Người giữ nghề thầm lặng

(ANTĐ) - Mặc dù đã 70 tuổi nhưng khi kể về làng nghề múa rối cạn Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, giọng ông vẫn sang sảng, những nếp nhăn trên khuôn mặt ông dường như cũng theo đó mà tan biến. Ông là nghệ nhân Bùi Văn Ngát, người cả đời gắn bó với nghệ thuật múa rối cạn.

Người giữ nghề thầm lặng

(ANTĐ) - Mặc dù đã 70 tuổi nhưng khi kể về làng nghề múa rối cạn Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, giọng ông vẫn sang sảng, những nếp nhăn trên khuôn mặt ông dường như cũng theo đó mà tan biến. Ông là nghệ nhân Bùi Văn Ngát, người cả đời gắn bó với nghệ thuật múa rối cạn.

Nghệ nhân Bùi Văn Ngát giới thiệu về nghệ thuật múa rối cạn
Nghệ nhân Bùi Văn Ngát giới thiệu về nghệ thuật múa rối cạn

Gian nan với nghề

Theo lời kể của các nghệ nhân trong làng Bảo Hà, nghệ thuật múa rối cạn ở đây ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 18, cùng với nghề tạc tượng. Các bậc thợ tài ba với bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú đã thổi hồn vào những mẩu gỗ để trở thành những con rối xinh xắn.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử và sự tàn phá của chiến tranh, nhưng các nghệ nhân ở đây vẫn kiên trì giữ nghề. Trong đó phải kể đến nghệ nhân Bùi Văn Ngát - Trưởng đoàn múa rối cạn Bảo Hà, người luôn mang trong mình nỗi trăn trở khi không có lực lượng kế cận cho bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

Mặc dù sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có ai theo nghề nhưng ngay từ nhỏ, những nhịp trống, tiếng đàn, những động tác múa rối của các nghệ nhân đã ăn sâu trong tâm trí cậu bé Bùi Văn Ngát. Mỗi lần đoàn đi biểu diễn ở đâu, dù nắng hay mưa ông đều xin đi theo để học hỏi. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp ác liệt, ông thường xuyên có mặt trong những buổi biểu diễn phục vụ bộ đội địa phương và cả đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc…

Năm 18 tuổi, ông đã được các nghệ nhân trong làng tin tưởng truyền nghề cho. Từ đó ông ra sức học tập, mong một ngày những con rối mộc mạc quê mình sẽ có cơ hội vượt ra khỏi lũy tre làng. Ông cùng mọi người trong đoàn tích cực khôi phục, dựng lại các tích trò cũ, chuyển từ thể chèo, tuồng sang kịch nói để phục vụ tốt hơn nhu cầu đa dạng của khán giả.

Những ngày hội ở địa phương không thể thiếu màn trình diễn của đoàn rối cạn Bảo Hà. Các tích trò như “Đôi ngọc lưu ly”, “Trương Viên”, “Thạch Sanh”, “Quan âm Thị Kính”… dù đã được biểu diễn nhiều lần nhưng vẫn được nhân dân nhiệt liệt đón xem.

Đoàn đã đi lưu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như  Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình…, tham gia nhiều hội diễn toàn quốc và đoạt nhiều giải cao. Tiêu biểu như vở “Đôi ngọc lưu ly” đã đoạt 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc tại Hội diễn toàn quốc năm 1994. Trong thời gian tới, đoàn sẽ dựng vở “Lý Thái Tổ dời đô” hướng đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

…Những mong muốn bình dị 

Vào mỗi buổi tối, tại sân nhà nghệ nhân Bùi Văn Ngát lại rộn ràng tiếng trống, tiếng đàn. Cả đoàn cùng nhau tập lại các tích cũ và sáng tác những vở mới. Tạm gác lại những lo toan thường nhật, tình làng nghĩa xóm lại được sum vầy và cũng là để nhớ lấy Tổ nghiệp mà các bậc tiền nhân đã dày công gây dựng lên.

Những lúc ấy, ông thấy mình như được trẻ lại, ông cười sảng khoái, rồi cho biết: “Bây giờ con cái đã trưởng thành và có gia đình, việc làm ổn định nên tôi dành hết thời gian và tâm huyết với nghề”. Không quản ngại đường xa và sức khỏe giảm sút do những vết thương của chiến tranh, ông vẫn ngược xuôi khắp các tỉnh, thành để sưu tầm các tích cổ, học tập kinh nghiệm các đoàn rối của tỉnh bạn.

Sau khi Bảo Hà trở thành một trong ba điểm du lịch ở Vĩnh Bảo (gồm: Đền thờ Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; làng múa rối nước Nhân Mục; làng tạc tượng, múa rối cạn Bảo Hà), đoàn thường xuyên nhận được nhiều lời mời đi biểu diễn ở các tỉnh, thành trong cả nước.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích nhưng đoàn rối cạn Bảo Hà còn gặp không ít khó khăn dù đã có tên trong danh sách liên hiệp hội múa rối UNIMA Việt Nam - Thụy Điển nhưng trên thực tế, đoàn vẫn chỉ là một đoàn múa rối địa phương, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, đời sống của diễn viên còn bấp bênh.

Một buổi diễn, mỗi người chỉ được bồi dưỡng từ 20.000-30.000 đồng và không phải lúc nào cũng có. Có những buổi biểu diễn miễn phí để phục vụ cho bà con và các em học sinh. Thậm chí, chi phí cho việc vận chuyển, đi lại có khi còn lớn hơn khoản bồi dưỡng. Chi phí để duy trì và hoạt động của đoàn chủ yếu vẫn là do các thành viên trong đoàn tự đóng góp.

Hiện ông Bùi Văn Ngát vẫn cùng các thành viên trong đoàn tiếp tục vận động các lớp trẻ tham gia vào đoàn múa rối. Khi được hỏi về mong muốn của mình, nghệ nhân Bùi Văn Ngát không giấu giếm: “Đã sống đến cái tuổi răng long tóc bạc rồi, tôi chẳng có mong muốn nào hơn là sẽ có lực lượng kế cận để nghề múa rối cạn Bảo Hà không bị mất đi”.

Đó cũng là mong muốn của nhiều nghệ nhân trong làng với các lớp con cháu sau này, để nghệ thuật múa rối cạn Bảo Hà luôn là món ăn tinh thần, là niềm tự hào của người dân vùng quê đất Cảng và đem đến niềm hạnh phúc bình dị cho những người giữ nghề thầm lặng.                          

Lê Quân