Lính “phố Hàng” trên chốt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đầu năm 1982, đơn vị tôi được bổ sung một lớp chiến sĩ mới. Điều thú vị là lớp này toàn giai “phố Hàng” của Hà thành nên không khí đơn vị dường như có phần tươi mát hơn. Thứ nhất là cả đám thằng nào thằng nấy đều đẹp trai… như tôi cả. Thứ hai là dân “phố Hàng” ngày ấy thường rất đa tài. Ngày nghỉ hay giờ nghỉ là khắp lán trại cứ rộn ràng tiếng đàn, tiếng hát.

Ấy vậy nhưng các chàng trai Hà thành lại rất khiêm tốn và sống khá hòa đồng với các chiến sĩ vốn quê ở địa phương khác, chẳng có gì gọi là “phân biệt” giữa lính Hà Nội với lính các tỉnh cả. Hồi đó, cuộc sống của chúng tôi cũng khá vất vả, thiếu thốn đủ bề, nhưng đã “lính tráng với nhau” thì đơn vị có gì ăn nấy, công việc như nhau.

Những người lính tuổi 18, 20 tham gia mặt trận bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc

Những người lính tuổi 18, 20 tham gia mặt trận bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc

Tình thương mến thương

Dạo đó, cứ sáng chủ nhật là chúng tôi được “phân bổ chỉ tiêu” lên rừng kiếm củi. Định lượng thì đều như nhau, mỗi chiến sĩ cứ nhặt đủ 30kg củi là “xong ngày chủ nhật”. Thú thực, chuyện đi lên rừng kiếm củi là hoàn toàn mới lạ với trai Hà Nội. Do vậy, chuyện kiếm đủ số củi đó trong ngày đối với đám lính “phố Hàng” dường như… quá sức. Những chủ nhật đầu tiên, cánh lính Hà Nội lên núi chưa thạo, đi loanh quanh thế nào lại trở về đúng lán của đơn vị. Có khi đi cả sáng chẳng kiếm nổi vài thanh củi chứ nói gì đến đủ 30kg.

Với đám trai Hà thành kiếm đủ củi rồi bó lại vác xuống núi là một thách thức không hề nhỏ. Có chàng ngã lên ngã xuống đến chảy cả máu chân mà bó củi chốc chốc lại bung dây rơi tứ tung. Vậy là căng rồi. Nhưng chiến sĩ quê ở các tỉnh trong việc này làm cứ gọi là “làm ngon ơ”. Họ chỉ cần đi chừng 2 giờ là đã đủ chỉ tiêu. Cán bộ chỉ huy kiểm nhận xong là họ ung dung đi chơi chợ Bình Liêu (thị trấn Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh). Nghĩ thương tình nên cánh lính quê bèn bảo nhau giúp.

Bữa ăn vội ven đường của một đơn vị bộ đội trên tuyến đầu

Bữa ăn vội ven đường của một đơn vị bộ đội trên tuyến đầu

Đầu tiên là từ khâu tổ chức không theo kiểu “mạnh ai nấy làm” nữa. Chỉ huy đã phân công các chiến sĩ người các tỉnh đi kèm với các chiến sĩ người Hà Nội. Thế là anh em biết dựa vào nhau, giúp đỡ nhau. Những bó củi đủ chỉ tiêu được vác về đơn vị và sau đó các chiến sĩ lại cùng nhau “xả hơi” đi chơi chợ. Được cái dù sao lính Hà Nội cũng có “điều kiện” hơn nên anh em rủ nhau cùng mua thuốc lá hút chung. Lính Hà Nội được cái ăn nói khéo mồm nên dần dần tình cảm trong đơn vị trở nên gần gũi. Thì cùng là lính chốt với nhau, đêm đông còn rủ ngủ chung cho ấm.

Những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ luôn mang trong mình tinh thần sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc

Những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ luôn mang trong mình tinh thần sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc

Nhiệm vụ của “Người đưa thư”

Tôi tuy ở dưới tiểu đoàn, nhưng thường hay lên trung đoàn bộ chơi. Chẳng là ở đó có Thượng úy Quang là bác sĩ, Chủ nhiệm quân y Trung đoàn, người “cao tuổi” nhất trong số những chiến sĩ người Hà Nội. Bác sĩ Quang quê ở xã Dương Quang (Gia Lâm) có vợ cũng là bác sĩ, nhà ở phố Hàng Rươi, nên anh em coi là anh cả. “Anh cả Quang” khá chan hòa, là trung tâm cho cánh lính Hà Nội. Thằng nào có khúc mắc với thằng nào là “anh cả Quang” đứng ra giải quyết đâu vào đây. Nói thực, vì là con người nên ai chẳng có cá tính riêng, đôi khi chuyện cá tính tưởng nhỏ hóa ra lại không hề nhỏ.

Tôi nhớ thằng Hải nhà ở phố Hàng Cót là lính mới nhưng đồng trang lứa với tôi. Nó đã đi làm công nhân, lại đã có vợ rồi nên xưng hô với tôi kiểu “ông - tôi” chứ không phân biệt chỉ huy với cấp dưới. Thằng Hải khá chững chạc, có khi còn chững chạc hơn cả tôi vì hồi đó tôi chưa có vợ. Thế là chuyện tìm hiểu cô bạn nhà ở “phố bên kia” của tôi đều do thằng Hải mách nước. Ví dụ như nhân thằng Nam nhà ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ được “về tranh thủ” ít ngày, Hải nói với tôi: “Ông nhờ thằng Nam mua giúp bó hoa, nhớ là hoa hồng đỏ ấy, rồi bảo nó mang đến nhà cô ấy nói là anh Văn gửi tặng nhân ngày sinh nhật”.

Dĩ nhiên thằng Nam “chấp hành mệnh lệnh”, thậm chí chấp hành trên cả yêu cầu nữa. Nó mua được bó hoa chừng chục bông hồng đỏ thắm, bọc thêm giấy bóng kính rồi đạp xe đến nhà cô bạn của tôi. Còn nói gì nữa, mưu của thằng Hải cộng với sự tận tâm của thằng Nam đã giúp tôi ở tít trên chốt biên giới xa xôi mà “cưa” đổ cô gái Hà thành có mái tóc dài đen nhánh. Nàng xúc động thật sự khi thấy chú bộ đội Nam ôm bó hoa hồng đỏ đến nhà và nói là quà của tôi tặng sinh nhật. Rồi sau đó ít ngày, tôi nhận được thư của nàng do chính thằng Nam cầm lên đơn vị. Cuối thư cô ấy viết: “Anh cứ yên tâm công tác”.

Người cha lên thăm và động viên con trai đang giữ chốt biên giới của tỉnh Cao Bằng, tháng 2-1979

Người cha lên thăm và động viên con trai đang giữ chốt biên giới của tỉnh Cao Bằng, tháng 2-1979

Ngày xưa của lính

Cách đây chừng hơn chục năm, có lần tôi dừng xe máy ở chắn tàu đầu phố Khâm Thiên. Khi bỏ mũ bảo hiểm xuống để chỉnh lại dây đeo thì nghe tiếng gọi toáng lên, tôi giật mình nhìn và nhận ra thằng Bích. Bích nhà ở phố Yết Kiêu, bẵng đi thời gian khá dài mà chúng tôi vẫn nhận ra nhau. Rồi Bích rủ tôi về nhà chơi, như nó nói là: “Em sẽ giới thiệu là em và anh từng “nằm” cùng nhau trên chốt cho vợ em nó nể. Vì mỗi khi kể chuyện biên giới ngày xưa, nó cứ gạt đi và bảo, chuyện lính tráng có gì hay mà suốt ngày nhắc”.

Thế là tôi tới chơi nhà thằng Bích. Vợ nó bấy giờ ngồi im nghe chúng tôi nói chuyện trên chốt ngày xưa mà cứ “mắt tròn mắt dẹt”. Vợ Bích xưa nay cứ nghĩ đơn giản về chồng rằng, có mấy năm ở lính thì kỷ niệm làm gì mà sâu sắc lắm đâu. Chúng tôi ôn lại cả những trò nghịch ngợm hồi còn trai trẻ, chuyện giữa trưa hè rủ nhau đi tắm ở bờ sông Tiên Yên ngay dưới chân đồi nơi đóng quân. Khi đó lòng sông cạn khô, trơ ra một dải đá cuội dài. Để tới chỗ có nước, chúng tôi phải dò dẫm trên những tảng đá trơn trượt.

Đâu ngờ giữa cái nắng chang chang chợt dòng nước chững lại, rồi thấy đàn cá nháo nhác bơi ngược dòng. Tôi kịp hô to “lũ về”, rồi mấy thằng trần như nhộng lập tức chạy thục mạng. Lên tới bờ thì từ thượng nguồn lũ ống đổ về ầm ầm, dòng nước đỏ ngầu chênh với mặt sông phải cả mét. Hú vía. Đến khi “hoàn hồn” chúng tôi nhìn nhau rồi lăn ra cười sằng sặc vì thằng nào thằng nấy vội quá đều không kịp… mặc quần. Chúng tôi đành đi lom khom, hai bàn tay chụm lại che chắn “chỗ hiểm” và len lén về lán tìm quần áo để mặc.

Hôm rồi, tôi tình cờ rẽ qua phố Hàng Thiếc và sực nhớ ra nhà thằng Hùng ở đó. Tôi ghé vào hỏi thăm thì gặp ngay em trai Hùng. Cậu em bảo: “Anh Hùng vừa đi. Các anh không nhận ra nhau à?”. Tôi cười chống chế: “Đang ngó nghiêng nên anh không để ý”. Cậu em chép miệng: “Vừa rồi em thấy anh Hùng cùng “mấy anh hổi còn ở lính” rủ nhau đi thăm chiến trưởng xưa. Các anh ấy nói chuyện bây giờ thay đổi nhiều quá, chẳng nhận ra hồi xưa mình đóng quân trên quả đồi nào nữa. Nhưng ai cũng bồi hồi lắm. Đúng là kỷ niệm ngày trên chốt chẳng bao giờ quên được”.

Tin đọc nhiều