Những người mang hy vọng cho bệnh nhân chạy thận

ANTĐ - Bi quan, chán nản, kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần - đó là tình cảnh chung của các bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Những người không may mắc chứng bệnh nan y này luôn phải gắng gượng sống chung với các bệnh viện bởi mỗi tuần họ phải chạy thận từ 1 đến 3 lần để duy trì sự sống. Và việc phải bán hết gia sản, gia đình trở nên khánh kiệt với chi phí điều trị tốn kém, thời gian điều trị đến hết cuộc đời là những câu chuyện hiện hữu có thật. Nhưng mới đây  một con người đam mê nghiên cứu khoa học - Tiến sỹ Vũ Duy Hải - đã mang đến  ánh sáng hy vọng với những bệnh nhân này…

Ý tưởng lớn vì người bệnh 

Tiến sỹ Vũ Duy Hải là Phó trưởng Bộ môn Công nghệ Điện tử và Kỹ thuật Y sinh, Viện Điện tử Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội. Trong số 10 tài năng trẻ nhận giải “Quả cầu Vàng” năm 2012 được ghi danh vào “Sổ vàng tài năng trẻ Việt Nam”, Tiến sỹ Vũ Duy Hải đã được vinh danh với những thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc của mình trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh. Tiến sĩ Vũ Duy Hải là người lặng lẽ ít nói về mình, thầm lặng như chính cái nghiệp thầy đã chọn - giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nhưng chỉ cần nhìn vào nụ cười và ánh mắt là có thể “đọc” được niềm vui niềm hạnh phúc của thầy với một khát khao đến cháy bỏng là làm sao cho những bệnh nhân chạy thận bớt đi nỗi lo khó khăn về tiền bạc.

“Ý tưởng chế tạo thiết bị máy rửa quả lọc và dây dẫn máu để tái sử dụng trong điều trị thận nhân tạo được ra đời sau nhiều năm tôi đưa các em sinh viên xuống thực tế tại các bệnh viện. Và cũng chính từ đó là ngần ấy thời gian chúng tôi lăn lộn tại các cơ sở y tế. Bệnh nhân bị mắc bệnh thận nhiều lắm, mỗi người phải chạy thận nhân tạo từ 1 đến 3 lần/tuần, mỗi lần mất vài tiếng đồng hồ. Với những bệnh nhân có tiền chạy thận lọc máu đều đặn sẽ kéo dài được sự sống, nhưng còn rất nhiều bệnh nhân nghèo ở nông thôn, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, cố gắng lắm cũng chỉ chạy thận được trong thời gian ngắn, khi hết tiền, chẳng còn cửa xoay sở họ đành ngậm ngùi quay trở về trong sự bất lực. Người bị bệnh đã phải chống chọi với bệnh tật đau đớn và nếu không có tiền thì họ lại phải đối mặt với nỗi đau về tinh thần và họ biết trước được cuộc đời mình nếu như ngừng chạy thận. Khi như vậy thì tinh thần của những người bệnh xuống đến tận đáy của niềm tin, và họ chỉ còn biết bi quan chờ số phận định đoạt. Thực tế, hiện nay chúng ta mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu chạy thận của bệnh nhân. Từ chính hiện thực cuộc sống đó, chúng tôi đã tiến hành khảo sát và thấy rằng chi phí để mua quả lọc và dây dẫn máu là một gánh nặng kinh tế đối với bất kỳ bệnh nhân nào. Hiện tại bộ lọc và dây dẫn máu đều phải nhập ngoại, mỗi lần điều trị chạy thận bệnh nhân phải chi trả khoảng 500.000 đồng, trong đó giá mỗi bộ lọc và dây dẫn máu đã lên đến 200.000 đồng. Mỗi tuần người chạy thận phải dùng 3 bộ, tính trung bình mỗi tháng người bệnh đã tốn vài triệu đồng để mua dụng cụ lọc máu”.

Thất bại và quãng thời gian “chết”

  Từ phòng thí nghiệm đến các cơ sở y tế là một chặng đường dài với nhóm nghiên cứu của thầy Hải bởi họ phải vượt qua hàng rào an toàn kỹ thuật, vệ sinh y tế lẫn công năng sử dụng của thiết bị với các tiêu chuẩn khắt khe khác. Thầy Hải cho biết, nhóm cộng sự nghiên cứu công trình này đều là các giảng viên, kỹ sư, người nghiên cứu khoa học nên chưa tiếp xúc nhiều với thực tế mà hầu hết đều trong phòng thí nghiệm, nên khi trực tiếp làm việc với các dụng cụ dính máu và gặp gỡ bệnh nhân lúc đầu cũng  không khỏi lo lắng, băn khoăn. Nhưng khi họ trò chuyện với bệnh nhân, đồng cảm với những trăn trở với người bệnh thì dường như mọi lo lắng đó đã tan biến. Cứ như thế, nhóm nghiên cứu lao vào khảo sát, nghiên cứu, thực nghiệm tại các bệnh viện và cơ sở y tế, mỗi người phải tự tay cầm quả lọc còn dính máu bệnh nhân đưa vào vận hành thiết bị lọc rửa. Ngày nào cũng vậy, những con người này phải tiếp xúc với bệnh nhân, làm việc với máu.

Nói về công việc của mình, thầy Hải cho biết nhiều lần chúng tôi rời phòng thí nghiệm, rời bệnh viện rồi mà đầu óc vẫn quay cuồng, cảm giác bị ám ảnh bởi màu máu tươi, mùi máu tanh nồng quyện với mùi thuốc bệnh viện. Nhiều bữa ăn mà cả nhóm không nuốt nổi. Nhưng không phải chỉ có vậy, sau một thời gian dài dày công nghiên cứu, đang buồn là thất bại lại đến, kết quả thí nghiệm không như mong muốn. Đó là quãng thời gian “chết” len lỏi giữa chúng tôi, có những chiều cả nhóm chẳng thiết tha gì hết, cứ ngồi thừ nhìn nhau, nhưng chỉ cần qua một đêm, mỗi người lại tự vấn, lên dây cót tinh thần để sớm hôm sau lại tiếp tục công việc. Đam mê không có chỗ cho chữ “nản”. Vậy đó…

Thầy Hải chia sẻ tiếp, từ khảo sát đến công bố công trình nghiên cứu chúng tôi vấp phải không ít khó khăn. Làm sao để công trình có tính thuyết phục với chính những người trong ngành y, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong khi mỗi bộ lọc và dây dẫn máu chỉ được sử dụng một lần. Hơn nữa kỹ thuật làm sạch quả lọc và dây dẫn máu là vấn đề mới chưa từng có ở Việt Nam. So sánh nó chẳng khác nào chiếc “máy giặt”, cho tất cả những thiết bị đó vào, ấn nút và làm sạch. Sản phẩm thuộc ngành Điện tử y sinh, sẽ được ứng dụng trên cơ thể người nên không cho phép chúng tôi để xảy ra sai sót dù một phản ứng nhỏ. Để thuyết phục và trước khi ứng dụng, nhóm nghiên cứu đã phải thực hiện hàng trăm, thậm chí cả nghìn lần trong phòng thí nghiệm với mẫu máu động vật, mời cả bác sĩ, chuyên gia kiểm chứng, đối chiếu. Chúng tôi mừng hơn cả khi nhận được thông báo đoạt giải thưởng “Quả cầu Vàng” sau mỗi lần thí nghiệm cho ra kết quả khả quan! Mừng hơn cả khi tấm lòng nhiệt huyết của cả nhóm nghiên cứu nhận được sự quan tâm, cố vấn của rất nhiều các Giáo sư, bác sĩ tại các bệnh viện, cơ sở y tế. 

Người gom lửa


Ròng rã nhiều năm liền nghiên cứu, tôi và nhóm nghiên cứu của mình đã hoàn thiện quy trình chế tạo máy rửa quả lọc và dây dẫn máu đảm bảo mọi tiêu chí an toàn, vệ sinh của ngành y tế, được các bác sỹ chuyên khoa đánh giá sẽ tạo bước tiến lớn trong điều trị bệnh thận tại Việt Nam với hiệu suất tái sử dụng tăng lên 7, 8 lần, công suất làm sạch đồng thời 4 bộ khác nhau. Chúng tôi đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc bởi ý nguyện giúp đỡ cho hàng chục nghìn bệnh nhân nghèo giảm chi phí lớn trong quá trình điều trị và kéo dài cuộc sống cho người bị bệnh thận dần trở thành hiện thực!... 

Đến nay, ngoài thiết bị máy rửa quả lọc và dây dẫn máu để tái sử dụng trong điều trị thận nhân tạo, thầy Vũ Duy Hải cùng nhóm nghiên cứu của mình còn là tác giả của nhiều sản phẩm được ứng dụng thành công trong các bệnh viện, cơ sở y tế như thiết bị dùng dòng điện để điều trị mắt; thiết bị vật lý trị liệu BK-Gal tạo ra dòng điện với tần số khác nhau điều trị phục hồi chấn thương; BK-Monitor dùng đo lường, theo dõi chỉ số sinh học của bệnh nhân cấp cứu…; giành nhiều giải thưởng sáng tạo khoa học danh giá.

Thành công của Tiến sỹ Vũ Duy Hải có thể nói là một bước tiến lớn của y học trong việc điều trị bệnh nhân chạy thận nhưng khi nói về sự hy sinh thầm lặng để nghiên cứu khoa học thì thầy Hải lại khiêm tốn gạt đi và bảo nói về bản thân tôi ít thôi - “Khi còn là sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội tôi đã được các thầy, cô hướng dẫn, chỉ bảo cùng tham gia nghiên cứu. Niềm đam mê ấy cứ lớn dần lên. Để nay trên cương vị của một người thầy, tôi lại truyền lửa tới các em sinh viên như một sự tiếp nối. Tôi luôn cảm thấy ấm áp, thanh thản và hạnh phúc khi đứng trên bục giảng để truyền lại niềm đam mê lẫn tri thức của mình cho các thế hệ sau. Với nhóm nghiên cứu của mình cũng vậy, mỗi cá nhân trong đó đã là những ngọn lửa nhỏ, tôi chỉ có trách nhiệm gom những ngọn lửa nhỏ đấy lại thành một ngọn lửa lớn. Các bạn biết không, rất nhiều những bạn sinh viên, ngay cả những người trong nhóm của tôi đều có khả năng và cơ hội rất tốt để ra nước ngoài học tập nâng cao trình độ, nhưng mạch nghiên cứu khoa học đang thông suốt, họ sẵn sàng ở lại để cùng thắp sáng ước mơ vì cộng đồng. Liệu đó có phải là sự hy sinh (?!). Có rất nhiều người trẻ mà tinh thần nghiên cứu của họ khiến tôi ngưỡng mộ”. Nếu các nhà khoa học trẻ luôn sẵn sàng tinh thần cống hiến cho khoa học thì tương lai đất nước sẽ tươi sáng hơn. Tương lai của đất nước trong thời đại mới sẽ là chính họ - những thế hệ tri thức trẻ đang hiện thực hóa và tiếp nối những khát vọng cao đẹp của lớp người đi trước. Giờ đây, họ được học tập trong môi trường tốt hơn, có thể cống hiến được nhiều hơn cho đất nước.

Mong muốn lớn nhất của thầy Hải và nhóm nghiên cứu của mình lúc này là được thấy thiết bị máy rửa quả lọc và dây dẫn máu để tái sử dụng trong điều trị thận nhân tạo được trang bị tại tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế trong cả nước. 

Chúng tôi tin điều đó sẽ sớm trở thành hiện thực!