Những tài sản “khủng” nào của bà chủ Vạn Thịnh Phát có thể phải dùng để bồi thường?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tòa nhà Capital Place, khách sạng Daewoo, 18% tòa nhà Vietcombank Tower… là những tài sản có giá trị rất lớn, thuộc sở hữu của Trương Mỹ Lan. Quá trình phiên tòa diễn ra, dù không hoàn toàn thừa nhận hành vi như cáo trạng , song bà chủ Vạn Thịnh Phát luôn khẳng định sẽ khắc phục triệt để hậu quả vụ án.

Sau 3 ngày tạm nghỉ, ngày 19-3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo liên quan, do có các sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và một số đơn vị. Dự kiến, phiên tòa sẽ bước vào phần tranh luận và đề nghị mức án đối với 86 bị cáo trong vụ án.

Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng bản thân không rút tiền của SCB, chỉ đưa các tài sản của mình vào “tái cơ cấu”, giúp ngân hàng vượt qua khó khăn. Tuy vậy bà chủ Vạn Thịnh Phát cho biết, sẵn sàng dùng tất cả tài sản của mình để khắc phục hậu quả vụ án.

Bà chủ Vạn Thịnh Phát - bị cáo Trương Mỹ Lan.

Bà chủ Vạn Thịnh Phát - bị cáo Trương Mỹ Lan.

Bị cáo Lan sau đó trình bày về hàng loạt tài sản của mình như: Công ty Bông Sen của gia đình bà này chiếm 93.6 % cổ phần tại khách sạn Daewoo Hà Nội. Bị cáo Lan đề nghị bán khách sạn Daewoo Hà Nội để nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án.

Tuy nhiên, có một bất động sản bị cáo Lan đề nghị cơ quan tố tụng không kê biên mà giao lại cho gia đình để tiếp tục sửa chữa. Đó là căn biệt thự cổ ở địa chỉ số 110-112 Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM). Đây cũng chính là tài sản duy nhất bị cáo này mong muốn giữ được lại, thay vì dùng để đưa vào khắc phục hậu quả vụ án.

Hội đồng xét xử thông báo, đối với Tòa nhà Capital Place ở 29 Liễu Giai (Hà Nội), bị cáo Lan nói con gái Chu Duyệt Phấn đang rao bán 1 tỷ USD để khắc phục hậu quả nhưng tài sản này đang được thế chấp, vay ngân hàng 230 triệu USD. Hiện tại, có người trả 360 triệu USD. Trương Mỹ Lan đồng ý bán tòa nhà này, sau khi trả nợ ngân hàng, các loại phí, còn lại bao nhiêu đều dùng khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, bà chủ Vạn Thịnh Phát còn có hàng loạt tài sản khác có thể dùng để thi hành án. Đơn chử như 18% vốn điều lệ tại Công ty TNHH LD Vietcombank – Bonday - đơn vị Sở hữu Tòa nhà Vietcombank Tower tại quận 1 (TP.HCM). Tòa nhà này đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành kinh doanh.

Tài sản tiếp theo là Khu công nghiệp – đô thị Việt Phát (Long An). Dư án này mới chỉ được giao đất và thi công hạ tầng cho 300ha đất khu công nghiệp. Dự án còn có 177ha là đất ở nông thôn nhưng chưa được chấp thuận chủ đầu tư làm khu đô thị.

Căn biệt thự cổ tại quận 3, TP HCM, bị cáo Trương Mỹ Lan mong muốn được giữ lại.

Căn biệt thự cổ tại quận 3, TP HCM, bị cáo Trương Mỹ Lan mong muốn được giữ lại.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng sở hữu 5 Dự án chuyển nhượng Công ty Sơn Long Thọ (Công ty Hải Sơn) gồm: Khu tái định cư Tân Tập, Khu dân cư Chợ Mới, Xưởng đóng tàu Caric, Dự án Nghĩa trang Tân Lập, Dự án Tái định cư Long Hậu. Tất cả đều ở Long An và đang trong giai đoạn chuyển khai.

Công ty CP Đầu tư – Phát triển Gia Tuệ - Lâm Đồng cũng liên quan tới bị cáo Trương Mỹ Lan. Doanh nghiệp này đang triển khai xây dựng Dự án Du lịch nghỉ dưỡng – khách sạn Gia Tuệ tại khu vực Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt, Lâm Đồng).

Về lĩnh vực y tế, Trương Mỹ Lan sở hữu Công ty CP Dược phẩm Đông dược 5 ở TP.HCM và một nhà máy sản xuất vắc xin tại Sóc Sơn (Hà Nội). Nhà máy sản xuất vắc xin đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động và theo lời khai của bị cáo Lan đã đầu tư 315 tỷ đồng vào đây.

Trương Mỹ Lan còn từng chi 920 tỷ đồng mua cổ phần tại một công ty bảo hiểm nước ngoài. Theo chủ tọa phiên tòa, con gái bị cáo Lan đang rao bán số cổ phần này giá 40 triệu USD, tương đương giá mua vào.

Cũng tại tòa, bà chủ Vạn Thịnh Phát khai từng nhiều lần đưa tiền cho ông Đào Hồng Tuyển (“chúa đảo” Tuần Châu) để thực hiện dự án tại đảo Tuần Châu (Quảng Ninh) nhưng không có giấy tờ. Nhưng người phụ trách dự án hiện đang đi chữa bệnh ở nước ngoài nên chưa có cơ sở làm rõ.

Theo hồ sơ cũng thể hiện, cơ quan tố tụng đã kê biên 8 bất động sản liên quan đến thỏa thuận hợp tác của Trương Mỹ Lan với 2 công ty liên quan về dự án Tuần Châu.

Thêm các tài sản khác của Trương Mỹ Lan có thể kể tới là: Công ty CP Địa ốc Hoàn Hảo (Khu đất 235B Nguyễn Văn Cừ, Quận 1, Tp. HCM); 13% cổ phần tại Công ty Sao Thủy – Dự án 1 Bis 1 Kép (nhận chuyển nhượng từ Doji)…

Hồ sơ vụ án thể hiện, từ 2012 – 2022, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh và đồng phạm tạo lập hơn 2.500 khoản vay, rút hơn 1 triệu tỷ đồng tại Ngân hàng SCB. Đến nay, các khoản vay này còn dư nợ 677.286 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.

Bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm trực tiếp về 498.000 tỷ đồng trong đó, do hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, bị cáo Lan cũng đang bị cáo buộc có các hành vi tham ô tài sản và đưa hối lộ.

Trong phần xét hỏi chiều 14-3, đại diện Ngân hàng SCB cho hay, không đồng ý con số bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm. Phía ngân hàng cho rằng, thiệt hại trong vụ án phải là 677.286 tỷ đồng, số liệu tạm tính đến ngày 5/3 là 760.279 tỷ đồng (bao gồm tiền gốc 482.449 tỷ và lãi/phí là 277.830 tỷ đồng).