- Kinh doanh qua Facebook phải đăng ký?
- Không có quy định bán hàng qua facebook phải nộp thuế
- Bán hàng trên Facebook và bình luận "chân gỗ"
Trong đợt đầu tiên, Cục Thuế TP.HCM đã gửi thư mời gần 13.500 chủ tài khoản bán hàng trên mạng xã hội đến làm việc về kê khai, nộp thuế. Tuy nhiên, thông tin từ các chi cục thuế trên địa bàn cho thấy rất nhiều chủ tài khoản né tránh, không đến làm việc. Việc thu thuế đối với hoạt động bán hàng trên mạng xã hội được cho là sẽ còn rất nhiều khó khăn nhưng cơ quan thuế cho biết sẽ sử dụng các biện pháp mạnh hơn nếu người bán hàng không tự giác kê khai.
Cần xây dựng các công cụ để quản lý doanh thu bán hàng online
Khó xác định doanh thu
Gửi thư mời các chủ tài khoản mạng xã hội lên phổ biến, tuyên truyền và yêu cầu kê khai nộp thuế nhưng không nhận được phản hồi hoặc nếu có phản hồi thì né tránh, cho rằng doanh thu rất thấp nên không kê khai. Thậm chí, khi cơ quan thuế kiểm tra thì phát hiện nhiều địa chỉ kinh doanh được đăng trên mạng chỉ là địa chỉ ảo... Đây là những khó khăn mà các chi cục thuế trên địa bàn TP.HCM đang gặp phải trong những ngày đầu triển khai thu thuế bán hàng online.
Đây là những khó khăn mà cơ quan thuế cũng như các chuyên gia đã lường trước. Thậm chí, nhiều người bán hàng trên mạng cũng cho rằng cơ quan thuế sẽ khó xác định doanh thu bán hàng trên mạng do hầu như họ không để lại các dấu vết về doanh thu.
Chị Nguyễn Quỳnh Như, một người bán mặt hàng mỹ phẩm nguồn gốc thảo dược trên facebook chia sẻ, dù Hà Nội chưa có kế hoạch thu thuế đối với hoạt động bán hàng qua mạng, nhưng chị vẫn băn khoăn về việc cơ quan thuế sẽ làm thế nào để xác định được doanh thu của người bán hàng trên mạng.
“Các đơn đặt hàng của khách hầu hết gọi điện hoặc nhắn tin. Nếu có để lại bình luận trên mạng thì chủ tài khoản cũng dễ dàng xóa hoặc ẩn đi. Còn việc bán và thu tiền hiện nay chủ yếu chúng tôi thực hiện qua đội ngũ giao hàng, thu tiền trực tiếp, không có hóa đơn, chứng từ. Vậy căn cứ đâu để cơ quan thuế xác định doanh thu hàng tháng?” - chị Như nói.
Dù đồng ý với chủ trương thu thuế bán hàng online, nhưng chị Triệu Linh Giang, một người chuyên bán và nhận đặt các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm cao cấp nước ngoài cho rằng cơ quan thuế cần nghiên cứu để việc thu thuế đảm bảo công bằng, bình đẳng.
“Hiện nay, theo tôi được biết những người bán hàng có doanh thu trên 100 triệu đồng sẽ phải nộp thuế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải cứ doanh thu cao thì lợi nhuận cao. Chẳng hạn, có những người bán hàng thời trang nhập khẩu Trung Quốc mỗi sản phẩm giá bán cao gấp 2-3 lần giá nhập, lợi nhuận rất lớn nhưng doanh thu lại thấp. Trong khi như tôi, nhập khẩu một sản phẩm giá có thể lên tới hàng chục triệu đồng nhưng cũng chỉ có thể lấy công đặt hàng hộ khách một mức nhất định. Vậy cứ tính mức doanh thu 100 triệu đồng thì không ổn”, chị Giang cho biết.
Công cụ nào để quản lý?
Thừa nhận những khó khăn trong việc thu thuế đối với bán hàng qua mạng, đại diện Tổng cục Thuế cho biết khi ngành thuế phát đi thông báo mời các cá nhân lên làm việc, có những cá nhân hợp tác khá tốt nhưng không ít cá nhân không hợp tác. Thậm chí có những cá nhân còn có thái độ thách thức ngành thuế thu được thuế của họ. Tổng cục Thuế cho rằng sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ để những cá nhân này tự nguyện kê khai, nộp thuế. Nếu vẫn chưa tự nguyện thì cơ quan thuế sẽ tính đến việc phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước dùng những biện pháp “mạnh” khác như khóa tài khoản facebook.
Nhiều người cho rằng với thực tế hiện nay, việc xác định mức doanh thu để yêu cầu người bán hàng online nộp thuế sẽ chủ yếu dựa vào... sự tự nguyện của người bán hàng vì chúng ta đang không có một công cụ nào để kiểm soát các giao dịch buôn bán trên mạng xã hội.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, chỉ khi nào chúng ta xây dựng được một công cụ, chẳng hạn như một phần mềm để quản lý bán hàng trên facebook thì lúc đó mới có thể quản lý được doanh thu của người bán hàng. Dù sao, ông Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc có quy định thu thuế bán hàng qua mạng là cần thiết, từ quy định đó sẽ có các biện pháp và xây dựng công cụ để quản lý.