Chưa thống nhất quy định về giảm thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu và rút BHXH một lần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội tán thành với đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng lương xuống 15 năm, song đề nghị cần có giải trình kỹ lưỡng...
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp

Chiều 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần 2 về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.

Trình bày báo cáo về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật BHXH (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với việc đề xuất tại dự thảo luật về việc giảm số năm đóng BHXH hưởng lương hưu xuống 15 năm. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ số năm đóng BHXH hưởng lương hưu là 20 năm như hiện hành để bảo đảm lương nhận được không quá thấp, tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội – cơ quan thẩm tra dự án luật này - tán thành với loại ý kiến thứ nhất và thấy rằng, việc bảo đảm số năm tối thiểu tham gia BHXH mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để được hưởng chế độ hưu trí tối thiểu đầy đủ, bởi ngoài số năm đóng thì còn phải bảo đảm cả điều kiện về tuổi nghỉ hưu.

Do đó, quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí sẽ hấp dẫn người lao động hơn, tỉ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH sẽ tăng trong trung và dài hạn. Từ đó tạo điều kiện cho người lao động nhiều tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH, cải thiện tính công bằng.

Một nội dung khác cũng còn ý kiến trái chiều tại dự thảo luật lần này là quy định về rút BHXH một lần.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động.

Do vậy, cần phải tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng BHXH một lần, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung.

Báo cáo làm rõ thêm tại phiên họp, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, quy định rút BHXH một lần là vấn đề hệ trọng. Do đó, ban soạn thảo tiếp tục lắng nghe các ý kiến, báo cáo Chính phủ về phương án, trong đó đảm bảo khuyến khích những người tiếp tục bảo lưu BHXH và giảm chính sách với người rút BHXH một lần.