Những điều thú vị ít biết về đấu trường La Mã đã tồn tại hàng thiên niên kỷ

ANTD.VN - Tọa lạc tại thủ đô Rome tráng lệ, Đấu trường La Mã Colosseum sừng sững như một minh chứng cho sức mạnh và sự thịnh vượng của đế chế La Mã hùng mạnh một thời. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Colosseum vẫn uy nghi hiên ngang, là di sản văn hóa thế giới thu hút du khách từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Đấu trường La Mã là đấu trường lớn ở Rome. Khi đấu trường mới xây dưới thời trị vì của Hoàng đế La Mã Vespasian, ông đã đặt tên nó theo tên của dòng họ là Flavius. Sau này, đấu trường được đổi thành Colosseum hay Colosseo, bắt nguồn từ tên bức tượng khổng lồ Colossus của Hoàng đế Nero.

Đấu trường La Mã được xây dựng vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, là một trong những công trình mang tính biểu tượng nhất và còn tồn tại tốt nhất của La Mã cổ đại, là "tượng đài" kiến trúc và kỹ thuật của nhân loại...

Xây dựng bằng đá cẩm thạch Người La Mã cổ đại đã sử dụng rất nhiều đá cẩm thạch để xây dựng Đấu trường La Mã. Người ta ước tính rằng, họ đã sử dụng khoảng 100.000m3 đá cẩm thạch, được vận chuyển trong 200 xe bò đến địa điểm xây dựng. Họ cũng sử dụng 1,1 triệu tấn bê tông, đá và gạch để xây dựng, tiêu tốn khoảng 39 triệu euro.

Hơn 60.000 nô lệ đã ngày đêm xây dựng trong 9 năm để hoàn thành đấu trường La Mã.

Đấu trường La Mã được thiết kế có tới 80 lối ra vào và trước mỗi lối vào đều được đánh số để khán giả dễ dàng tìm được chỗ ngồi.

Ban đầu đấu trường La Mã có sức chứa 50.000 người. Sau đó, các kiến trúc sư đã mở rộng thiết kế, nâng sức chứa của công trình này lên đến 55.000 người.

Theo ước tính, hơn 500.000 người và hơn 1 triệu động vật chết khi tham gia các trò chơi sinh tử đẫm máu ở đấu trường La Mã nhằm mua vui cho mọi người trong thời gian công trình này hoạt động.

Những trận chiến đẫm máu cuối cùng của các võ sĩ giác đấu tại đấu trường La Mã diễn ra vào năm 435.

Người dân La Mã không phải trả bất cứ khoản tiền nào để có thể vào sân xem thi đấu hay các sự kiện tại đấu trường La Mã. Thêm vào đó, họ còn được cung cấp thức ăn miễn phí.

Một thế giới dưới lòng đất Bên dưới đấu trường này có một khu vực ngầm theo đúng nghĩa đen và được gọi là Hypogeum. Đây là một mạng lưới đường hầm dưới lòng đất, diện tích có thể lên tới 32 chuồng động vật.

Nhiều lễ hội được tổ chức tại đấu trường La Mã kéo dài tới 100 ngày. Đôi khi người La Mã khiến đấu trường La Mã trở nên ngập nước để biến nơi đây trở thành địa điểm diễn ra những trận hải chiến thú vị nhằm mua vui cho mọi người.

Hai trận động đất dữ dội xảy ra năm 847 và 1231 đã khiến đấu trường La Mã bị hư hại nghiêm trọng và tồn tại từ đó cho đến nay.