Nhật Bản gian nan đấu tranh với hoạt động kinh doanh dịch vụ khai thác nữ sinh

ANTD.VN - Vào một đêm thứ tư trên đường phố Kabukicho, khu phố đèn đỏ nổi tiếng nhất Tokyo, người đi lại tấp nập. Ở đó, một phần là khách du lịch, đến để tham quan, chụp ảnh “tự sướng”, nhưng phần nhiều là khách hàng tìm đến những quán bar quanh đây hình ảnh quảng cáo các cô gái trẻ trong trang phục người giúp việc hấp dẫn ngay bên ngoài.

Những biển quảng cáo hấp dẫn trên phố “đèn đỏ” Kabukicho ở trung tâm Tokyo

Với những khu đèn đỏ nổi tiếng ở Tokyo, người ta có thể tìm thấy đủ loại dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từ một người đàn ông đẹp trai dễ khiến bạn khóc cười hay một cô giúp việc xinh xắn rót đồ uống và cười khúc khích trước những câu chuyện tếu táo. Nhưng đặc biệt hơn cả, khách hàng có thể dành thời gian tiêu khiển với nữ sinh, gọi là kinh doanh JK. JK là viết tắt của joshi kosei, với các dịch vụ khai thác nữ sinh, bao gồm trò chuyện bên tách trà, đi dạo trong công viên hoặc có thể là chụp ảnh ở nơi thân mật hơn.

Biến tướng của một hiện tượng đời sống xã hội

Văn hóa Nhật Bản có một hiện tượng tôn sùng quá đáng đối với nữ sinh. Năm 1985, một bài hát mang tên “Xin đừng cởi bỏ đồng phục học sinh của tôi”, do nhóm nữ O-nyanko Club được nhiều người yêu thích khi lên án hiện tượng này. Điểm lại lịch sử, những năm 1990, Nhật Bản nổi lên trào lưu buru sera - mua bán đồng phục, đồ lót và đồ bơi chưa giặt của những cô gái tuổi teen. Tiếp sau, phải kể đến trò hẹn hò được bù đắp - enjo kosai, trong đó đàn ông trung niên hỗ trợ tài chính cho các cô gái tuổi teen để đổi lấy quan hệ tình dục. Đến nay, những hoạt động này trở nên đa dạng hơn và chuyển hóa thành tên gọi chung là kinh doanh JK.

Kinh doanh JK đã trở thành một sản phẩm hấp dẫn cho các quán cà phê, cửa hàng và các cơ sở kinh doanh trực tuyến, với nhiều hoạt động mà phần lớn không phải là buôn bán tình dục công khai. Những cô gái trẻ trong đồng phục học sinh có thể phục vụ khách hàng trong trị liệu bấm huyệt và massage, chụp ảnh hay đơn giản là ngồi gấp giấy nghệ thuật origami, làm đồ trang sức nhưng cố tình “hớ hênh” để lộ đồ lót cho khách hàng tò mò.

“Không có cơ quan nào chính thức cập nhật số liệu về nữ sinh tham gia và những hình thức giải trí khác như thần tượng thiếu niên là ví dụ đáng lo ngại cho việc trẻ em Nhật Bản bị đối xử như thứ hàng hóa tình dục. Cần có một chiến lược toàn diện để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc lợi dụng, khai thác nữ sinh”.

Maud De Boer-Buquicchio (Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về buôn bán và lạm dụng tình dục trẻ em)

“Những người chuyên kinh doanh JK hiện nay thường là đàn ông độ tuổi 20-30”, ông Yumeno Nito thuộc tổ chức từ thiện Colabo, chuyên giúp đỡ các nữ sinh chẳng may bị lôi kéo vào ngành kinh doanh JK nói. “Họ nắm bắt xu hướng rất nhanh nhạy và giỏi trong việc nhận định về tình trạng kinh tế của các cô gái qua trang phục quần áo và trang điểm của họ. Nghèo đói và lòng tự trọng thấp thường là những yếu tố khiến các cô gái trẻ dễ bị sa ngã”.

Trong khi nhiều cơ sở kinh doanh có chính sách “cấm sờ vào hiện vật”, một số nơi cũng cho phép khách hàng đụng chạm. Dù hình thức thế nào thì không thể nói hoạt động này không gây ra tác hại nào. Năm 2016, Maud De Boer-Buquicchio, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về buôn bán và lạm dụng tình dục trẻ em, đã làm dấy lên mối lo ngại về ngành công nghiệp khiêu dâm và kinh doanh JK ở Nhật Bản.

Bà Maud De Boer-Buquicchio nhấn mạnh, không có cơ quan nào chính thức cập nhật số liệu về nữ sinh tham gia và những hình thức giải trí khác như thần tượng thiếu niên là ví dụ đáng lo ngại về việc trẻ em bị đối xử như thứ hàng hóa tình dục. Chuyên gia này cũng kêu gọi một chiến lược toàn diện để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc lợi dụng, khai thác nữ sinh.

 “Chúng ta hầu hết cho phép đàn ông nói rằng: Tôi bị hấp dẫn bởi những cô bé 14, 15 tuổi. Thậm chí trên tivi, diễn viên hài còn nói: Tôi thích hẹn hò với các nữ sinh trung học cơ sở và mọi người cảm thấy vui vẻ với những phát ngôn đó”, ông Shihoko Fujiwara, người sáng lập của Lighthouse, một tổ chức từ thiện đấu tranh chống nạn buôn người ở Nhật Bản bức xúc.

Không phải nữ sinh nhưng cô gái 18 tuổi này mặc đồng phục học sinh để tiếp khách

Khó khăn khi xử lý tận gốc

Luật chống mại dâm Nhật Bản nghiêm cấm hành vi mua bán dâm nhưng trong trường hợp kinh doanh JK, thiếu nữ dưới 18 tuổi tham gia hoạt động mại dâm sẽ tự động bị coi là buôn người, mà Nhật Bản thì chưa có luật chống buôn người. Năm 2017, khi Thế vận hội đang đến gần, cảnh sát Tokyo đã triệt phá nhiều cơ sở kinh doanh JK trên khắp thành phố. Một quy định mới được đưa ra là nơi nào kinh doanh JK phải đăng ký với cảnh sát, cấm tuyển dụng hay phân phối quảng cáo cho các cô gái dưới 18 tuổi và trụ sở kinh doanh phải nằm ngoài phạm vi 200m có trường học, nhà trẻ, bệnh viện hoặc các tòa nhà công cộng khác…

Thanh tra Hiroyuki Nakada, Phó Giám đốc bộ phận hỗ trợ vị thành niên của Cảnh sát Tokyo cho biết, chiến lược của họ đang phát huy hiệu quả nhưng giáo dục trẻ em thoát khỏi cám dỗ, nguy hiểm cũng là điểm mấu chốt bởi “Kiểm soát thôi là chưa đủ”.

Theo ông Nakada, nhờ các quy định mới chặt chẽ hơn, chỉ có 3 cửa hàng đã bị truy tố và phạt tiền vào năm ngoái. “Trong 2 năm qua, chúng tôi đã không còn thấy những cô gái tuổi vị thành niên làm việc trong các cửa hàng JK, chỉ toàn là những người đã trưởng thành mặc đồng phục nữ sinh để phục vụ”, ông Nakada nói.

Tuy nhiên, các chủ kinh doanh vẫn tìm cách lách luật, từ mở cơ sở trong vỏ bọc khác đến chuyển sang hoạt động trực tuyến, tránh công khai bằng các cửa hàng hay quán cà phê. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, ngành kinh doanh JK đã tìm được mảnh đất mới trên truyền thông xã hội, họ đăng quảng cáo trên blog, Twitter, Line nên sẽ khó khăn cho việc phát hiện, xử lý.

Bởi thế, muốn đấu tranh với hiện tượng này, cần chú ý nhiều hơn đến người sử dụng dịch vụ và cố gắng thay đổi quan điểm của một xã hội chấp nhận các nữ sinh như một trò mua vui. “Không chỉ tập trung vào nạn nhân trẻ em mà cần nhắm cả vào những kẻ phạm tội nữa. Cần phải giáo dục và điều chỉnh người lớn hoặc những người sử dụng dịch vụ này hơn là giáo dục trẻ em”, ông Shihoko Fujiwara nói. 

Một vấn đề lớn khác là giáo dục giới tính trong các trường học ở Tokyo. Giáo dục giới tính không thể đề cập đến vấn đề giao cấu hay quan hệ tình dục, nhưng lại phải hướng dẫn các biện pháp tránh thai và HIV. Quả là khó nếu muốn dạy điều đó mà không đề cập đến tình dục.

Mặc dù cảnh sát có thể coi việc một số doanh nghiệp JK không còn tuyển dụng những người dưới 18 tuổi là điểm thắng lợi, chuyên gia Yumeno Nito lập luận rằng điều này không chạm đến gốc rễ của vấn đề. Ngay cả khi các cô gái cung cấp dịch vụ JK ở độ tuổi hợp pháp, nó vẫn sẽ tạo ra rủi ro cho nền văn hóa và có sức lan tỏa đến vấn đề tình dục ở trẻ vị thành niên. Việc những người trưởng thành giả vờ là nữ sinh tuổi vị thành niên phục vụ các dịch vụ khiêu dâm bất hợp pháp càng khiến các nữ sinh thực sự dễ bị tổn thương hơn.

 “Một xã hội thương mại hóa những cô gái chưa đủ tuổi trưởng thành giống như một mặt hàng có giá trị cao chắc chắn là có vấn đề”, ông Nito nói. Cho đến khi vấn đề đó được giải quyết, chiếc xe buýt màu hồng của tổ chức Colabo có vẻ vẫn là giải pháp tạm thời mà bền vững, khi nó xuất hiện luân phiên mỗi tuần một lần ở những khu đèn đỏ nhạy cảm của Tokyo để những cô gái lầm lỡ tìm được sự trợ giúp. 

Những tổ chức tình nguyện viên ở đây cũng không khỏi lo lắng về tác động tiềm tàng khi hàng nghìn du khách nước ngoài đổ về tham dự World Cup bóng bầu dục và Thế vận hội Tokyo trong năm tới, để rồi tò mò tìm hiểu những dịch vụ “lạ” tại đây.