Xây dựng bản đồ ẩm thực Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - UBND TP Hà Nội vừa chính thức ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Thủ đô. Việc này cũng đồng thời tạo nguồn lực phát triển, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực, thông qua phát triển nền văn hóa, ẩm thực đa dạng, tinh túy, đặc sắc, chất lượng, khẳng định vị thế của Hà Nội là điểm đến hấp dẫn tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Ẩm thực kết nối 5 châu

Với chủ đề “Hà Nội kết nối 5 châu”, đây là dịp để Hà Nội và Đại sứ quán các nước thúc đẩy công tác văn hóa đối ngoại nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, tiềm năng thế mạnh của Thủ đô đến bạn bè quốc tế, qua đó mở rộng quan hệ, hợp tác với các địa phương, tổ chức và cá nhân nước ngoài, các tổ chức quốc tế, thu hút nguồn đầu tư, thúc đẩy thương mại, du lịch, công nghiệp văn hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội được coi là điểm nhấn quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị ẩm thực, đặc biệt là các sản phẩm của làng nghề truyền thống, qua đó tạo điều kiện cho Đại sứ quán các nước, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân gặp gỡ, giao lưu, trưng bày quảng bá sản phẩm, trao đổi, ký kết hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường, phát triển du lịch.

Phở Hà Nội và nghề làm trà sen Quảng An được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Phở Hà Nội và nghề làm trà sen Quảng An được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 là một trong những sự kiện văn hóa quốc tế gắn với nhiệm vụ chính trị đối ngoại của thành phố. Chương trình thể hiện quyết tâm phát huy vai trò của công tác đối ngoại, tăng cường phát huy nội lực, nâng cao vị thế quốc tế của Thủ đô và đất nước. Bên cạnh đó, lan tỏa, gìn giữ, lưu truyền các giá trị ẩm thực, các sản phẩm đặc sản của từng vùng, địa phương, phát huy tính sáng tạo, đổi mới, chủ động triển khai thành công công tác quảng bá hình ảnh một Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu bản sắc văn hóa, tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Diễn ra từ 29-11 đến 1-12-2024 tại Công viên Thống Nhất, phố Trần Nhân Tông, điểm nhấn của lễ hội là chương trình khai mạc với chủ đề “Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 - Hà Nội kết nối năm châu”, dự kiến diễn ra vào lúc 19h ngày 29-11 với sự tham dự của khoảng 500 khách mời là đại diện các Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đoàn ngoại giao một số nước tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa các nước có trụ sở tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Hội đầu bếp Việt Nam; Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

Không gian “Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 - Hà Nội kết nối năm châu” quy tụ các gian hàng đến từ các Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội, các sản vật ẩm thực tiêu biểu của các địa phương. Để phục vụ du khách tham quan, lễ hội sẽ có nhiều hoạt động trải nghiệm, thu hút du khách tham gia tìm hiểu các nét đẹp văn hóa, ẩm thực Hà Nội nói riêng và sự đa dạng, phong phú của ẩm thực quốc tế nói chung. Các gian hàng sẽ được bố trí, phân chia thành 3 khu vực: Khu vực ẩm thực quốc tế; Khu vực giới thiệu không gian văn hóa ẩm thực tiêu biểu của các làng nghề truyền thống và các hoạt động trình diễn của các nghệ nhân; Khu vực giới thiệu sản phẩm và thưởng thức ẩm thực với các hoạt động trải nghiệm.

Những món ăn đặc trưng của các quốc gia sẽ được giới thiệu lại lễ hội, cùng với đó còn có không gian trưng bày các vật dụng, sản phẩm tiêu biểu của các nước nhằm đẩy mạnh cơ hội trao đổi kinh nghiệm, hợp tác kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của từng nước. Không gian tái hiện nền văn hóa ẩm thực của các quốc gia không chỉ đem đến cho du khách những trải nghiệm về ẩm thực mà còn là bản sắc văn hóa của mỗi nước, tất cả cùng hòa quyện trong từng hương vị truyền thống và hiện đại, tạo nên hương vị độc đáo riêng biệt của từng quốc gia.

Không gian văn hóa ẩm thực tiêu biểu của các làng nghề truyền thống Hà Nội và các hoạt động trình diễn của các nghệ nhân dự kiến sẽ là nơi thu hút sự tham gia của các du khách. Một không gian đậm chất làng nghề gắn với di sản ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội như: Phở Hà Nội, bánh tôm Hồ Tây, bún Phú Đô, giò chả Ước Lễ, cốm Làng Vòng, cốm Mễ Trì, xôi, chè Phú Thượng, bánh chưng Tranh Khúc, nem Phùng, bánh dày Quán Gánh, bánh tẻ Phú Nhi, cháo gõ Quảng Phú Cầu, cháo sen Hạ Mỗ, miến làng So... Trong không gian này, du khách sẽ được giao lưu, trao đổi với nghệ nhân, tham gia trải nghiệm, thực hành quy trình, công đoạn tạo nên các món ăn truyền thống, đặc sắc của Hà Nội tại các gian hàng làng nghề truyền thống. Quy trình thực hành tạo nên những sản phẩm ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội được tái hiện cùng hoạt động trình diễn của các nghệ nhân, giới thiệu về ẩm thực truyền thống của địa phương mình.

Cũng tại không gian lễ hội, thực khách sẽ tham quan, mua sắm, thưởng thức và trải nghiệm tại các gian hàng ẩm thực trong nước và quốc tế, tham gia các hoạt động hoạt náo, trải nghiệm văn hóa làng nghề truyền thống, tìm hiểu khám phá văn hóa ẩm thực thông qua các trò chơi dân gian, mini game, workshop thực hành làm tranh Đông Hồ, viết thư pháp tò he...

Trong khuôn khổ lễ hội, một cuộc tọa đàm, giao lưu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển văn hóa ẩm thực trên địa bàn Hà Nội cũng sẽ được tổ chức với sự tham gia của các khách mời.

Lễ hội ẩm thực được tổ chức thường niên là hoạt động ý nghĩa quảng bá ẩm thực và văn hóa Thủ đô

Lễ hội ẩm thực được tổ chức thường niên là hoạt động ý nghĩa quảng bá ẩm thực và văn hóa Thủ đô

Nâng cao vị thế văn hóa Thủ đô

Là mảnh đất ngàn năm văn hiến, hội tụ tinh hoa văn hóa nhiều vùng miền, Hà Nội trở thành trung tâm ẩm thực của cả nước. Nhiều món ăn, thức uống truyền thống của Hà Nội tạo được thương hiệu như bánh cuốn Thanh Trì, bún ốc hồ Tây, chả cá Lã Vọng, giò chả Ước Lễ, trà sen Tây Hồ, cà phê Giảng, bún chả, nem cuốn và đặc biệt nhất phải kể đến là phở.

Theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý Di sản, Sở VHTT Hà Nội, tại 30/30 quận, huyện, thị xã… trên địa bàn thành phố đều có hàng phở. Tính đến năm 2023, Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở, những cửa hàng tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên. Những thương hiệu phở gia truyền (trên 2 đời làm phở) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, quận Hai Bà Trưng.

Chỉ tính riêng những hàng phở nổi tiếng ở Hà Nội, thì cũng đã có đủ một số lượng kha khá, từ phở bò cho đến phở gà. Đặc trưng của các tên tuổi này đều là những hàng phở gia truyền từ nhiều đời như phở Thìn - Bờ Hồ, phở Thìn - Lò Đúc, phở Lý Quốc Sư, phở Ấu Triệu, phở Lâm - Nam Ngư, phở Chí - Yết Kiêu, phở Tiến - Nguyễn Trường Tộ, phở Châm - Yên Ninh, phở Nguyệt - Phủ Doãn... Mỗi quán phở đều có vị riêng, phong cách phục vụ riêng.

Trong 2 lần công nhận, đã có 6 hàng phở được Michelin lựa chọn và giới thiệu, gồm phở gia truyền Bát Đàn, phở Ấu Triệu, phở số 10 Lý Quốc Sư, phở gà Nguyệt, phở Khôi Hói (thuộc danh sách Bid Gourmand - quán ăn ngon với giá cả phải chăng) và phở gà Châm (thuộc danh sách Michelin Selected - Michelin lựa chọn).

* Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định 13 lĩnh vực cần tập trung phát triển trong đó có ẩm thực. Theo các chuyên gia, phát huy giá trị ẩm thực trong phát triển văn hóa đã được Hà Nội chú trọng, song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.

* Sở Du lịch Hà Nội đang từng bước xây dựng bản đồ ẩm thực du lịch Hà Nội, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến ẩm thực Thủ đô trong các sự kiện giao lưu, hợp tác trong và ngoài nước. Thời gian tới, các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp lữ hành với các địa phương sẽ được tổ chức để hình thành những tour ẩm thực đặc trưng.

Trước đó, vào tháng 9-2007, phở - món ăn nổi tiếng của người Việt - chính thức được ghi vào từ điển tiếng Anh giản lược Oxford (Shorter Oxford English Dictionary) xuất bản tại Anh và Mỹ. Sự kiện này đã chính thức đưa phở trở thành một danh từ riêng trong cuốn từ điển uy tín trên thế giới. Oxford là một bộ từ điển tiếng Anh rất có uy tín trên thế giới. Hàng năm, cuốn từ điển này đều được bổ sung các từ ngữ phổ thông mà các quốc gia trên thế giới sử dụng. Hiện nay, trong số 3 từ tiếng Việt được ghi vào cuốn từ điển này đã có tới 2 từ là tên các món ăn là phở và bánh mì, từ còn lại là áo dài. Đây không chỉ là niềm tự hào đối với tiếng Việt mà còn cả với nền ẩm thực Việt Nam bởi với việc được ghi nhận là danh từ riêng cũng đồng nghĩa với việc món phở và bánh mì của chúng ta sẽ được rất nhiều người nước ngoài gọi tên.

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 29-11 đến 1-12-2024

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 29-11 đến 1-12-2024

Hà Nội cũng có những tuyến phố ẩm thực được nhiều người biết đến như Tạ Hiện, Mã Mây, Đồng Xuân, Cầu Gỗ, Cấm Chỉ, Tống Duy Tân… Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết khẳng định, ẩm thực Hà Nội không chỉ tinh tế, cầu kỳ trong lựa chọn nguyên liệu, chế biến mà còn đẹp trong cả cách ăn và không gian thưởng thức. Cũng vì nét hấp dẫn riêng, ẩm thực Hà Nội được nhiều tạp chí về du lịch, ẩm thực thế giới vinh danh. Mới đây nhất, website du lịch lớn của Mỹ là TripAdvisor công bố, Hà Nội đứng đầu trong bảng xếp hạng điểm đến ẩm thực tốt nhất năm 2024.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia từng cho rằng, ẩm thực Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang dần có chỗ đứng trên “bản đồ ẩm thực” thế giới, trong đó có nhiều món ngon đã tạo được thương hiệu với du khách quốc tế... Đây chính là tiềm năng lớn để thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Tháng 8-2024, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa phở Hà Nội và nghề ướp trà sen Quảng An (Hồ Tây) vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho Hà Nội trong việc giữ gìn, khai thác giá trị của ẩm thực, đặc biệt là trong việc phát triển công nghiệp văn hóa.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, việc ghi danh phở Hà Nội và nghề ướp trà sen Quảng An không chỉ là tôn vinh những giá trị truyền thống, mà còn là lời mời gọi bạn bè quốc tế đến với Hà Nội để cảm nhận và trải nghiệm văn hóa ẩm thực đặc sắc. Việc ghi danh này còn có ý nghĩa nêu cao trách nhiệm trong giữ gìn những giá trị truyền thống và phát huy tinh hoa ẩm thực trong phát triển văn hóa.

Ông Nguyễn Công Hoan - Giám đốc Công ty Lữ hành Flamingo Redtours cho rằng, Hà Nội cần có quy hoạch tổng thể kinh doanh ẩm thực để phát triển ổn định. Với những món ăn đã được vinh danh... các cơ sở dịch vụ cần nâng cấp chất lượng và thái độ phục vụ, bảo đảm vệ sinh để có thể tiếp được những đoàn khách đông.

Tạo dựng thương hiệu thế nào?

Trong nhiều cuộc tọa đàm về ẩm thực được Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức trong thời gian qua, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp để tận dụng lợi thế vốn có và kế thừa tinh hoa di sản, phát huy giá trị ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hóa. Nhiều chuyên gia nhận định, việc khai thác ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hóa chưa xứng với tiềm năng. Để phát huy những giá trị ẩm thực Thủ đô cần phải triển khai đồng bộ nhiều yếu tố như giải quyết vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, vấn đề trao truyền thế nào giữa các nghệ nhân với thế hệ kế cận. Và đặc biệt nhấn mạnh đến thái độ và ứng xử văn minh đối với du khách. Hiện thực, “cháo chửi”, “bún mắng”, “phở quát” vẫn là chuyện thường gặp gây không ít bức xúc.

Trong một cuộc toạ đàm về ẩm thực, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần có nhận thức trong việc định vị, xây dựng kế hoạch khai thác, đầu tư phát triển ẩm thực xứng tầm. Cụ thể, cần có các tuyến phố ẩm thực, tuyến phố ăn đêm trong khu vực phố cổ, phố cũ, khu đô thị; tạo dựng không gian và chuỗi các nhà hàng ẩm thực xung quanh hồ Tây.

Du lịch ẩm thực là xu hướng, đặc biệt là những món ăn là di sản, là truyền trao qua thế hệ, qua tri thức dân gian. Ẩm thực có đóng góp quan trọng vào công nghiệp văn hoa và đóng góp vào các ngành khác như thời trang, tương tác với lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp văn hóa. Chính vì thế, tổ chức các lễ hội văn hóa ẩm thực thường niên được xem là việc làm hết sức cần thiết. Lễ hội không chỉ là nơi giới thiệu những món ăn ngon, quy tụ những làng nghề nổi tiếng, những cơ sở ẩm thực uy tín mà đây còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh tinh hoa của Hà Nội đến với thế giới, thu hút khách du lịch và tiến gần hơn với danh hiệu “Bếp ăn của thế giới”.

Ẩm thực giúp kết nối văn hóa giữa các quốc gia

Diễn ra từ ngày 7 đến 8-12 tại Khu Ngoại giao đoàn (298 Kim Mã, Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội) với hơn 70 gian hàng đến từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ... Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 với chủ đề “Ẩm thực kết nối” không chỉ là dịp giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa ẩm thực của các quốc gia, mà còn là cơ hội để thúc đẩy tôn vinh nét đẹp văn hóa của Việt Nam, thúc đẩy ngoại giao văn hóa, đẩy mạnh hình ảnh quốc gia và mở rộng, phát huy hơn nữa về tinh thần hợp tác quốc tế.

Điểm mới khác biệt là liên hoan không chỉ đơn thuần giới thiệu những món ăn đặc sắc của Việt Nam mà còn mang đến một hành trình trải nghiệm ẩm thực có một không hai, với hơn 70 gian hàng ẩm thực quốc tế đến từ khoảng 60 quốc gia, với các màn quảng diễn những món ăn công phu, những hoạt động hoạt náo, sôi động của lễ hội bia, các hoạt động trò chơi và vô số các trải nghiệm độc đáo như: Passport ẩm thực, ẩm thực trên 1 đĩa, bếp 5 châu… Người tham gia sẽ được thưởng thức các món nướng của Nga, các món ăn nổi tiếng thế giới của ẩm thực Italia. Phía Việt Nam sẽ giới thiệu phở, nem và nhiều đặc sản ẩm thực vùng miền khác.

Ông Hoàng Thái Hà - Chủ tịch Công đoàn Cục phục vụ Ngoại giao đoàn, Phó Trưởng Ban tổ chức Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 nhấn mạnh, năm nay, liên hoan với chủ đề “Ẩm thực kết nối” sẽ không chỉ tôn vinh sự phong phú, đa dạng của ẩm thực toàn cầu mà còn nhấn mạnh ẩm thực sẽ như một ngôn ngữ chung - nơi con người từ những nền văn hóa khác biệt tìm thấy sự đồng điệu. Qua từng món ăn, chúng ta sẽ không chỉ chia sẻ tinh túy trong hương vị ẩm thực mà còn lan tỏa những câu chuyện về lịch sử, truyền thống giá trị tốt đẹp ở mỗi dân tộc.

Nghệ nhân ẩm thực Lê Thị Thiết khẳng định, Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 không chỉ là một “bữa tiệc” văn hóa đa sắc mà còn kể cho người tham dự những câu chuyện đầy cảm xúc thông qua các món ăn đến từ nhiều quốc gia, vùng miền. “Ẩm thực Việt sẽ là một điểm nhấn, thể hiện sự nâng tầm với các hương vị món ăn phong phú. Qua đó, vừa giữ gìn truyền thống, vừa có sự sáng tạo để phù hợp với bạn bè quốc tế. Hy vọng mỗi người tham dự sẽ cảm nhận được những hương vị hòa quyện, tạo sự kết nối giữa các nền văn hóa thông qua những câu chuyện thú vị về ẩm thực” - nghệ nhân Lê Thị Thiết chia sẻ.