Nghệ sỹ nhân dân Hà Thủy: Nếu có niềm tin, ước mơ không bao giờ chết

ANTD.VN - Nghệ sỹ nhân dân Hà Thủy được biết đến là “người phụ nữ quyền lực” đứng sau sự thành danh của nhiều ngôi sao trong làng nhạc Việt. Với những ai mới gặp, chắc chắc sẽ có đôi chút rụt rè bởi ánh mắt nghiêm nghị và vẻ ngoài nghiêm khắc của bà. Nữ nghệ sĩ cũng nổi tiếng là người khái tính, thẳng tính, khen thì vừa phải nhưng đã phê bình thì “phê” quyết liệt. Song, ẩn sau vẻ bề ngoài có phần lạnh lùng lại là một trái tim nhân hậu và “cháy” đến tận cùng với sự nghiệp “người chèo đò” âm nhạc.

Vượt qua chính mình là điều quan trọng nhất

- Phóng viên: Chào NSND Hà Thủy, hình như có lần bà từng chia sẻ về việc ngày trẻ phải “vượt khó” để đến với nghệ thuật vì vấp phải sự phản đối từ gia đình. Bà có thể tiết lộ thêm về chuyện này không?

Nghệ sỹ nhân dân Hà Thủy cùng học trò - ca sỹ Hồ Quỳnh Hương

- NSND Hà Thủy: Ngày đó, khi biết tôi muốn đi theo con đường nghệ thuật, gia đình không ai ủng hộ cả. Bố tôi còn dọa sẽ… từ mặt nếu không nghe lời. Lúc bấy giờ tôi ở tuổi 18 - 20, chỉ nghĩ đơn giản đây là con đường mình thích, mà đã thích thì mình đi thôi. Tôi bảo với mẹ, bố đã nói thế rồi, giờ mẹ mà cũng thế nữa là con… đi luôn. Nghĩ lại thấy ngày đó giống như thứ tình yêu “say nắng” vậy, tình yêu không có lý trí ấy, chỉ có trái tim một lòng hướng theo nó. Bởi vậy, tôi quyết tâm theo đuổi nghệ thuật với suy nghĩ dù có thành công hay không thì sẵn sàng chấp nhận tất cả. Bên cạnh việc không được gia đình ủng hộ, sau đó tôi còn gặp vấn đề về sức khỏe, giọng bị ảnh hưởng do cắt amidan, đối mặt với nguy cơ phải dừng hoạt động nghệ thuật. Khi ấy tôi sợ lắm, giờ mà quay về là không biết nói gì với bố mẹ. Cũng may tôi vượt qua được mọi khó khăn để đi tiếp con đường này đến tận bây giờ. Tôi rút ra bài học là, chỉ cần biết nuôi dưỡng và có niềm tin, biết vượt qua chính mình thì ước mơ sẽ không bao giờ chết cả.

- Bà thấy thế nào khi được mọi người gọi là “phù thủy âm nhạc”?

- Vui cũng có, mà áp lực cũng nhiều. Mọi người gọi thế tức là đã tin tưởng vào tôi. Danh xưng này có lẽ vì trong sự nghiệp đào tạo âm nhạc tôi có được nhiều học trò tài năng tại các sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp và sau này họ cũng thành danh. Nhưng như thế có nghĩa là tôi càng phải nỗ lực nhiều hơn để giữ uy tín. Tôi quan niệm, vượt qua bản thân, vượt qua đỉnh cao của chính mình mới là điều quan trọng nhất. Với tôi, việc đào tạo học trò là sứ mệnh. Tôi chưa bao giờ chọn học trò, tất cả đến với tôi đều là mối lương duyên của những người cùng chung ước mơ, đam mê âm nhạc.

Năm 2010 tôi vào TP.HCM, có nhiều cuộc thi quan trọng. 3 học trò của tôi năm ấy là Hoàng Quyên, Văn Mai Hương và Minh Chuyên đều tham gia các cuộc thi âm nhạc. Hoàng Quyên đoạt Quán quân Tiếng hát mùa thu, Văn Mai Hương đoạt Á quân Vietnam Idol, Minh Chuyên trở thành Quán quân Sao Mai. Các em mang lại cho tôi sự tự hào và hạnh phúc.

“Thương cho roi cho vọt”

- Trong một đêm nhạc cách đây không lâu, ca sĩ Chu Thúy Quỳnh thổ lộ là khi gặp người thầy của mình, hoàn cảnh cô ấy rất khó khăn. Khó đến mức không có nổi chiếc xe đạp mà đi và đã được bà cho chiếc xe máy. Bà có thể chia sẻ về cô học trò này không?

- Chu Thúy Quỳnh là một trường hợp đặc biệt, hoàn cảnh em ấy rất khó khăn, mẹ là công nhân, bố bệnh nặng. Lúc đầu, tôi không biết chuyện gia đình của Quỳnh. Giai đoạn dạy em thì tôi đang gặp “stress”. Lúc Quỳnh học văn hóa, cô chủ nhiệm đã gọi tôi đến vì em học khá chểnh mảng, lúc nào cũng đi muộn. Giữa lúc tôi căng thẳng nhất, muốn buông tay thì Quỳnh nói: “Bố em mất”. Trước đó, có những hôm tôi gần về thì Quỳnh mới đến học, tôi hỏi lý do thì Quỳnh thở hồng hộc và bảo: “Em đi bộ”. Nhà em ấy chỉ có 1 cái xe máy thì mẹ phải bán đi để mua thuốc cho bố, bây giờ không có gì mà đi. Tôi thương quá nên bảo: “Con đi xe của cô, cô sẽ tìm xe khác”.

Khi tìm hiểu kỹ hơn về hoàn cảnh của Quỳnh, tôi mới biết cả nhà Quỳnh sống trong căn hộ tập thể ở tầng 4 với diện tích vỏn vẹn hơn 10m2. Khi bố em mất, thậm chí tôi còn băn khoăn không biết lúc di quan sẽ xoay xở thế nào. Tôi thấy thương Quỳnh lắm. Lo tang cho bố xong, Quỳnh đi học lại, tôi cho em cái xe máy cũ của mình, đưa em thêm chút tiền với ít quần áo. Đấy là kỷ niệm của 2 thầy trò. Khi Quỳnh có những bước đi đầu tiên thành công, tôi vẫn luôn theo sát. Tôi hạnh phúc vì Quỳnh đã vượt lên chính bản thân, tôi tự hào vì em chiến thắng khó khăn, giúp đỡ được mẹ mình, em mình. Tôi muốn nói với em rằng: “Cô cảm ơn con vì những điều con đã làm được!”

- Một học trò tài năng khác là ca sĩ Hoàng Quyên cũng có lần xúc động nhắc đến tên bà như “người mẹ thứ hai”. Với cô ca sĩ này, bà có ấn tượng thế nào?

- Lần đầu gặp Hoàng Quyên, tôi hơi bất ngờ với cô gái có gương mặt xinh xắn, vóc dáng rất bé nhỏ nhưng lại sở hữu giọng hát cực kỳ nội lực. Thời điểm đó, Quyên còn đang học phổ thông. Điều thú vị là tôi nhận Quyên làm học trò trong tình cảnh em ấy bị trả lại vì cho rằng không có giọng hát và không hát chuyển giọng được. Cũng có thể xem đây là một ca khó mà tôi từng gặp trong cuộc đời dạy học của mình.

Song, có thể do mối duyên giữa tôi và Quyên, đặc biệt là khi tôi làm giám khảo cuộc thi “Tiếng hát học sinh” mà Quyên thi và thấy được tố chất tỏa sáng trong giọng hát của cô bé. Thật ra tôi rất thẳng tính. Tôi quan niệm, dạy học thì phải “thương cho roi cho vọt”. Vì thế tôi mắng học trò là chuyện bình thường. Nhiều học sinh tôi nói luôn là đi theo nghệ thuật là sai lầm, không để các em ảo tưởng hay hy vọng điều gì mà chỉ định hướng cho các em con đường phù hợp nhất để theo. Có lúc tôi gây áp lực với học sinh nên khiến các em và chính tôi cũng buồn.

- Nhiều thập kỷ làm “người chèo đò”, học trò của bà thành danh từ Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú cho tới nghệ sĩ “ngôi sao” không phải là ít. Nhìn lại chặng đường ấy, bà cảm thấy thế nào?

- Những trải nghiệm trong cuộc đời nghệ sỹ và kinh nghiệm sư phạm khiến tôi nhìn thấy cá tính của các học trò. Mà nhìn được cá tính của học trò thì sẽ giúp họ đi đúng hướng trong âm nhạc. Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào nhất là những học trò của tôi đều yêu quý, tôn trọng và không bao giờ quay lưng lại với thầy.

- Cảm ơn Nghệ sỹ nhân dân Hà Thủy về cuộc trao đổi thú vị này!

NSND Hà Thủy được mệnh danh là “phù thủy âm nhạc” vì đã đào tạo ra nhiều ngôi sao ca nhạc nhất Việt Nam. Bà cũng là giáo viên đào tạo Thanh nhạc có số lượng học trò thành danh nhiều nhất nhì Vbiz. Nhiều học trò của bà trở thành nghệ sĩ nổi tiếng như ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, NSND Phạm Phương Thảo, Hương Tràm, Văn Mai Hương, Hoàng Quyên, Chu Thúy Quỳnh…

Từ năm 2014, NSND Hà Thủy là Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc, Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội và đóng vai trò chuyên gia thanh nhạc cuộc thi Sao Mai năm 2000 đến nay. Hiện tại, nữ NSND đang giữ quân hàm Đại tá, Chỉ huy trưởng cơ sở 2 Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội tại TP.HCM.

NSND Hà Thủy từng chia sẻ, từ thời Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội mới mở ra Khoa Nhạc nhẹ, bà và các đồng nghiệp đã phải đấu tranh rất nhiều để duy trì, phát triển… Với ngọn lửa nghề mà NSND Hà Thủy trao truyền, nhiều học trò của bà đã “cất cánh” và gặt hái thành công ở nhiều cuộc thi cũng như trong sự nghiệp ca hát.