Hé lộ đường dây buôn lậu titan sang Trung Quốc (2):

Những chiêu núp bóng nhằm vơ vét tài nguyên

ANTĐ - Hàng trăm chuyến xe tải nặng vận chuyển titan thô từ Bình Thuận sang Cảng Cát Lở, Vũng Tàu nhưng không hề bị phát hiện.

Hàng trăm xe hoạt động công khai

Như số trước đã đưa, từ việc phát hiện hơn 3.500 tấn titan thô đang được tập kết tại khu vực Cảng Cát Lở nhưng không có ai đến nhận, đã hé lộ một đường dây mua bán quặng tian thô lòng vòng và phù phép xuất lậu sang các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc).

Để vận chuyển titan từ các công ty khai thác tại Bình Thuận sang Cảng Cát Lở (Bà Rịa Vũng Tàu), bắt buộc phải có một đội xe tải nặng hùng hậu lưu thông từ thị xã La Gi sang Hàm Tân (Bình Thuận) qua Xuyên Mộc (BRVT) theo QL55. Thế nhưng những hoạt động vận tải rầm rộ công khai này lại không hề bị phát hiện. Cụ thể là vụ vận chuyển hơn 3.500 tấn titan thô “vô chủ” đều do Công ty TNHH Thanh Lan (Đất Đỏ, BRVT) và ba cá nhân là các ông T ở Sơn Mỹ, Hàm Tân và B, H ở Tân An, La Gi (Bình Thuận) hợp đồng vận chuyển. Theo đó suốt thời gian hơn một tháng từ ngày 5/4 đến ngày 7/5 đã có hàng chục lượt xe tải nặng vận chuyển titan thô từ Bình Thuận sang Vũng Tàu. Cụ thể,  đã có 11 xe vận chuyển 24 chuyến titan từ kho của Công ty Cổ phần du lịch Sài Gòn - Hàm Tân từ ngày 3 đến 7/5 về tập kết tại sân trạm cân xe doanh nghiệp tư nhân Trung Thành đối diện với Cảng Cát Lở. Riêng các ngày 25 đến 28/4, Công ty TNHH Thanh Lan cũng đã vận chuyển hơn 1.500 tấn quặng titan để tập kết vào kho 15A và 15B của Cảng Cát Lở. Những chiếc xe quá tải này đã góp phần “cày xới” làm hư hỏng, xuống cấp trầm trọng QL55  nhưng vẫn không bị phát hiện.

Trong khi đó, tính từ ngày 1/1/2010 đến 31/8/2011 đã có 50 chuyến tàu rời Cảng Cát Lở vận chuyển titan đi Hải Phòng, Quảng Ninh và sang Trung Quốc với số lượng hơn 60 ngàn tấn. Ngoài một số lượng rất ít được khai báo với hải quan là xuất đi nước ngoài, các ông chủ trong đường dây này đã phù phép một số lượng lớn thành hàng “xuất khẩu nội địa”. Thế nhưng thật trớ trêu điểm đến của titan là Hải Phòng và Quảng Ninh lại hoàn toàn không có bất cứ một nhà máy hay cơ sở nào chế biến titan đúng nghĩa!

Với việc khai thác titan tràn lan, vô tội vạ của Cty CP Dương Anh, ngày 10/9 đã xảy ra vụ "lũ cát" nghiêm trọng đổ hàng ngàn m3 cát xuống khu dân cư gây hư hại hoa màu của nông dân

Với việc khai thác titan tràn lan, vô tội vạ của Cty CP Dương Anh, ngày 10/9 đã xảy ra vụ "lũ cát" nghiêm trọng đổ hàng ngàn m3 cát xuống khu dân cư gây hư hại hoa màu của nông dân

Nhận diện đường dây

Trong giới buôn bán titan cả nước không ai không nghe tiếng tăm của bà N, một phụ nữ họ Trương người Hoa trẻ tuổi nhưng rất có “số má’.

Bà Trương sinh năm 1985 là người dân tộc Hán có quốc tịch Việt Nam, đăng ký hộ khẩu thường trú tại thị trấn Phó Bảng, Đồng Văn, Hà Giang. Trong phi vụ hơn 3.500 tấn titan “vô chủ” phát hiện tại Cảng Cát Lở, người ta vẫn thấy có bóng dáng bà Trương xuất hiện điều hành. Nhiều nguồn tin cho rằng bà Trương chính là một mắt xích quan trọng trong đường dây xuất lậu titan thô này.

Cụ thể trong phi vụ 1.500 tấn titan gởi ở hai kho 15A, 15B thuộc Cảng Cát Lở, bà Trương chính là người liên hệ với Công ty TNHH Thanh Lan để thuê vận chuyển và sau đó đã thanh toán tiền nhưng không xuất hóa đơn. Bà Trương cũng là người bố trí cho công nhân nhập hàng vào kho và ký nhận. Đối với lô hàng hơn 1.000 tấn quặng titan đưa lên tàu Thành Công 18 bị C46B và Công an tỉnh BRVT tạm giữ.

Theo ông Trương Hữu Hạnh, Giám đốc Xí nghiệp Cảng thuộc Công ty Cổ phần thương cảng Vũng Tàu, chính bà Trương là người đã mang hợp đồng đã ký và phiếu đề nghị xuất hàng từ kho xuống tàu. Ngoài ra, qua làm việc với bà Bùi Thị Quý Hợp, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Trung Thành (đối diện Cảng Cát Lở) nơi chứa 800 tấn titan thô, bà Hợp cho biết có một người không rõ tên họ điện thoại nhờ gởi hàng với số lượng 60 xe 800 tấn quặng. Từ khi gởi hàng  tại kho, người gởi hàng không đưa bất cứ giấy tờ gì để chứng minh hàng hóa có hợp pháp hay không.

Có thể thấy đây là một đường dây được tổ chức hết sức bài bản, chặt chẽ, hoạt động khá tinh vi nhằm mua bán, xuất lậu quặng titan sang Trung Quốc kéo dài khá lâu. Chỉ đến khi C46B và Công an tỉnh BRVT vào cuộc đường dây này mới tạm thời “chém vè” ngưng hoạt động. Toàn bộ ba lô hàng trị giá hàng chục tỷ đồng thực tế đều có chủ nhưng các ông chủ đều biết “hy sinh” món lợi trước mắt để biến thành hàng “vô chủ” nhằm khỏi bị xử lý. Trong khi đó hậu quả của việc khai thác titan vô tội vạ, tràn lan gây ô nhiễm môi trường trầm trọng đang là một vấn nạn vô cùng nhức nhối tại tỉnh Bình Thuận.

Điều đáng nói là mặc dù được đánh giá là tỉnh có trữ lượng titan đứng đầu Đông Nam Á nhưng số tiền mà ngân sách địa phương thu được lại quá nhỏ. Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Bình Thuận, năm 2008 các đơn vị khai thác titan trên toàn tỉnh khai báo chỉ khai thác được chưa đến 19 ngàn tấn, năm 2009 khai báo hơn 90 ngàn tấn và năm 2010 cộng với sáu tháng năm 2011 khai thác được hơn 200 ngàn tấn. Tính cả hai năm 2009, 2010 và đến quý III năm 2011, ngành thuế tỉnh Bình Thuận chỉ thu được từ hoạt động khai khoáng titan chưa đến 150 tỷ đồng, tức chưa đến 50 tỷ đồng/năm trong khi du lịch ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận đang ngày càng bị đe dọa vì những hoạt động khai thác loại khoáng sản này.