Người Mỹ gốc Ấn - thế lực chính trị mới nổi trong bầu cử ở Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có chuyến thăm Hoa Kỳ vào cuối tuần này trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần và người Mỹ gốc Ấn đang nổi lên như một thế lực trong nền chính trị Mỹ.

Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào tháng 6-2023, ông đã nhắc đến Phó Tổng thống Kamala Harris và di sản Ấn Độ của bà. “Có hàng triệu người ở đây có nguồn gốc từ Ấn Độ. Một số trong đó tự hào ngồi trong phòng họp này và có một người ngay sau tôi - người đã làm nên lịch sử” - ông nói và chỉ vào bà Harris. Mẹ của bà Harris sinh ra ở Ấn Độ, cha bà sinh ra ở Jamaica. Kể từ đó cho đến chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ vào cuối tuần này, bà Kamala Harris đã tiếp tục tạo nên lịch sử khi trở thành người Mỹ gốc Ấn đầu tiên tranh cử chức vụ cao nhất nước Mỹ. Ông Karthick Ramakrishnan của AAPI Data (một tổ chức nghiên cứu thái độ chính trị của người Mỹ gốc Á và người dân đảo Thái Bình Dương) cho rằng, di sản của bà Harris là dấu hiệu cho thấy người Mỹ gốc Ấn đang là một thế lực chính trị đang phát triển.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước Quốc hội Mỹ trong chuyến thăm năm 2023

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước Quốc hội Mỹ trong chuyến thăm năm 2023

Sau Dalip Singh Saund - người Mỹ gốc Ấn đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ năm 1957 - hiện có 5 người thuộc nhóm này làm nghị sĩ và gần 40 người trong các cơ quan lập pháp của tiểu bang. Theo số liệu của AAPI Data, cử tri Mỹ gốc Ấn có tỷ lệ bỏ phiếu cao nhất trong bất kỳ nhóm người Mỹ gốc Á nào. “Thật đáng chú ý khi cộng đồng người Mỹ gốc Ấn phát triển nhanh chóng về mặt tham gia chính trị và lãnh đạo công dân” - ông Ramakrishnan nhận xét. Vì người Mỹ gốc Ấn có thể tiếp cận các nguồn lực và gây quỹ từ bên trong cộng đồng nên việc hướng đến nhóm cử tri tương đối giàu có và có trình độ học vấn cao cũng giúp ích cho sự tham gia đó.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến có một buổi diễn thuyết tại Long Island (New York) vào ngày 22-9. Đến nay, ban tổ chức thông báo buổi lễ có khoảng 25.000 người đăng ký tham dự. Tuy nhiên, sự quan tâm này không nhất thiết chuyển thành bất kỳ tác động nào liên quan đến cuộc bầu cử ở Mỹ. “Thủ tướng Modi cực kỳ được lòng người Mỹ gốc Ấn theo đạo Hindu nói riêng. Nhưng ảnh hưởng của ông ấy còn hạn chế” - Giáo sư Irfan Nooruddin tại Đại học Georgetown cho biết.

Một lưu ý là, năm 2019, một sự kiện lớn hơn có tên “Howdy Modi” diễn ra tại Houston (Texas) đã có 50.000 người Mỹ gốc Ấn tham dự. Năm đó, cựu Tổng thống Donald Trump xuất hiện cùng ông Modi. Lần này, ông Donald Trump đã thông báo sẽ gặp ông Modi. “Rõ ràng ông Trump đang cố gắng xây dựng mối quan hệ của mình với Thủ tướng Ấn Độ để giành được sự ủng hộ của cử tri người Mỹ gốc Ấn. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho chúng ta thấy cộng đồng người Mỹ gốc Ấn bỏ phiếu áp đảo cho các ứng cử viên của đảng Dân chủ” - Giáo sư Nooruddin nói.

Bất chấp mối quan hệ tốt đẹp với cựu Tổng thống Donald Trump, không dễ để biết ông Modi sẽ vận động người Mỹ gốc Ấn ủng hộ ai. Giáo sư Nooruddin phân tích, Phó Tổng thống Harris có mối quan hệ cá nhân chặt chẽ với Ấn Độ, nhưng khuynh hướng và nhóm cử tri cốt lõi của bà có thể quan tâm nhiều hơn đến uy tín dân chủ và nhân quyền của Ấn Độ. Trong khi ông Trump, người có quan điểm chống thương mại, chống toàn cầu hóa và chống nhập cư, khó có thể là tin tốt cho Ấn Độ nếu ông trở lại nắm quyền. Mặc dù không thể biết chắc chắn, Giáo sư Nooruddin cho biết ông sẽ đặt cược vào việc Thủ tướng Modi nghiêng về phía bà Harris. “Tôi nghĩ rằng, nhìn chung, ông ấy thích tiếp tục làm việc với chính quyền Biden - Harris và sự ổn định tương đối mà họ hứa hẹn thay vì quay trở lại với sự khó đoán của chính quyền Trump. Mặt khác, ông Modi có thể cùng quan điểm với phần lớn người Mỹ gốc Ấn khi muốn thấy người phụ nữ Mỹ gốc Ấn đầu tiên nắm giữ chức Tổng thống Mỹ” - vị giáo sư của Đại học Georgetown nói.