Ngôi làng 25 năm cấm cửa đàn ông

ANTĐ - Dừng chân ghé qua ngôi làng Umoja, miền Bắc Kenya, du khách sẽ bắt gặp một cảnh tượng thật yên bình: Dê và gà lang thang trong sân, những phụ nữ tay thoăn thoắt làm đồ lưu niệm và vui vẻ chuyện trò. Đó là một ngôi làng điển hình của tộc người Samburu, ngoại trừ một điều: Làng không có đàn ông. Khó tưởng tượng được 100% phụ nữ sống trong ngôi làng này từng là nạn nhân của nạn cưỡng bức, ngược đãi và tảo hôn.
Ngôi làng 25 năm cấm cửa đàn ông ảnh 1

Phụ nữ ở Umoja tự tin khi đem lại hạnh phúc cho riêng mình

Nương tựa vào nhau

Năm đó, trong lúc đang chăn đàn dê và cừu, Jane bị 3 người đàn ông mặc trang phục binh lính cưỡng bức. “Tôi cảm thấy xấu hổ tới mức không dám kể với ai”, chị Jane buồn bã kể. “Khi thấy tôi ốm, chồng tôi gặng hỏi, tôi kể cho chồng nghe. Ông ta lập tức vơ gậy đánh tôi. Vì thế tôi đưa con bỏ trốn”, người phụ nữ 38 tuổi với gương mặt khắc khổ nhớ lại.

Jane chỉ là một trong những cư dân của Umoja, ngôi làng ở vùng đồng cỏ Samburu, phía Bắc Kenya đến nay tuyệt nhiên không một bóng dáng đàn ông. Có rất nhiều số phận không may mắn tương tự, như chị Memusi chạy trốn khỏi gia đình chồng năm 1998 chỉ 1 ngày sau khi cưới do bị cha gả bán để đổi lấy mấy con bò khi mới 11 tuổi, còn chồng chị 57 tuổi hay Mary, 34 tuổi, đã bị bán cho một ông già 80 tuổi để lấy một đàn bò khi chị 16 tuổi. 

 Dấu mốc thành lập ngôi làng đặc biệt này bắt đầu từ năm 1990. Khi đó, các binh sỹ Anh đến Kenya tập trận đóng quân tại một ngôi làng ở Samburu đã hãm hiếp 14 phụ nữ. Các nạn nhân này bị coi là nỗi hổ thẹn cho cả cộng đồng. Trước nỗi đau ấy, bà Rebecca Lolosoli, một người tích cực bảo vệ những người phụ nữ tội nghiệp đó cũng bị những người đàn ông trong ngôi làng của mình đánh đập tàn nhẫn. Lolosoli quyết định bỏ chồng, rời khỏi làng để bắt đầu một cuộc sống mới với 14 phụ nữ bị bỏ rơi. 

Umoja, tên theo tiếng Swahili có nghĩa là “Thống nhất” hiện giờ chỉ toàn là nữ, người đứng đầu là bà Lolosoli. Ở đây, phụ nữ tự cai quản mọi việc, từ kinh doanh, trồng trọt chăn nuôi tới dạy dỗ con cái. Từ một nơi mở ra lối thoát cho Lolosoli và 14 phụ nữ bị cộng đồng ruồng bỏ, Umoja dần trở thành nơi trú ẩn và bao bọc nhiều nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục và bạo lực khác.

Tự do tìm hạnh phúc

 Cuộc sống ở làng Umoja hoàn toàn trái ngược với thực tế xã hội mà hầu hết phụ nữ Kenya đang sống. Tất cả các tộc người ở Kenya vẫn duy trì chế độ phụ hệ, ở đó, người đàn ông cao tuổi nhất nắm quyền hành cao nhất từ sở hữu quản lý tài sản đến sắp xếp hôn nhân. Thanh niên đến lễ trưởng thành được tặng gia tài, gia súc và phụ nữ. Còn ở Umoja, phụ nữ là tất cả. Họ sống nhờ nghề làm trang sức đính cườm độc đáo của bộ tộc, sau đó bán cho khách du lịch đi qua làng. Làng Umoja cũng thu phí tham quan là 12 USD/người, cùng với đó họ mở khu cắm trại gần khu bảo tồn thiên nhiên, cách làng khoảng 1km. Là loại hình làng du lịch đầu tiên ở khu vực này, cư dân Umoja có thu nhập ổn định nhiều năm qua.

Tuy nhiên, một trong những điều mà bà Lolosoli tự hào nhất trong 25 năm qua là cư dân trong làng đã hiểu rõ thế nào là quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái.  Theo phong tục của người Samburu, đến tuổi dậy thì, mỗi thiếu nữ được cha mình chọn một “chiến binh” lớn hơn cả chục tuổi để sống thử. Thời kỳ này, việc mang thai bị cấm, nhưng các biện pháp tránh thai không có. Nếu lỡ có thai, các cô gái trẻ bắt buộc phải phá thai. Chống lại hủ tục về hôn nhân cưỡng bức đó, bà Lolosoli khuyến khích phụ nữ tự tìm chồng và xây dựng hạnh phúc gia đình trên cơ sở tình yêu chứ không phải là đổi chác của hồi môn.

Cũng bởi tư tưởng “thoáng đó”, sống ở đây một thời gian, phụ nữ có quyền rời làng đi tìm hạnh phúc mới. Vì vậy, dân số của cộng đồng này là dòng chảy liên tục. Đỉnh điểm, có lúc dân làng lên tới 60 phụ nữ và 200 trẻ em. Làng Umoja thường xuyên nhận được đe dọa bạo lực từ những người đàn ông trong bộ tộc láng giềng, hầu hết là những người chồng có ý định buộc vợ mình trở lại sống cuộc sống bị kìm nén trước kia. 

Thật kỳ lạ, một ngôi làng toàn phụ nữ, tại sao trẻ con nhiều đến vậy? “Chúng tôi vẫn thích đàn ông. Họ không được phép ở đây, vì thế chúng tôi ra ngoài “xin”, một phụ nữ trẻ tâm sự. Như lời một cư dân Umoja có 5 đứa con với 5 người cha khác nhau thì: “Không chồng mà có con trong xã hội chúng tôi được coi là người xấu, nhưng không con cái thì còn tệ hơn”.