Nhiếp ảnh gia Andy Nguyễn: Bậc thầy "săn ảnh" động vật hoang dã

ANTĐ - Nếu gọi “săn ảnh” là sự lao động nghệ thuật với đủ yếu tố thử thách và hiểm nguy thì sự nghiệp của Andy Nguyễn, một trong những nhiếp ảnh gia xuất sắc nhất trên thế giới hiện nay về ảnh nghệ thuật hoang dã (wildlife), là minh chứng rõ ràng nhất. Chúng tôi có cơ may gặp được anh trong lần hiếm hoi trở về Việt Nam để chuẩn bị cho triển lãm “Sải cánh hoang dã”. 

Nhiếp ảnh gia Andy Nguyễn: Bậc thầy "săn ảnh" động vật hoang dã ảnh 1

Từng suýt làm mồi cho cá sấu

Thoạt nhìn dáng vóc nhỏ bé, khuôn mặt hiền hiền, dễ mến như Andy Nguyễn, không mấy ai nghĩ anh làm công việc nặng nhọc và “dữ dội” như vậy - chụp ảnh hoang dã. Gọi là “dữ dội” vì theo lời kể của Andy Nguyễn, cánh “thợ săn ảnh” thường xuyên thức dậy trước bình minh, đi xuyên rừng với bộ máy móc nặng hàng chục kg, đầm mình dưới nước hay chịu đựng cái lạnh buốt dọc sống lưng hàng giờ đồng hồ để cho ra đời những tấm ảnh đẹp. Trong đó có cả việc làm bạn với những tình huống nguy hiểm, đe dọa mạng sống.

Với một người có hơn 30 năm làm nhiếp ảnh chuyên nghiệp tại Bắc Mỹ, đã đặt chân đến những vùng đất bất trắc nhất trên thế giới như Andy Nguyễn cũng từng có lúc đối mặt với thời khắc “đứng tim”. “Khi bạn đang lội xuống đầm lầy để chụp những con cò, thì một con cá sấu Florida khổng lồ bò đến đằng sau, chỉ cần 1 giây bạn tỏ ra hoảng hốt là có thể bạn đã làm mồi cho cá sấu. Hay khi bạn cắm trại một mình giữa cánh rừng châu Phi, đêm đêm làm bạn với tiếng gầm gào của những con sư tử, nghe chúng ngấu nghiến nhai xương, róc thịt con mồi”, Andy Nguyễn chia sẻ. “Động vật không phải là thú dữ, nó sẽ không tấn công bạn nếu bạn không kích thích bản tính hoang dại trong chúng. Nếu không hiểu được những đặc tính của từng loài động vật và có kiến thức sinh tồn thì tôi không nghĩ mình sẽ làm được nghề này” - nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt tâm sự.

Chẳng những bị các loài thú hoang rình rập, Andy Nguyễn không ít lần suýt phải bỏ mạng tại những nơi rừng thiêng nước độc. Anh kể từng lái xe nhiều cây số trên những đoạn đường hiểm trở bậc nhất ở Costa Rica, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, giữa lớp sương mù dày đặc và mưa xối xả sau một cuộc đi “săn ảnh”. Hay từng đứng bất động 6 tiếng đồng hồ trong cái lạnh tới -30 độ C ở Bắc Cực để ghi lại hình ảnh những chú gấu hay chồn trắng ở nơi đây. Chẳng thế mà, người ta nói chụp ảnh hoang dã là thử thách khó nhất đối với người cầm máy.  

Chuyên gia chụp ảnh các loài chim

Là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, Andy Nguyễn có những nguyên tắc của riêng mình. Khi chụp ảnh, anh chỉ sử dụng hoàn toàn ánh sáng tự nhiên, không lệ thuộc vào máy móc cũng như nhờ cậy tới kỹ thuật chỉnh sửa ảnh. Khi xem những bức ảnh của Andy Nguyễn, người ta có thể thấy những góc nhìn rất “độc”, bởi anh không những có khả năng phán đoán và đọc tình huống rất nhạy bén mà còn rất giỏi trong việc chớp được khoảnh khắc xuất thần. Trong giới ảnh nghệ thuật hoang dã, Andy Nguyễn được tôn vinh như là bậc thầy chụp ảnh các loài chim.

Khác với những động vật như voi, gấu, một số loài thú… thường chậm chạp và ưa tĩnh, để chụp các loài chim đòi hỏi kỹ thuật cực kỳ khó. Chúng bay rất cao và di chuyển với tốc độ nhanh nên đòi hỏi người chụp phải chọn vị trí tốt và phản ứng cực kỳ mau lẹ. “Golden Fly-by” bức ảnh đưa anh trở thành nhiếp ảnh gia gốc Việt đầu tiên được vinh danh BBC Wildlife Photographer of the Year (2009) là một khoảnh khắc như thế. “Lúc đó tôi ở California. Tôi quan sát được một đàn vịt trời đang ăn ở dưới nước cách tôi 150m, sau hành trình di cư để tránh rét. Có một tiếng động đột ngột vang lên và chúng bay về phía tôi. Khi tôi giương máy chụp thì thấy đôi vịt trời đang bay sóng đôi, trong ánh nắng chiều bộ lông của chúng óng lên rất đẹp” - anh nhớ lại.

Những bức ảnh ấn tượng về thế giới động vật hoang dã 

Bên cạnh “Golden Fly-by”, nhiếp ảnh gia này cũng có vô số tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế và một trong số đó đã được ghi danh trong “ngôi nhà huyền thoại” 101 bức ảnh đẹp nhất trong lịch sử của National Geographic. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cực kỳ đắt giá khi một con chim vặn cổ để gắp một con cá trên mặt nước là một trong những bức ảnh đáng được chờ đợi nhất tại triển lãm “Sải cánh hoang dã”, được giới thiệu tới công chúng vào ngày 5-8 tại tổ hợp nghệ thuật Hanoi Creative City. 

Nếu thấy cảnh Andy Nguyễn dậy sớm, miệt mài đi bộ vòng quanh hồ Hoàn Kiếm mới thấy sự lao động nghệ thuật trong anh nghiêm túc thế nào. Với một nhiếp ảnh gia wildlife, bắt buộc anh phải có thể lực cực kỳ tốt để không bị đánh gục trước bất cứ thử thách nào. Về Việt Nam lần này, với Andy Nguyễn không phải là một cuộc đi chơi xa, mà là cơ hội để anh nối dài con đường của mình và khai thác những góc nhìn mới. Một dự án ảnh thiên nhiên trên chính mảnh đất quê hương đang được anh ấp ủ và hy vọng sẽ giới thiệu tới thế giới trong một ngày không xa.