Những điều chưa biết về loài sơn dương quý hiếm ở Việt Nam
Lưu Tuấn
ANTD.VN - Không ít người vẫn nghĩ rằng sơn dương là loài dê sống hoang dã trên núi, nhưng đây là một loài vật có rất nhiều điểm khác biệt với những con dê thường gặp...
Sơn dương, tên gọi đầy đủ là sơn dương lục địa (Capricornis milneedwardsii), là một loài động vật cỡ lớn thuộc họ Trâu bò (Bovidae) sinh sống ở Việt Nam. Các cá thể trường thành của loài thú móng guốc này dài 1,4-1,8 mét, nặng 120-150 kg.
Chúng có cơ thể vạm vỡ, chắc khỏe, toàn thân phủ lông dầy, dài, cứng mầu xám đen hoặc xám tro. Từ trán đến vai lông rất dài tạo thành bờm. Đuôi rất ngắn.
Trên đỉnh đầu sơn dương có đám lông dài tạo thành bờm, có những chùm lông dài phủ từ tai đến góc miệng. Cả con đực và cái đều có sừng ngắn, không dài quá 30 cm, mút sừng nhọn cong về phía sau.
Chúng sống ở những vùng rừng núi đá, chủ yếu là vùng núi đá vôi ở độ cao từ 50-2.000 mét so với mặt biển. Nơi ở, trú ẩn thường là hang hốc đá. Loài vật này giống dê ở chỗ rất giỏi leo trèo trên đá.
Sơn dương sống thành từng nhóm 3-4 cá thể, con già thường sống đơn độc. Chúng hoạt động vào ban ngày, kiếm ăn ở lưng chừng núi đá và cả trên đỉnh núi. Thức ăn là thảm thực vật rừng, địa y trên núi đá.
Mùa sinh sản của sơn dương tập trung vào tháng 3-4, thời gian có chửa 210-240 ngày, mỗi năm đẻ 1 lứa, mỗi lứa 1 con.
Ở Việt Nam, sơn dương sống ở các tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kontum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng.
Hiện tại, sơn dương đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Việc săn bắn, bẫy, buôn bán sơn dương bị nghiêm cấm tuyệt đối. Người vi phạm phải đối diện với việc bị truy tố hình sự.
Trên thế giới, sơn dương lục địa được ghi nhận ở Ấn Độ (Assam), Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Chúng thuộc diện loài Sắp nguy cấp trong Sách đỏ IUCN.