nhất định tới đường lối chính sách của chính quyền do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu trong nhiệm kỳ 5 năm tới, nhất là về kinh tế. Ngay khi kết quả cuộc bầu cử Hạ viện được công bố, Thủ tướng Narendra Modi đã có cuộc họp với Ban lãnh đạo Đảng BJP cầm quyền và các đảng viên nòng cốt tại trụ sở ở Thủ đô New Delhi.

Ông Narendra Modi tuyên bố, Liên minh NDA do BJP lãnh đạo sẽ thành lập Chính phủ kế tiếp thứ ba và đó là chiến thắng với quyết tâm của Tầm nhìn Viksit Bharat, hay Ấn Độ Phát triển. Thủ tướng Modi nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên kể từ sau năm 1962, một Chính phủ tại Ấn Độ đã hoàn thành đầy đủ hai nhiệm kỳ và tại nhiệm thêm một nhiệm kỳ thứ ba.

Thủ tướng Narendra Modi cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự phát triển đất nước, tăng cường sản xuất quốc phòng, cung cấp thêm việc làm cho thanh niên, đẩy mạnh xuất khẩu cũng như giúp đỡ nông dân. Ông khẳng định, đất nước sẽ chứng kiến một chương mới với những quyết định lớn lao.

Thủ tướng Narendra Modi nêu rõ, Chính phủ do Liên minh NDA lãnh đạo sẽ “dốc toàn lực để đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới”. Vị Thủ tướng cầm quyền 3 nhiệm kỳ liên tiếp cũng đề cập ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ tới là nỗ lực chống tham nhũng. Ông nêu rõ: “Cuộc chiến chống tham nhũng đã trở nên khó khăn. Chính phủ NDA sẽ tập trung vào nhổ tận gốc vấn nạn này trong nhiệm kỳ thứ 3”.

Có thể thấy, Liên minh NDA và cá nhân Thủ tướng Narendra Modi đã chuẩn bị tâm thế và cả những kế hoạch cần thiết cho nhiệm kỳ thứ 3 của mình với mong muốn tập trung vào kinh tế và chống tham nhũng nhằm đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047, thời điểm tròn 100 năm trở thành nước độc lập. Đó cũng chính là sự kế thừa những thành tựu mà Liên minh cầm quyền và Thủ tướng Narendra Modi đã đạt được trong 2 nhiệm kỳ vừa qua.

Trong ưu tiên kinh tế, điểm nổi bật nhất trong nhiệm kỳ tới sẽ là việc tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất để biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất mới của thế giới. Trong đó, Chính phủ do Thủ tướng Narendra Modi đang lên kế hoạch thực hiện một loạt biện pháp hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp, bao gồm việc thông qua các quy định giúp tuyển dụng và sa thải công nhân dễ dàng hơn.

Chính phủ Ấn Độ cũng muốn tiếp tục các chương trình trợ cấp cho sản xuất trong nước theo mô hình các gói chính sách hỗ trợ gần đây dành cho các công ty bán dẫn và nhà sản xuất xe điện. Đồng thời, Ấn Độ cũng có kế hoạch giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng đầu vào cho sản xuất hàng hóa trong nước, điều đã đẩy chi phí sản xuất trong nước lên cao.

Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi cũng đặt tham vọng nâng đóng góp của nước này trong lĩnh vực sản xuất chế tạo của toàn cầu lên mức 5% vào năm 2030 và 10% vào năm 2047. Ưu tiên đẩy mạnh các ngành sản xuất trong nước cũng sẽ góp phần giải bài toán thất nghiệp cho kinh tế Ấn Độ - một vấn đề chưa thể giải quyết triệt để trong thập kỷ qua - bởi chỉ khi nào mang tới công ăn việc làm cho đa số người dân, Ấn Độ mới có thể mang tới sự thịnh vượng và cất cánh trở thành nền kinh tế phát triển.

Quyết tâm chấn hưng đất nước của Chính phủ do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, không như 2 nhiệm kỳ trước chiếm đa số vững chắc tại Hạ viện, việc thông qua những quyết sách lớn, quan trọng của Chính phủ trong nhiệm kỳ thứ 3 này sẽ khó khăn hơn nhiều. Đa số mỏng manh trong Hạ viện là thách thức lớn mà Liên minh cầm quyền cũng như Thủ tướng Narendra Modi phải đối mặt trong suốt 5 năm tới.