Chị Ban Thị Hoạt (bên trái), nạn nhân bị bọn buôn người bán sang Trung Quốc
Thức trắng đêm truy tìm thủ phạm
Thập kỷ 90 về trước, ở vùng đất Lạng Sơn, tệ nạn buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc xảy ra như cơm bữa, liên tục có những cô gái mới lớn bị bắt cóc, mất tích, lừa bán sang Trung Quốc. Ở Tân Lập, huyện Hữu Lũng là một vùng nóng về tệ nạn buôn bán người khi đó. Và con gái của ông Ban Văn Mình tên Ban Thị Hoạt (SN 1970) là một trong những nạn nhân. Hôm đó là vào một ngày cuối năm 1993, khi ông Mình đi mang lễ cưới sang nhà gái để cưới vợ cho một cậu con trai. Mấy ngày sau ông trở về nhà thì vô cùng bàng hoàng biết tin là con gái mình đã lừa bán đi. Lo sợ cho tính mạng đứa con gái nên ông Mình tất tưởi đi tìm con.
Ông đi dò tìm tung tích người phụ nữ làm thuê bí ẩn đã mất tích cùng con ông. Người phụ nữ này thường đến đây làm thuê và cũng từng ăn ngủ nhờ ở nhà ông. Theo như phán đoán của một người cha, ông có niềm tin rằng chính người phụ nữ đó chính là kẻ đã lân la đến nhà ông để lừa con gái ông. Và với niềm tin ấy, ông róng riết đi khắp nơi tìm kiếm người đàn bà mà ông đã biết. Đi đâu ông cũng hỏi han, mô tả về người đàn bà khả nghi này. Ngày hôm sau khi nghe tin có một người phụ nữ giống như người phụ nữ mà ông cho là đã lừa bán con gái ông đang có mặt ở xã bên, ngay lập tức ông đã báo công an và cuối cùng thì người đàn bà đó đã bị bắt. Tại cơ quan công an người đàn bà đó khai tên là Nguyễn Thị Huệ, quê ở huyện Lộc Bình. Huệ thường xuyên giả vờ đi làm thê, lân la ở các vùng sâu xa làm quen, rồi lừa gạt những cô gái nhẹ dạ cả tin bán đi Trung Quốc kiếm tiền. Đã nhiều ngày ở khu vực nhà ông Mình, hôm đó Huệ đã thấy Hoạt đi chăn trâu và đến nói chuyện rủ Hoạt đi chơi và Hoạt đồng ý.
Sau đó mụ ta đã thuê một người cửu vạn tên là Chung, quê ở Bắc Giang chở Hoạt lên cửa khẩu Cổng Trắng, thuộc xã Tân Mĩ, huyện Văn Lãng để bán sang Trung Quốc. Từ lời khai của Huệ, ông Mình lại tức tốc một mình lên Văn Lãng lần theo dấu vết con gái. Đến đó ông hỏi tung tích gã cửu vạn người Bắc Giang tên Chung, kẻ đã chở con gái ông đi nhưng không được vì ngày đó đội ngũ cửu vạn rất đông thuê trọ ở xã. Vì vậy ông Mình đã đến nhờ chính quyền xã Tân Mĩ truy tìm và đích thân ông cũng đi gõ cửa từng nhà để tìm. Tìm đến ngày thứ hai thì ông và lực lượng chính quyền sưu tập được cả trăm cái tên là Chung, nhưng chẳng biết là ai trong số đó. Ông lại quay về công an huyện Hữu Lũng nhờ di chuyển kẻ lừa gạt con gái ông lên Tân Mĩ để nhận mặt gã cửu vạn. Rất may trong số đó có kẻ đã chở con gái ông đi và lực lượng công an đã bắt được gọn đường dây buôn người này.
Trong đúng 5 ngày, ông Mình đã phối hợp tích cực với các chiến sĩ Công an tỉnh Lạng Sơn bắt được thủ phạm. Cũng trong 5 ngày đêm đó, ông Mình đã không chợp mắt được lúc nào. Ông Mình nói: “Tôi cũng không hiểu sao mình lại có nhiều sức đến vậy, chỉ ăn vài cái bánh mì uống nước lọc và chẳng ngủ nghê gì. Nói thì chắc không ai tin nhưng mà tiền lúc đó chẳng có, trong túi chỉ có vài chục nghìn đi tàu xe gần hết muốn ăn cũng chẳng có tiền, ngủ thì phải vạ vật đâu đó cho hết đêm vì không có tiền trọ. Trong lòng tôi lúc ấy nóng như lửa đốt, tôi thì chỉ nghĩ đến đứa con gái chẳng thiết ăn uống, cũng không chợp mắt được vì lo lắng”.
Giả câm vào động quỷ cứu con
Sau đó, ông Mình đi khắp khu vực biên giới dò hỏi tung tích con gái và được những người dân vùng biên từng ở Trung Quốc cho biết bọn buôn bán người thường đưa phụ nữ sang khu thị trấn Bằng Tường của tỉnh Quảng Tây để đi làm vợ những người đàn ông Trung Quốc, hoặc là đi làm gái mại dâm. Vậy là ông Mình lại quyết định vượt biên sang bên kia biên giới để đi tìm con.
Ông Mình quay về nhà vay mượn hàng xóm được vài triệu đồng và quyết định đánh liều sang khu nhà thổ Bằng Tường ở Trung Quốc. Ông nhờ được một người quen thông thạo ở đó dẫn đến khu đèn đỏ vào tận các nhà chứa để hỏi han. Nhưng tìm vài ngày cũng chẳng thấy tung tích đứa con gái tên Hoạt của ông đâu. Người quen đó đã khuyên ông nên trở về Việt Nam vì ở đó rất nguy hiểm, chẳng biết mất mạng lúc nào. Nhưng ông Mình vẫn quyết định ở lại để tìm con mình. Tiền trong túi vẫn còn nên ông Mình quyết định táo bạo là sẽ giả làm khách làng chơi để vào các nhà chứa tìm con gái. Nghĩ lại ông thấy mình cũng hơi to gan vì tiếng không biết ông rất dễ bị nguy hiểm, nhưng vì đứa con nên ông đánh liều. “Tôi cũng sợ lắm, vì tiếng không biết, bọn ở khu nhà chứa thì thằng nào cũng dữ như cọp. Tôi đành phải giả câm điếc, nhưng may mà lần đó tôi lại thuận lợi không có gì xảy ra”, ông Mình nói.
Vào nhà chứa nào ông Mình cũng xòe tiền ra và ra dấu là tìm những cô gái trẻ nhất để “tâm sự”. Bọn chúng thấy ông già khắc khổ, lại câm điếc nhưng có nhiều tiền “chịu chơi” nên đều gật đầu gọi hàng chục cô gái trẻ nhất ra cho ông chọn. Nhưng lần nào cũng vậy, nhìn qua một lượt ông đều không thấy con gái mình đâu cả. Nhưng đã vào là phải “chọn” một cô nên ông chỉ liều bất kỳ ai rồi vào hỏi han tin tức con gái. Nhiều người thấy lạ là thường khi vào đó ra mặt ai cũng “tươi tỉnh” còn ông già “câm điếc” thì lại rầu rĩ thêm. Do không dò hỏi được tin tức con gái cũng có lúc ông chán nản, tưởng như vô vọng. Sau hàng chục ngày lăn lộn ở các nhà chứa, vào khắp lượt các nhà nghỉ mà tin tức về con vẫn biệt tăm, ông đành quay về Việt Nam.
Bán cả gia sản tìm con và cuộc hội ngộ bất ngờ
Những ngày sau đó ông quay về làm ăn mục đích để kiếm tiền tiếp tục đi tìm con. Hằng ngày người cha ấy vẫn ra ngóng vào trông tin con trong vô vọng. Mỗi buổi chiều ông lại ra đầu nhà nhìn ngóng như thể chờ đợi một điều kỳ diệu sẽ đến với cha con ông. Vợ ông thì cứ mỗi lần cả nhà quây quần ngồi ăn cơm, lại khóc vì nỗi nhớ con xé lòng.
Nhìn nước mắt của vợ rơi, ông Mình cũng nóng lòng như lửa đốt nên quyết định vượt biên tiếp để tìm con gái lần thứ hai sau vài tháng cuộc vượt biên lần thứ nhất. Để có tiền đi ông đã bán cặp trâu của gia đình dùng để cầy kéo làm lộ phí lên đường. Trâu bò ngày ấy giá rẻ nên tiền bán cũng chẳng được bao nhiêu chỉ khoảng vài triệu đồng. Ông đi trong sự vô vọng, đến các vùng quê sát biên giới Trung Quốc vào hỏi thăm tin tức. Vì không biết tiếng lại sợ bị bắt nên gặp ai ông cũng giả câm, chìa tấm ảnh ra dấu xem có gặp không nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Sau hơn tháng lăn lộn hết số tiền trong túi, ông lại phải quay về với nỗi lòng nặng trĩu vì con gái ông vẫn bặt vô âm tín. Cứ như thế, cứ đi và về, tiếp sau đó là ông đi nhiều chuyến nữa sang Trung Quốc để tìm con gái. Cứ dành dụm hoặc vay mượn được ít tiền nào là ông lại đi tìm con, thậm chí đến lúc trong nhà chẳng còn cái gì đáng giá, ông đã phải mang cả sổ đỏ đi vay ngân hàng để lấy kinh phí. Có những chuyến ông đi cả năm trời tìm con lưu lạc xứ người, hết tiền ông xin làm thuê, làm mướn, ngủ gầm cầu để tìm con.
Trong hơn 10 năm giả câm, giả điếc đi tìm con, tung tích của con gái ông vẫn bặt vô âm tín. Cho đến cuối năm 2002, bất ngờ gia đình ông nhận được bức thư của con gái gửi về từ nơi xứ người tủi nhục. Nhưng bức thư lại viết bằng tiếng Trung. Ông nhờ mãi mới có người dịch bức thư đó, trong thư, con gái ông nói rằng mình vẫn còn sống và đang ở tận Quảng Tây. Quá mừng rỡ ông lập tức vay mượn tiền lên đường sang Quảng Tây tìm con gái. Phải vô cùng vất vả ông mới tìm đến được nơi chị Hoạt đang sinh sống. Cuộc hội ngộ diễn ra đầy nước mắt vì mừng tủi giữa hai cha con sau 10 năm xa cách. Tới lúc đó ông mới xót xa biết là chị Hoạt bị bán sang đây làm vợ một người đàn ông cũng gần bằng tuổi ông và đã có hai đứa con.
Sau cuộc hội ngộ đó, chị Hoạt không thể về nước vì thương hai đứa con bé bỏng. Ông cũng không đành lỡ nhìn cháu mình phải sống thiếu mẹ nên đành ngậm ngùi để chị Hoạt ở lại. Kể lại câu chuyện với chúng tôi người cha già ấy khẽ nheo đôi mắt nói: “Từ đó đến nay nó cũng có vài lần về thăm nhà, nhưng lại phải sang đó ngay vì vướng bận con cái. Tôi cũng thương con, nhưng không dám giữ nó ở lại vì còn mấy đứa cháu ngoại không thể thiếu mẹ được. Có trách thì nên trách bọn buôn người táng tận lương tâm đẩy tôi vào tình cảnh thế này. Thôi thì gặp được con biết nó còn được sống trên cuộc đời này, thì cũng bõ cái công tôi lặn lội tìm nó suốt mấy năm trời. Nếu một ngày còn chưa có tin con thì chừng đó tôi cũng không ăn không ngủ được”.