Nguy cơ vỡ nợ của Mỹ đẩy giá vàng tăng vọt

ANTD.VN - Những lo ngại về nguy cơ vỡ nợ của Mỹ, sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng ngân hàng cùng với khả năng Fed sẽ sớm xoay trục chính sách đang đồng loạt hỗ trợ giá vàng.

Sáng nay, giá vàng SJC trong nước mở cửa giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ đã tăng nhẹ 50 – 100 nghìn đồng mỗi lượng. Theo đó, vàng SJC niêm yết tại Công ty SJC ở mức 66,65 – 67,25 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn SJC 99.99 niêm yết 55,95 – 56,95 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước phản ứng khá mờ nhạt với diễn biến tăng mạnh mẽ của vàng thế giới. Trong kỳ nghỉ lễ kéo dài của Việt Nam vừa qua, giá vàng thế giới đã có nhiều biến động với bước tăng vọt, lần nữa vượt xa khỏi ngưỡng 2.000 USD.

Cụ thể, phiên giao dịch ngày 2/5, giá vàng thế giới đã vọt tăng mạnh mẽ với mức tăng lên tới 34 USD/ounce, chốt phiên tại 2.017,3 USD/ounce; vàng giao tháng 6 trên sàn Comex quanh mức 2.026 USD/ounce.

Hàng loạt yếu tố bất ổn trên thị trường tài chính đang hỗ trợ tích cực cho giá vàng.

Giá vàng tăng vọt trước lo ngại nguy cơ vỡ nợ của Chính phủ Mỹ

Kim loại quý đã tăng dữ dội trước thềm quyết định tăng lãi suất của Fed sẽ được công bố vào hôm nay với mức tăng gần như chắc chắn là 25 điểm cơ bản. Thêm vào đó dữ liệu vĩ mô gần đây cho thấy đủ dấu hiệu hạ nhiệt để đảm bảo Fed sẽ tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất sau cuộc họp này.

Cùng với đó, tình trạng hỗn loạn ngân hàng chưa có dấu hiệu ổn định trở lại, với sự sụp đổ của First Republic Bank.

Đặc biệt là nỗi lo về khả năng vỡ nợ của Mỹ đang gia tăng nghiêm trọng, lớn đến mức lần đầu tiên, công cụ FedWatch của CME chỉ ra rằng có 15% khả năng Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp FOMC tháng 6, 85% khả năng còn lại là Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào cuộc họp hơn 1 tháng nữa.

Một số chuyên gia thậm chí nhận định giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục ngay trong tuần này, tùy thuộc vào thông điệp của Chủ tịch Fed Jerome Powell về chính sách tiền tệ của cơ quan này và những gì ông ấy nói về tình trạng của ngành ngân hàng.

Nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên Cục Dự trữ Liên bang không tăng lãi suất hoặc cắt giảm lãi suất trong 10 cuộc họp FOMC liên tiếp gần đây.

Nỗi lo về trần nợ gia tăng sau khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen hôm 1/5 cảnh báo, Mỹ có thể hết tiền để thanh toán các nghĩa vụ nợ của mình trước ngày 1/6, sớm hơn dự kiến trước đó ​​của chính phủ và phố Wall, là vào cuối tháng 7.

Trong bức thư gửi cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, bà Yellen cho rằng, dữ liệu mới về biên lai thuế đã buộc Bộ Tài chính phải đánh giá lại thời điểm đáp ứng tất cả các nghĩa vụ nợ của Chính phủ. Theo đó, nếu Quốc hội Mỹ không thông qua việc tăng giới hạn nợ sớm, nước Mỹ có thể tiến tới tình trạng vỡ nợ sớm nhất là vào ngày 1/6.

“Tôi đã đề nghị Quốc hội tăng hoặc đình chỉ giới hạn nợ. Kể từ năm 1789, Mỹ luôn thanh toán các hóa đơn đúng hạn và chúng ta phải tiếp tục làm như vậy. Theo đánh giá của tôi và của các nhà kinh tế, việc vỡ nợ đối với khoản nợ của chúng ta sẽ gây ra một thảm họa kinh tế và tài chính”, bà Yellen nói.

Trước đó vài ngày, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm thế đa số đã thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia, nhưng đi kèm với biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu của chính phủ - động thái vấp phải sự phản đối từ Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ - hiện đang kiểm soát Thượng viện.

Dù Tổng thống Joe Biden khẳng định sự cần thiết phải tăng giới hạn nợ của quốc gia, tuy nhiên ông tuyên bố sẽ không đàm phán với phe Cộng hòa về biện pháp cắt giảm chi tiêu để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ.

Với tuyên bố của Bộ Tài chính, điều này có nghĩa là còn rất ít thời gian để đạt được một giải pháp và thỏa hiệp giữa 2 Đảng. Hậu quả kinh tế nếu hai bên không đạt được thỏa thuận là điều chưa từng xảy ra. Hậu quả nghiêm trọng nhất là suy thoái kinh tế và theo Bộ trưởng Yellen, nó sẽ có những tác động sâu sắc vĩnh viễn.