Những ẩn họa từ bệnh nhân tâm thần

ANTĐ - Lẽ thường, khi bệnh tật, ốm đau mà được chăm sóc thì người bệnh phải biết ơn những bác sỹ, y tá, điều dưỡng viên đã tận tâm với mình. Nhưng riêng đối với bệnh nhân tâm thần thì ngay cả khi xúc cơm cho họ, cũng chẳng thể biết họ sẽ hắt cả bát cơm vào mặt mình lúc nào. Vụ án nữ điều dưỡng viên Phạm Thị Xuân bị bệnh nhân Đỗ Văn Việt ra tay hạ sát hôm 5-1 tại Trung tâm Hỗ trợ tâm thần Hà Nội (xã Thụy An, Ba Vì) là ví dụ.

Ngôi nhà của chị Xuân phủ màn tang tóc

Sinh nghề tử nghiệp

Cho đến lúc này, ông Nguyễn Đức Xuyến vẫn bàng hoàng trước cái chết của con dâu mình. 10 năm đi bộ đội đánh Mỹ, rồi gần 30 năm chọn cái nghề chăm sóc cho những bệnh nhân bị mất năng lực hành vi, nhưng chưa khi nào ông ngờ có ngày con mình trở thành nạn nhân của chính những người mà ông hàng ngày chăm sóc.

Ông Xuyến là cán bộ thuộc loại lâu năm nhất của Trung tâm Hỗ trợ tâm thần Hà Nội vì ông về đây từ ngày cơ quan này mới thành lập năm 1985. Nối gót cha, anh Nguyễn Văn Hùng (sn 1982) cũng vào làm tại đây. Anh Hùng quen và lập gia đình với chị Phạm Thị Xuân (sn 1983)  cho đến nay cả 2 anh chị có thâm niên gần 10 năm công tác. Nói như vậy là đủ hiểu, cả 3 người trong gia đình ông Xuyến đã quá quen thuộc với bệnh nhân tâm thần cũng như các hành vi của họ mỗi khi lên cơn. Thế nhưng, bi kịch vẫn xảy ra.

 

“Cả trung tâm có trên dưới 600 người bệnh, mà bệnh tâm thần biểu hiện dưới nhiều hình thức. Có người bệnh thì hiền lành, lúc nào cũng tủm tỉm cười và tha thẩn một mình, có người thì lảm nhảm kêu khóc, người thì ca hát suốt ngày. Cũng có người cả ngày tỏ ra sáng suốt, bình thường, nhưng đùng một cái họ lên cơn hung bạo, sẵn sàng cắn xé, tấn công bất cứ ai. Chính vì vậy, hàng chục năm làm việc tại trung tâm, trong tôi lúc nào cũng sẵn sàng đề phòng những tình huống xấu nhất. Đây là nghề vô cùng nguy hiểm. Ngay cả trong lúc họ ngủ cũng không được lơ là mất cảnh giác, bởi người tâm thần có thể thực hiện những hành vi vô thức gây tổn thương cho những người xung quanh” - ông Xuyến kể về môi trường làm việc của mình. 

Anh Hùng nhớ lại: Hôm đó là thứ bảy, đúng ca trực của vợ tôi. Mặc dù 13h30 mới tới giờ làm việc, nhưng vợ tôi muốn đi sớm từ 13h vì còn dở dang nhiều việc từ hôm trước. Ai dè, đến 13h35 thì tôi nhận được điện thoại gọi lên cơ quan có việc gấp. Vội vàng thay bộ quần áo, tôi đi ngay, nhưng mới được nửa đường đã thấy xe cấp cứu chở vợ tôi chạy ngược chiều lại. Tôi lập tức bám theo xe lên Viện Quân y 105, tại đây vợ tôi được đưa vào cấp cứu với vết thương rất nặng phía sau gáy. Chỉ ít phút sau đó, bác sỹ cho biết vợ tôi không thể qua được vì vết thương quá nặng. Kẻ thủ ác chính là bệnh nhân Đỗ Văn Việt (SN 1973), ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông.

Những “quả bom” chưa phát nổ

Hậu quả của việc chị Xuân bị bệnh nhân tấn công dẫn tới tử vong chưa rõ nguồn cơn ra sao, nhưng chắc chắn đã có sơ suất từ chính công tác quản lý bệnh nhân tại đây. Anh Hùng cho biết: “Mọi người kể lại là trong lúc vợ tôi đang đóng cầu dao điện để chuẩn bị làm việc thì bị đối tượng Việt tấn công từ phía sau bằng một con dao nên không kịp trở tay. Còn cụ thể như thế nào thì hiện cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ”.

Vợ chồng anh Hùng, chị Xuân hiện có 2 con gái. Cháu lớn 6 tuổi và cháu nhỏ 3 tuổi. Hôm chúng tôi đến thăm gia đình anh, bé Nguyễn Thị Bảo Ngân còn tỏ ra thích thú vì nhà… bỗng dưng có khách. Anh Hùng bảo, tội nghiệp các cháu còn quá nhỏ nên vẫn chưa hiểu mất mẹ là như thế nào. Thậm chí, trong lúc đám tang diễn ra, hai chị em đầu chít khăn tang nhưng lại rủ nhau ra xem mấy bác thợ kèn vì thấy lạ. Chỉ đến đêm, khi thấy khách về hết, giữa nhà là chiếc bàn thờ lập lòe hương khói, lũ trẻ mới thấy sợ.

Cũng như anh Hùng, đến thời điểm này ông Xuyến vẫn chưa biết cụ thể vụ việc xảy ra hôm 5-1. Ngay cả đối tượng gây ra cái chết cho con dâu mình, ông Xuyến cũng không rõ. “Các anh tính, cả trung tâm có hơn 600 bệnh nhân thì làm sao mà nhớ hết được. Hơn nữa, chúng tôi ở bộ phận phục vụ, không có nhiệm vụ tiếp cận thường xuyên với bệnh nhân thì cũng không thể biết hết tính khí của họ”. Ông Xuyến cho biết: “Đây là lần đầu tiên ở trung tâm xảy ra sự cố đau lòng như vậy. Bệnh nhân tâm thần cũng có lúc lên cơn rồi đập phá, nhưng đa phần đều được khống chế. Tuy nhiên, hiện tôi cũng chưa rõ tại sao bệnh nhân Việt lại “xổng” ra được và tấn công con dâu tôi. Thêm một điều nữa là ngay hôm gia đình tổ chức tang lễ cho cháu thì phía gia đình đối tượng Việt cũng đã tới thắp hương, chia buồn, phúng viếng. Nhưng do tang gia bối rối nên chúng tôi cũng chưa kịp tiếp xúc với họ”.

Với mong muốn tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến việc chị Xuân bị tấn công cũng như tiền sử bệnh của đối tượng Việt, phóng viên An ninh Thủ đô đã lên tận Khu điều dưỡng tâm thần Thụy An (thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), nhưng lãnh đạo đơn vị này từ chối làm việc với lý do: Phải có sự đồng ý và giấy giới thiệu của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội. Vì yêu cầu này, phóng viên buộc phải quay về Hà Nội để liên hệ với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, tuy nhiên lãnh đạo sở này lại từ chối cấp giấy giới thiệu công tác vì lý do: “Sự việc đang rắc rối, hẹn dịp khác”. Chúng tôi sẽ trở lại vụ việc này khi có thêm thông tin mới.