Nhật Bản chạy đua với thời gian để cứu 2 con tin

ANTĐ - Chính phủ Nhật Bản ngày 22-1 cho biết, nước này đang nỗ lực hết sức có thể để giải cứu an toàn 2 con tin người Nhật bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc. 

Nhật Bản chạy đua với thời gian để cứu 2 con tin ảnh 12 công dân Nhật Bản Kenji Goto và Haruna Yukawa đang bị IS bắt cóc

Theo ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, nước này đã nhờ các quốc gia liên quan cũng như thủ lĩnh các bộ lạc và tôn giáo hỗ trợ để có thể xác định nơi giam giữ 2 con tin Kenji Goto, 47 tuổi và Haruna Yukawa, 42 tuổi, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được thông tin nào. Như vậy, theo lời đe dọa mà IS đưa ra trong đoạn băng rằng sẽ hành quyết con tin nếu không nhận được 200 triệu USD tiền chuộc trong vòng 72 giờ, Nhật Bản đang phải chạy đua với thời gian khi thời hạn chót là 14h50 hôm nay 23-1 (theo giờ Tokyo) đang đến gần. “Chúng tôi kêu gọi IS không làm hại công dân Nhật và thả các con tin ngay lập tức”, ông Suga nói. 

Cũng theo ông Yoshihide Suga, Chính phủ Nhật Bản đang đối mặt với một tình huống khó khăn nhưng nước này sẽ không bao giờ đầu hàng chủ nghĩa khủng bố. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã cử Thứ trưởng Ngoại giao Yasuhide Nakayama tới Jordan để tìm kiếm hỗ trợ giải cứu con tin. 

Trước đó, công dân Nhật Bản từng bị bắt cóc tại nước ngoài nhưng hầu hết đều được thả. Hiện chưa rõ Nhật Bản đã trả tiền chuộc bao nhiêu lần cho những kẻ bắt cóc nhưng chỉ có một trường hợp duy nhất được xác nhận là vụ bắt cóc tại Kyrgyzstan hồi năm 1999.

Việt Nam lên án hành động dã man nhắm vào thường dân

Trả lời câu hỏi về việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đe dọa hành quyết 2 con tin người Nhật Bản, hôm qua 22-1, bà Phạm Thu Hằng, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành động dã man, vô nhân đạo nhắm vào thường dân vô tội. “Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đấu tranh, chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, cũng như các hoạt động bạo lực cực đoan, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng các quyền cơ bản, các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia liên quan và đảm bảo an toàn cho thường dân”, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.