Nghĩ bên tờ lịch cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Tờ lịch cuối cùng bần thần thương nhớ/ Tay chạm vào mà chẳng nỡ rời xa/ Chầm chậm thôi chờ xuân ghé hiên nhà/ Ru tạm biệt những buồn vui năm cũ” - tôi lúc này cũng đang có cảm giác “bần thần” giống như tác giả Phương Quỳnh vậy.

Những suy tư từ quá khứ

Đứng trước tờ lịch của ngày cuối cùng trong năm, thật có bao điều suy nghĩ. 365 ngày đã trôi qua ngỡ như một chuyến tàu tốc hành vậy, đành rằng đã biết trước chuyến tàu ấy sẽ dừng lại vào thời khắc đó, vậy mà vẫn cứ bâng khuâng.

Mới ngày nào mở tờ lịch đầu tiên với bao ước muốn, thế mà 1 năm đã đi qua, nhanh thật! Khi tôi vào học cấp 2, buổi sáng đầu tiên đến lớp, bố gọi tôi dậy sớm hơn mọi ngày. Bố giúp tôi mặc quần áo, chuẩn bị sách vở, xong xuôi ông tôi dẫn tôi đến trước tấm lịch (loại xé hàng ngày) bảo: “Từ hôm nay, trước khi đi học bố giao “nhiệm vụ” cho con là xé tờ lịch cuối”. Tôi là lạ bèn hỏi lại: “Sao phải làm vậy hả bố?”.

Bố xoa đầu tôi giảng giải: “Con đã lớn. Khi đứng trước tờ lịch ngày mới, con sẽ biết hôm nay phải làm gì. Ví dụ như sáng đi học, chiều về làm bài tập. Nhưng điều quan trọng là con sẽ có những dự định trong ngày như thế nào”. Từ đó tôi làm theo lời chỉ giáo của bố. Đứng trước tờ lịch ngày mới, tôi tự nhiên chỉnh lại áo quần, kiểm tra sách vở đã đủ chưa. Và trong đầu tôi lóe lên ý nghĩ, hôm nay mình có gì khác so với hôm qua?

Ngày cuối cùng của năm, bố lại dẫn tôi đến đứng trước tờ lịch. Trước khi tôi giơ tay xé tờ lịch ngày hôm qua, bố tôi hỏi: “Năm cũ sắp hết, năm mới sắp đến, con có ý nghĩ gì?”. Tôi ngập ngừng: “Con mong năm mới tới con sẽ lớn và sẽ....”. Bố tôi im lặng chờ đợi. Sau ít giây suy nghĩ tôi nói tiếp: “Con sẽ đi bộ đội đánh Mỹ”. Bố cười rồi bảo tôi đứng dựa vào tường: “Để bố đánh dấu xem con đã lớn thế nào. Khi nào học xong phổ thông và đủ tiêu chuẩn thì con hoàn toàn có thể viết đơn xin nhập ngũ”. Thế là ngày qua ngày, mỗi khi xé tờ lịch ngày hôm qua, tôi kiễng chân thầm nhủ xem mình đã lớn chưa. Có lần bố tôi còn bảo: “Mỗi tháng con được Nhà nước cấp bán cho 13 cân gạo (hồi đó mọi người còn ăn gạo sổ), vị chi 1 năm con đã ăn hết gần 1,4 tạ gạo. Hãy cố gắng ăn khỏe, học tốt, rèn luyện thể lực để còn đánh giặc”.

Hà Nội những ngày cuối năm gói gọn trong 2 từ “thanh bình”

Hà Nội những ngày cuối năm gói gọn trong 2 từ “thanh bình”

Năm tháng trôi qua như một chuyến tàu dài, cho đến tận bây giờ việc xé lịch hàng ngày tôi vẫn làm thường xuyên. Mỗi lần xe tờ lịch ngày cũ, nhất là khi xé tờ lịch ngày cuối năm, trong lòng tôi lại bồi hồi. Một năm đã hết, mình đã làm được những việc gì, còn những việc gì chưa làm xong và sẽ có những việc gì cần làm tiếp? Thế là trong đầu tôi nảy lên nhưng ý nghĩ về tương lai ngày mới và trong lòng rạo rực hy vọng, niềm tin. Tờ lịch cuối năm bao giờ cũng có gì đó rất hệ trọng, nó nói cho ta biết qua 1 năm với bao bận rộn, bao lo toan và bao công sức bỏ ra thành quả thu lại có tương xứng hay không?

Qua 1 năm đã thu lượm được những gì cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội? Tờ lịch cuối cùng thường gợi nhiều cảm xúc, gợi ý cho nhiều suy nghĩ bởi đây là hình ảnh mang tính biểu tượng cao. Lịch là phát minh vĩ đại của con người để đếm thời gian, biết tháng ngày đang trôi đi ra sao. Độ dài ngắn của một đời người nhờ đó cũng được nhận biết một cách rõ ràng, có sự so sánh giữa các khoảng thời gian khác nhau. Tờ lịch cuối cùng là dấu mốc năm cũ qua đi, năm mới đang tới. Tại thời điểm ấy, trong lòng mỗi con người ít nhiều đã có những bâng khuâng. Với những nhà thơ giàu xúc cảm, tờ lịch cuối cùng lại càng gợi cho họ nhiều suy nghĩ về cuộc đời, nhân tình thế thái và những quy luật của thời gian.

Niềm tin của ngày mai

Lịch thì phải xé cũng như thời gian cứ thế trôi không thể níu giữ được, nhưng tại sao nhiều người lại chẳng đành trước tờ lịch cuối cùng? Tôi chợt nhớ đến bài thơ “Tờ lịch cuối cùng” của nhà thơ Đặng Vương Hưng: “Bao nhiêu ngày tháng rụng rơi/ Chẳng ai níu giữ được thời gian đi/ Sáng nay một thoáng vân vi/ Để nguyên không được, bỏ đi chẳng đành/ Chỉ là tờ giấy mỏng manh/ Giơ tay bóc hết là thành một năm”.

Tôi bước ra phố, dường như đường phố ngày cuối năm đông đúc hơn, hối hả hơn và ai ai cũng đang có cho mình những dự định mới mẻ. Tôi bâng khuâng nghĩ ngợi, mới đó thôi mà đã lại hết một năm rồi. Thời gian mãi vô tình, chẳng bao giờ chịu dừng lại để chờ đợi ai. Chỉ chúng ta vẫn luôn mải miết. Kẻ thong dong tận hưởng hành trình, kẻ hộc tốc bám đuổi, người hụt hẫng chậm trễ với gọi theo. Giơ tay nhận cốc trà nóng của chị bán nước chè trên vỉa hè, tôi như đang cảm nhận “cái nóng hổi” của một chuyến tàu thời gian đang lẳng lặng trôi qua. Bất chợt tôi nghĩ, vậy năm qua, mình là kẻ rượt đuổi, thong dong hay lỡ dở trên chuyến tàu ấy? Thật khó để cắt nghĩa, đưa ra một câu trả lời xác đáng, thỏa mãn được chính mình. Những phản biện tự tâm cứ thế xô đổ lý lẽ vừa vụt hiện.

Những sắc màu tươi sáng của năm mới

Những sắc màu tươi sáng của năm mới

Ngày cuối cùng của năm 2024 đang chầm chậm tới, tôi thấy trong lòng mình dấy lên bao xúc cảm, những xúc cảm ấy cứ miên man, cứ chộn rộn trong lòng. Ngước mắt nhìn lên vòm cây trên phố, mới đó thôi, cơn bão Yagi quét qua Hà Nội hồi tháng 9 vừa qua tưởng như đã “hủy diệt” cây lá phố phường. Vậy mà không, sau cú chấn động ấy, người Hà Nội đã làm lại sau đổ nát. Những hàng cây trên phố đã xanh tươi trở lại. Nhưng thân cây đã nảy chồi, đơm lá, phố phường lại xanh thắm. Và người Hà Nội đã vượt qua chính mình để xanh thắm hơn. Và tôi nghĩ, phải chăng cỏ cây cũng chung niềm khát khao vươn tới mà bình tĩnh vượt qua thiên tai.

Năm mới 2025 đã “gõ cửa”, chúng ta thong dong hay vội vã? Chào năm cũ để tiếp tục nhen nhóm những dự định, kế hoạch, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bước vào năm mới, khởi đầu mới. Như câu thơ của Phương Quỳnh đã viết: “Xin gửi lại những dở dang ấp ủ/ Một năm qua nhiều bận rộn lo toan/ Năm mới chờ ta với sức sống căng tràn/ Bao ước mơ niềm vui chờ phía trước”.

Tin đọc nhiều