Bán hàng trên Facebook và bình luận "chân gỗ"

ANTD.VN - Bán hàng qua mạng xã hội, đặc biệt là Facebook đang ngày càng trở nên phổ biến do những tiện ích của nó mang lại. Tuy nhiên, do tính chất khó xác thực thông tin nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để bán hàng kém chất lượng, lừa đảo người tiêu dùng, trong khi cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Người bán… ở đâu?

“Khách đặt hàng nhiều đến nỗi tôi phải thức đến 3h sáng để trả lời tin nhắn. Mẫu này vừa về được 2 ngày đã cháy hàng, tôi phải cố gắng mãi mới lấy được thêm 15 chiếc, vì vậy các chị nhanh tay đặt hàng còn kịp...”. Đây là lời quảng cáo chiếc váy trên một trang fanpage Facebook mà chị Nguyễn Thị Hải Anh (Định Công, Hoàng Mai) vừa lướt thấy.

Chiếc váy có hình thức đẹp, giá cả phải chăng, lại nghe nói chỉ còn đúng 15 chiếc nên chị không ngần ngại đặt hàng. Chỉ ngày hôm sau, chị nhận được điện thoại của người giao hàng. Tuy nhiên, mở túi hàng vừa nhận ra xem thử, chị Hải Anh giật mình khi thấy chiếc váy chẳng hề đẹp như trên mạng.

Chất liệu thì nhão, màu sắc nhợt nhạt chứ không hề sang trọng như ảnh trên mạng, đường may lỏng lẻo như hàng chợ. Chị yêu cầu trả lại hàng thì người đưa hàng nói anh ta chỉ là người vận chuyển và đã ứng tiền ra khi nhận hàng nên: “Thông cảm giúp em”. 

Dù bực nhưng không thể trả lại hàng, chị đành ấm ức cầm áo lên và định bụng vào trang fanpage bán hàng này để phản ánh cho bõ tức. Khi tìm lại fanpage có tên “Thời trang đẹp...”, chị mới phát hiện ra lời quảng cáo trên được sử dụng cho mọi sản phẩm mà trang này bán.

Trên trang cũng không có địa chỉ của cửa hàng, lượng bình luận nhiều nhưng đa phần ở dạng ẩn, chỉ một số bình luận đặt hàng và khen được để công khai. Nhưng khi xem kỹ hơn thì thấy những bình luận này xuất hiện lặp đi lặp lại ở nhiều bài viết bán hàng, chứng tỏ đây là bình luận của “chân gỗ”... Chị để lại một bình luận phản ánh sự việc của mình, nhưng chỉ vài phút sau quay lại đã thấy bị xóa mất.

Trường hợp của chị Hải Anh khoản tiền mất không lớn và ít ra còn nhận được hàng. Trong khi thực tế còn có những trường hợp người mua bỏ tiền triệu nhưng hàng không thấy đâu. Chị Ngô Bảo H. (khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai) cho biết, chị đặt mua 2 đôi giày tại một cửa hàng thời trang… Boutique (vốn là tên một cửa hàng thời trang mà trước đây chị từng mua) với giá hơn 3 triệu đồng. 

Sau khi chuyển khoản, chị H nhận được lời hứa sau 3 ngày sẽ giao hàng, nhưng chờ 1 tuần vẫn không thấy đâu. Chị gọi điện lại số điện thoại bán hàng thì người này khẳng định đã chuyển hàng đi và nói chị chờ thêm ít ngày. Thế nhưng thêm 3 ngày nữa không nhận được hàng, chị gọi lại thì điện thoại đã chặn số, vào fanpage bán hàng hóa ra cũng đã bị chặn cả 

Facebook. Bức xúc, chị đến cửa hàng thời trang có cùng tên, nhưng nhân viên ở đây khẳng định không bán hàng qua fanpage nói trên mà đây là fanpage giả mạo.

Dễ… lừa đảo

Hiện các mạng xã hội như Zalo, Facebook... đang trở thành kênh bán hàng tiện lợi, hữu hiệu, đặc biệt là cho những người buôn bán nhỏ lẻ. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là người bán hàng có thể làm được mọi thứ, từ chụp ảnh, đăng thông tin, chạy quảng cáo, tư vấn khách hàng, nhận đơn đặt hàng... Tuy nhiên, thông tin trên mạng có tính chất khó xác thực nên thời gian qua không ít chuyện dở khóc dở cười xảy ra với người mua hàng. 

Tháng 9-2016, cộng đồng mạng chứng kiến một clip nhiều khách hàng phóng xe từ Hà Nội xuống tận Quảng Ninh bắt tại trận chủ nhân của một gian hàng chuyên bán thời trang trên Facebook. Người này đã phải xin lỗi, thừa nhận việc nhận tiền, không trả hàng; trả hàng không đúng với cam kết, đồng thời phải viết giấy cam kết trả lại toàn bộ số tiền đã lừa đảo của hàng loạt các khách hàng.

Cơ quan cảnh sát điều tra cũng từng phá nhiều chuyên án, bắt giữ các đối tượng lừa đảo bán hàng online, có vụ lên đến hàng tỷ đồng. Như vụ việc 2 đối tượng Nguyễn Văn Đô và Trần Ngọc Tây (đều trú Quảng Ngãi) đã bị bắt khẩn cấp. Các đối tượng đã dùng thủ đoạn tinh vi lừa đảo nhiều nạn nhân trên cả nước bằng hình thức rao bán hàng trên mạng với giá rẻ.

Khi có khách, những đối tượng này yêu cầu trả trước tiền từ 50 - 70% tiền hàng, sau đó, chúng tạo ra các hóa đơn đã chuyển hàng để buộc nạn nhân giao hết số tiền còn lại. Để nhận tiền, các đối tượng sử dụng CMND nhặt được hoặc mua ở cửa hàng cầm đồ dùng mở tài khoản rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào, có tài khoản số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Hay hồi tháng 10, cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã bắt Trần Xuân Đông để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cơ quan điều tra, Đông đã sử dụng nhiều tài khoản trên mạng xã hội Facebook để đăng tải hình ảnh quần áo thời trang mẫu mã đẹp với giá rẻ hơn nhiều nơi.

Người có nhu cầu mua hàng thường trao đổi, thỏa thuận giá rồi chuyển tiền vào tài khoản cho Đông. Khi nhận được tiền, nam thanh niên này cắt đứt liên lạc với khách. Với thủ đoạn trên, từ cuối năm 2015 đến khi bị bắt, Đông đã chiếm đoạt 400 triệu đồng của hơn 50 nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành.

Loạn… quảng cáo 

Qua những vụ việc khách hàng bị lừa đảo khi mua hàng trên Facebook có thể thấy, việc quản lý hoạt động bán hàng qua mạng xã hội là vô cùng khó khăn. Không những thế, với các hình thức bán hàng khác, nếu người bán hàng không đảm bảo thì sẽ nhanh chóng bị mất uy tín, bị tẩy chay nhưng với bán hàng qua facebook thì người bán có thể dễ dàng sử dụng nhiều chiêu lừa đảo khiến người mua không biết đâu mà lần. Đơn giản như một người có thể lập hàng loạt trang bán hàng khác nhau với các thông tin giả mạo để lừa đảo khách hàng.

Đặc biệt, quảng cáo trên các trang mạng xã hội không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan nào. Người bán hàng chỉ cần bỏ một khoản tiền ra là có thể quảng cáo bất cứ sản phẩm gì mà mình bán, không có ai kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa, các giấy tờ cần thiết, thậm chí không cần có thông tin về người bán hàng, địa chỉ bán hàng... 

Anh Trịnh Đức Bình, nhân viên một công ty quảng cáo trực tuyến cho biết, với sự phát triển của công nghệ, doanh nghiệp nhỏ, thậm chí người bán hàng nhỏ lẻ cũng dễ dàng trở thành một nhà quảng cáo cho chính sản phẩm của mình chỉ với một chiếc điện thoại, máy tính và chiếc thẻ ngân hàng mà không cần liên hệ qua các công ty cung cấp dịch vụ truyền thông trung gian.

“Ví dụ hình thức mua quảng cáo trên Facebook, bạn chỉ cần lập  một fanpage, thiết kế fanpage đó sao cho hấp dẫn, sau đó ngồi một chỗ, tự chọn lựa hình thức quảng cáo phù hợp, chọn khung giờ và định mức ngân sách, đối tượng tiếp cận... cho việc quảng cáo của mình và có thể dừng quảng cáo bất cứ lúc nào nếu thấy không hiệu quả. Chi phí quảng cáo sẽ được khấu trừ qua các thẻ thanh toán mà không phải đi bất cứ đâu. Đó chính là hình thức quảng cáo tự đăng - tự quản (self-serving ads) đang rất phổ biến hiện nay thông qua các phương tiện như quảng cáo bằng “từ khóa” của Google, hay quảng cáo trên mạng xã hội Facebook” - anh Bình cho biết. 

Khách hàng tự… bảo vệ

Trước các vụ lừa đảo bán hàng qua mạng đang ngày càng gia tăng, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã đưa ra cảnh báo về một số hình thức lừa đảo phổ biến như: các đối tượng thường yêu cầu đóng, đặt trước một khoản tiền để mua hàng giá rẻ. Đây là thủ đoạn lừa đảo đang có xu hướng phát triển và lan rộng.

Các đối tượng lập các tài khoản trên các diễn đàn rao vặt, đăng thông tin có nội dung nhận đặt hàng gửi về từ nước ngoài, giá rẻ hơn nhiều so với hàng công ty; sau đó yêu cầu khách hàng có nhu cầu đóng trước một khoản tiền để đặt cọc và chờ ngày hàng về; khi số tiền đã đủ lớn thì xóa tài khoản, thông tin cá nhân và không thực hiện trả hàng như đã cam kết.

Trong khi đó, thông qua một số phản ánh của người tiêu dùng bị lừa đảo khi mua hàng qua facebook, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng chỉ biết đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình, như: Cân nhắc kỹ càng trước giá cả và nguồn gốc của sản phẩm; Khi xảy ra tranh chấp mà không thể liên hệ với người bán, người tiêu dùng nên để lại đánh giá trên các trang Facebook bán hàng, trong đó nêu rõ vụ việc của mình...

Quan trọng nhất, do tính chất đặc biệt của việc bán hàng qua Facebook, người tiêu dùng nên tham khảo kỹ từ nhiều nguồn và lựa chọn nơi uy tín để giao dịch.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico thì với số tiền lên đến hàng triệu đồng đã đủ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vì vậy, nạn nhân có thể làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Trong trường hợp đã chuyển tiền, cần nhờ cả phía ngân hàng phối hợp tra soát và hủy giao dịch.