Nghỉ hưu thời điểm nào được tăng lương hưu cao nhất năm 2023?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, một số đối tượng có mức hưởng thấp hơn so với mặt bằng chung tiếp tục được tăng bù lương hưu.
Một số đối tượng có mức hưởng thấp hơn so với mặt bằng chung tiếp tục được tăng bù lương hưu

Một số đối tượng có mức hưởng thấp hơn so với mặt bằng chung tiếp tục được tăng bù lương hưu

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2023/NĐ-CP chính thức điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/7/2023.

Nghị định này ghi nhận 9 nhóm đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2023. Trong đó, những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng trước năm 1995 là nhóm được tăng mức hưởng nhiều nhất trong năm 2023 khi được tăng lương hưu, trợ cấp đến 2 lần trong cùng 1 đợt tăng.

Cụ thể, tăng 12,5% hoặc 20,8% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/7/2023. Trong đó, mức tăng 12,5% áp dụng cho người đã được tăng thêm 7,4% lương hưu trong đợt tăng ngày 1/1/2022 theo quy định tại Nghị định số 108/2021/NĐ-CP.

Mức tăng 20,8% áp dụng cho người chưa được tăng thêm 7,4% lương hưu trong đợt tăng ngày 1/1/2022 theo quy định tại Nghị định số 108/2021/NĐ-CP.

Tăng thêm 300.000 đồng/người hoặc ấn định mức hưởng mới bằng 3 triệu đồng đối với những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng trước năm 1995 có mức hưởng thấp hơn 3 triệu đồng/tháng sau khi đã tăng 12,5% hoặc 20,8% mức hưởng.

Tăng thêm 300.000 đồng/tháng đối với người có mức hưởng dưới 2,7 triệu đồng/tháng. Tăng lên bằng 3 triệu đồng/tháng đối với người có mức hưởng từ 2,7 triệu đồng/tháng đến dưới 3 triệu đồng/tháng.

Như vậy, những người nghỉ hưu trước năm 1995 là nhóm được tăng mức hưởng nhiều nhất trong năm 2023.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, có khoảng 230.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 thuộc đối tượng điều chỉnh do ngân sách Nhà nước chi trả với kinh phí khoảng 330 tỷ đồng.

Đây là chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với những người đã có thời gian làm việc, cống hiến trong khu vực Nhà nước giai đoạn trước năm 1995 có mức hưởng thấp hơn so với mặt bằng chung.

Thực tiễn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 cho thấy, mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng đã được xác định dựa trên thời gian công tác thực tế và mức tiền lương tháng trước khi nghỉ việc của người lao động.

Tuy nhiên, với đặc thù của chính sách tiền lương giai đoạn trước năm 1995, cùng với các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm đó, phần lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động với thời gian làm việc ngắn và mức tiền lương trước khi nghỉ việc thấp. Từ đó ảnh hưởng đến mặt bằng chung về mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng của nhóm đối tượng này.

Ngoài ra, một số nhóm đối tượng đã dừng hưởng theo quy định, sau đó được nhà nước ban hành chính sách cho tiếp tục hưởng trợ cấp hằng tháng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nên mức hưởng khá thấp so với mặt bằng chung.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc xác định mốc 3 triệu đồng/người/tháng để làm căn cứ điều chỉnh được tính toán dựa trên mức 2,5 triệu đồng/người/tháng quy định tại Nghị định số 108/2021/NĐ-CP, và thực hiện việc điều chỉnh tăng 20,8% theo mức tăng của mức lương cơ sở và các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở theo Nghị quyết số 69/2022/QH15.

Do đó, những người nghỉ hưu trước năm 1995 đã được điều chỉnh theo số tiền tuyệt đối.