Nhân rộng mô hình hay, thiết thực, làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy ngay từ cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội tiếp tục nhân rộng những mô hình hay, thiết thực để tăng cường đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và những mô hình hay ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) là minh chứng rõ nét.
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ diễn tập cứu nạn người mắc kẹt trong đám cháy tại nhà cao tầng

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ diễn tập cứu nạn người mắc kẹt trong đám cháy tại nhà cao tầng

Chỉ rõ yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy

Tình hình cháy, nổ tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trong những năm gần đây đang có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp, mức độ nghiêm trọng, khó lường.

Tại TP Hà Nội, trong năm 2021, thực hiện Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ và kế hoạch cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh do Bộ Công an phát động, UBND các quận, huyện, thị xã đã tích cực, đẩy mạnh các hoạt động để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCCC đối với loại hình này trên địa bàn. Trong đó, đáng ghi nhận là UBND quận Hoàn Kiếm với những mô hình hay, thiết thực, để từ đó, công tác PCCC đi sâu vào quần chúng nhân dân; đây không còn là nhiệm vụ riêng của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH mà đã có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đoàn thể, xã hội và của toàn dân.

Quận Hoàn Kiếm có diện tích 5,29km2, với hơn 240.000 nhân, hộ khẩu; là địa bàn có lịch sử phát triển lâu đời; là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và du lịch của thành phố với nhiều cơ quan đầu não quan trọng. Hoàn Kiếm có nhiều công trình di tích lịch sử; có các điểm tham quan du lịch; là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện trọng đại của Thủ đô và của đất nước.

Những ưu thế trong việc phát triển kinh tế - xã hội của quận Hoàn Kiếm, đồng thời cũng là thách thức trong công tác đảm bảo an toàn về PCCC, như: Kiến trúc nhà ở, đô thị cổ kính, độc đáo, nhưng một số nơi đã có phần xuống cấp; hệ thống hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy không đáp ứng được nhu cầu PCCC thời điểm hiện tại; Nhà ở của người dân chủ yếu là nhà ống, bề ngang chật hẹp; Với đặc trưng “phố cổ”, “phố đi bộ” và “văn hóa ẩm thực đường phố”, nhiều nhà ở đã được tận dụng làm nơi kết hợp sản xuất kinh doanh; người dân tự cơi nới, cải tạo, lắp đặt cửa, lồng sắt kiên cố hoặc làm biển quảng cáo che kín ban công, mặt tiền. Những yếu tố nêu trên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ; khi xảy ra cháy, nổ dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Ghi nhận trong 5 năm (từ năm 2017 đến 2021), địa bàn quận Hoàn Kiếm xảy ra 394 vụ cháy, làm 4 người chết, 1 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng trên 3 tỷ đồng. Trong đó, đối với loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chiếm 166 vụ (tỷ lệ 42,1% trên tổng số vụ cháy).

Hưởng ứng phát động của Bộ Công an và của UBND TP Hà Nội về cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất; trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm, tình hình thực tế của địa bàn, CAQ Hoàn Kiếm thể hiện vai trò “xung kích”, tham mưu UBND quận chỉ đạo UBND các phường, các đơn vị liên quan trong 6 tháng (từ ngày 15-4-2021 đến 15-10-2021) đã rà soát, kiểm tra, hướng dẫn đối với 11.811/21.652 (54,5%) nhà ở hộ gia đình, 3.421/4.905 (gần 70%) nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; biên soạn, phát hành 15.232 tờ rơi, khuyến cáo an toàn PCCC; hướng dẫn ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC đối với 100% các nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đáng kể nhất là việc quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều mô hình, trong đó có 2 mô hình rất hay và thiết thực để phát động phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn, gồm: “Lắp đặt các điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu” và “Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm 4 tại chỗ”.

Lực lượng Công an tuyên truyền hộ gia đình mở lối thoát hiểm khẩn cấp qua vị trí “lồng sắt, chuồng cọp”

Lực lượng Công an tuyên truyền hộ gia đình mở lối thoát hiểm khẩn cấp qua vị trí “lồng sắt, chuồng cọp”

Các mô hình phòng ngừa cháy, nổ hiệu quả

Đáng chú ý là mô hình “Lắp đặt các điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu”. Hoàn Kiếm là địa bàn có lịch sử lâu đời, các tuyến phố đã được xây dựng cách đây nhiều năm; để gìn giữ nét đẹp truyền thống, địa phương rất ít khi cải tạo, mở rộng lòng, lề đường hoặc bổ sung thêm đường ống, trụ cấp nước chữa cháy ngoài nhà. Qua thống kê, Hoàn Kiếm có 38/166 tuyến phố và hơn 800 ngõ, ngách nhỏ, xe chữa cháy không thể tiếp cận được. Để khắc phục tình trạng này, trên cơ sở cân đối nguồn vốn ngân sách phục vụ công tác PCCC tại địa phương và vận động nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn; qua khảo sát, với 875 ngõ sâu, quận Hoàn Kiếm đã trang bị được 1.013 điểm bố trí phương tiện chữa cháy công cộng với 2.026 bình chữa cháy, bàn giao đến từng tổ dân phố để nhân dân tự bảo quản và sử dụng khi cần thiết.

Ngoài ra, cũng phải kể đến mô hình “Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm 4 tại chỗ”. Tình hình cháy, nổ phức tạp tại các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh làm chết nhiều người trên địa bàn cả nước nói chung và tại TP Hà Nội nói riêng; qua tổng kết nhận thấy chủ yếu do ý thức của người dân còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC, điển hình: Nhà chỉ có 1 lối thoát hiểm là cửa đi tại tầng 1, không có lối thoát hiểm khẩn cấp (các phía của nhà đều bị bịt kín, quây “lồng sắt, chuồng cọp”); không trang bị bình chữa cháy, không chuẩn bị phương tiện chữa cháy thông dụng như chăn chiên, cát, nước, không đảm bảo yêu cầu PCCC “4 tại chỗ”, đến khi xảy ra cháy không xử lý kịp thời, dẫn đến cháy lan, cháy lớn; không có phương án thoát nạn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo khảo sát, địa bàn quận Hoàn Kiếm có 26.557 hộ gia đình, trong đó có 2.333 hộ có lắp đặt “lồng sắt, chuồng cọp” tại ban công. UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai thí điểm mô hình trên địa bàn phường Hàng Bài, kết quả: Qua công tác tuyên truyền, vận động, có 224/224 hộ gia đình đã mở lối thoát hiểm khẩn cấp qua vị trí “lồng sắt, chuồng cọp”; 889/889 hộ đã tự trang bị bình chữa cháy (trong đó, đối với 26 hộ có hoàn cảnh khó khăn đã được UBND phường Hàng Bài trang cấp miễn phí mỗi hộ 1 bình chữa cháy).

Được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân, UBND quận Hoàn Kiếm nhân rộng mô hình nêu trên đến tất cả các phường trên địa bàn quận. Trong chưa đầy 3 tháng (từ tháng 8 đến tháng 11-2021), quận đã có 1.681/2.333 (72%) hộ đã mở lối thoát hiểm khẩn cấp qua vị trí “lồng sắt, chuồng cọp”, 11.914/26.557 (45%) hộ tự trang bị bình chữa cháy (trong đó có 877 bình chữa cháy được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp vào công tác xã hội hóa PCCC và thông qua UBND 18 phường để trao tặng cho 877 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận).

Thực tế, sau khi triển khai đồng bộ các mô hình, trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021, nhiều vụ cháy đã được người dân phát hiện và sử dụng bình chữa cháy chủ động dập tắt ngay từ ban đầu (gồm các vụ cháy dây dẫn điện trên cột, cháy phương tiện giao thông cơ giới… tại các phố, ngõ, ngách; và cả các vụ chập điện hoặc sơ suất khi đun nấu xảy ra trong hộ gia đình); nhiều vụ cháy khi không thể thoát được xuống tầng 1 ngôi nhà, các thành viên trong gia đình đã có thể thoát ra ngoài nhanh chóng bằng các lối thoát hiểm khẩn cấp (qua ban công, lối lên mái hoặc sang mái nhà bên cạnh…); cho thấy việc triển khai các mô hình trên của UBND quận Hoàn Kiếm là vô cùng thiết thực. Bên cạnh những kết quả trên, các mô hình đã tạo “làn sóng” phong trào mạnh mẽ, “ăn sâu” vào ý thức, nhận thức của quần chúng nhân dân, của từng hộ gia đình về công tác PCCC, để mọi người luôn chủ động trong công tác này.

Với những thành tích đã đạt được, tại Hội nghị toàn quốc sơ kết cao điểm tuyên truyền, kiểm tra PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, lãnh đạo Bộ Công an đã biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân của UBND quận, Công an quận đã có những đóng góp tích cực cho công tác PCCC của quận Hoàn Kiếm nói riêng và của Hà Nội nói chung. Những mô hình PCCC&CNCH được quận Hoàn Kiếm thực hiện đều phát huy tác dụng. Mong rằng các địa phương tiếp tục hưởng ứng, phát động, nhân rộng các mô hình PCCC như cách UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đã làm, để tạo phong trào toàn dân PCCC mạnh mẽ, sôi nổi, đảm bảo an toàn PCCC khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần.