- Xúc động nghe GS Hoàng Chí Bảo kể chuyện Bác Hồ trồng cây, trồng người...
- Công an huyện Thanh Trì hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, trồng nhiều cây xanh bảo vệ môi trường
|
Bác Hồ trồng cây cùng cán bộ và nhân dân thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì (Hà Nội), sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969 |
Cây đa ở công viên Thống Nhất
Năm 1958, công viên Thống Nhất được khởi công xây dựng và cải tạo từ hồ Bảy Mẫu bùn lầy ô nhiễm do nước thải từ các khu dân cư ven nội thành đổ về. Chính quyền thành phố ngày đó, đứng đầu là bác sĩ Trần Duy Hưng - cố Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội đã kêu gọi người dân cải tạo hồ thành công viên lớn nhất Thủ đô để có nơi vui chơi, giải trí cho người dân. Sau khi nạo vét bùn lầy, rác thải, cây xanh đã được trồng khắp khuôn viên với những giống quý hiếm mang về từ nhiều địa phương cả nước.
Ngày 11-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây đa ở công viên hồ Bảy Mẫu (tên gọi cũ của công viên Thống Nhất) phía đường Đại Cồ Việt. Tự tay Người đã xúc đất, tưới nước cho cây. Xong xuôi Bác nán lại nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây. Người nói đại ý rằng, mấy năm trước nơi đây còn là bãi rác xú uế, môi trường mất vệ sinh, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe người dân. Nhờ có tinh thần lao động công ích của đồng bào, thanh niên Thủ đô mà nay đã trở thành một công viên xanh, sạch, đẹp với những hàng cây, vườn hoa đang ngày phát triển. Chẳng bao lâu nữa, nơi đây sẽ là điểm sinh hoạt, vui chơi của nhân dân và các cháu thanh thiếu niên… Sau này, cây đa Bác trồng ngày một vươn cao, phát triển nhiều nhánh, nhiều cành tỏa rộng trên nền đất khuôn viên.
|
Cây đa Bác Hồ trồng ở công viên Thống Nhất |
Ngày ấy, thường vào những ngày nghỉ, Chủ nhật, tôi hay chở cô con gái 5 tuổi đi chơi trong công viên Thống Nhất. Sau một vòng qua những điểm vui chơi, cho cháu đi đu quay, tàu hỏa mi ni từ ga Quán Gió đến ga cuối sát đường Đại Cồ Việt thì thế nào cũng đưa cháu đến cây đa Bác trồng. Cây đa tỏa bóng mát với nhiều cành che ánh nắng ngày hè oi bức. Những rễ cái ăn xuống đất lớn dần thành một thân cây phụ to như cột nhà trên phủ mái xanh um tùm cành lá. Tôi đã kể cho cháu nghe đây là cây đa Bác Hồ trồng từ lúc cây còn rất nhỏ, trồng xong tự tay Bác vun đất, tưới nước. Cây đa Hồ Chủ tịch trồng trong dịp Tết năm ấy được nhiều đoàn học sinh Hà Nội tổ chức tham quan và các cô giáo nói chuyện về ý nghĩa của việc Bác khởi xướng, kêu gọi người dân hàng năm khi Tết đến xuân về cùng nhau tổ chức Tết trồng cây.
Mục đích trăm năm
Kể từ ngày Tết trồng cây được phát động, người dân cả nước đã hưởng ứng khi thấy lợi ích về việc trồng cây xanh phủ kín đất trống, đồi trọc. Đó vừa là nguồn lợi để thu hoạch, vừa là “lá phổi” bảo vệ môi trường. Qua nhiều thập kỷ hưởng ứng ngày Tết trồng cây, năm nào Tết đến, chính quyền thành phố Hà Nội cũng tổ chức kêu gọi đồng bào, lực lượng thanh niên Thủ đô ra quân trồng cây xanh trên nhiều địa bàn khu dân cư. Các huyện ngoại thành cũng tổ chức rầm rộ hình thành phong trào Tết trồng cây rộn ràng như ngày hội. Thành ra ngày nay, đường làng, ngõ xóm đâu đâu cũng thấy mọc lên những hàng cây cao vút tỏa bóng mát trong ngày hè nóng bức, là điểm nhấn cho sự đổi mới bên những ngôi nhà cao tầng, đa kiểu dáng. Các ngõ xóm còn được người dân trồng thêm các luống hoa ven đường tạo nên nét đẹp, môi trường xanh của nông thôn mới ngoại thành Thủ đô.
|
Bác Hồ với Tết trồng cây |
Những năm gần đây, Hà Nội đã trồng mới nhiều giống cây quý hiếm trên những con phố thay thế các cây già cỗi, vừa có tác dụng vừa tỏa bóng mát những tháng hè, giữ cho môi trường khí hậu ôn hòa, vừa tạo điểm nhấn cho thành phố ngàn năm tuổi. Nhiều nhà cao tầng có ban công, sân thượng, người dân cũng tận dụng trồng cây cảnh, các giống rau… vừa làm đẹp ngôi nhà, tăng độ che phủ cây xanh vừa thu hoạch rau ăn.
Hầu hết các nước trên thế giới đều có ngày trồng cây và ngày càng phát triển mạnh cùng với phong trào bảo vệ môi trường đang dâng cao. Người Do Thái thường tổ chức Tết trồng cây vào một ngày nào đó của nửa cuối tháng Giêng. Họ còn có tục lệ độc đáo là khi một bé trai ra đời, cha mẹ phải trồng một cây linh sơn trong vườn nhà, nếu sinh con gái thì trồng một cây tùng. Ngày nay, nhiều dân tộc cũng tiến hành Tết trồng cây theo tinh thần người Do Thái khi gắn với ngày tháng và ý nghĩa nhất định. Một số vùng ở Nhật Bản quy định vợ chồng mới cưới phải đến địa điểm quy ước để trồng “cây tân hôn”, mỗi đôi trồng 5 - 8 cây rồi viết tên mình và ngày cưới lên tấm biển cắm bên cạnh. Tại nhiều khu vực thuộc Nam Tư cũ, mỗi cặp đôi lấy nhau phải trồng 70 cây trám, nếu không sẽ không được cấp giấy đăng ký kết hôn. Còn ở đảo Java (Indonesia) lại quy định vợ chồng mới cưới phải trồng 2 cây, khi ly hôn phải trồng 5 cây, cưới lần 2 phải trồng 3 cây, nếu không chính quyền sẽ không công nhận cuộc hôn nhân. Ở Ba Lan, gia đình nào có người sinh nở thì đều phải trồng 5 cây gọi là cây “gia đình”. Tương tự, nhiều địa phương ở Tarzania cũng duy trì phong tục này. Khi mỗi đứa trẻ ra đời, người mẹ sẽ chôn cuống rốn của chúng xuống đất rồi trồng lên đó một cây vạn lý, ngụ ý cầu chúc đứa bé khỏe mạnh, lớn nhanh và sống lâu. Ngược lại, tại quần đảo Salomon, người nhà phải trồng 1 cây tưởng niệm mỗi khi gia đình có người qua đời. Nhiều nhà máy ở Nhật Bản quy định cứ sản xuất thêm 6 xe ô tô thì phải trồng ít nhất 1 cây để góp phần đền bù môi trường. Còn tại thành phố Aldabat (Ấn Độ), lúc xây nhà xong, muốn được chính quyền cấp giấy chứng nhận thì phải trồng cây quanh nhà.
Trồng cây không những là hành vi văn minh, bảo vệ môi trường mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc.