Đêm cuối năm, trời tối như mực. Nghĩa trang Chăm Mát (xã Thống Nhất, thị xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) lô nhô những ngôi mộ cao thấp. Một quầng sáng đỏ quạch tạo bởi những chiếc lốp xe máy cháy rừng rực tỏa mùi khét lẹt nhả ra dòng khói đặc quánh. Đám người lố nhố đứng ngồi trên những ngôi mộ xung quanh ỉ ôi khóc hờ.
Giữa quầng sáng, trong cái hố sâu, hai người đàn ông lầm lũi gạt lớp đất đá để lộ dần cỗ quan tài bằng gỗ bắt đầu mục nát. Một chiếc xà-beng lựa chiều lách vào nắp ván. Người đàn ông cong người ghì mạnh. Tiếng kim loại xiết vào thớ gỗ rít ken két. Đâu đó một con chim lợn vụt bay lên trên thinh không cất tiếng kêu eng éc. “Bục”, nắp quan tài bật mở. Hai người đàn ông ngả dạt về phía sau. Một lớp khói trắng đục bốc lên nghi ngút. Mùi xác chết khăn khẳn tỏa lên làm đám người trên miệng hố phải chun mũi bịt miệng lùi xa.
Trong ván, lẫn giữa lớp vải mục, lăn lóc cái đầu lâu với hai hốc mắt sâu hoắm. Hàm răng trên nham nhở đen trắng chĩa thẳng lên trời. Hàm dưới rơi xuống lồng ngực lẫn vào đám xương sườn lổng chổng. Những đoạn xương chân tay nằm ngổn ngang xô lệch. Sau một phút chững lại, gương mặt hai người đàn ông trở nên vô cảm như mặt tượng nhưng chân tay họ thì sực tỉnh nhanh nhẹn lạ thường. Một người chúi đầu nhặt lần lượt đầu lâu, xương chéo, xương ống… đưa vào tấm ni-lon trải sẵn cho người kia lau rửa bằng rượu trắng. Đống xương trong ván vơi dần. Họ sục tay vào ván cào bới nhặt những đốt xương ngón tay, ngón chân cuối cùng đưa lên khỏi miệng hố. Sau 40 phút bộ xương được lau rửa sạch sẽ, sức nước thơm và xếp gọn ghẽ vào chiếc tiểu sành. Hai người lại lầm lụi khiêng tiểu hạ vào một cái hố khác đào sẵn gần đó. Rạng sáng, một nấm đất mới vuông vắn được đắp lên. Công việc của hai người bốc mả đã hoàn tất.
Ông Phan Xuân Sủng, người có thâm niên 20 năm làm nghề bốc mả cho biết, hiện nghĩa trang Chăm Mát có khoảng hơn 10.000 ngôi mộ. Trước đây ông cùng hai người là ông Nguyễn Văn Liểu và Bùi Ân trong đội quản trang của Công ty quản lý công trình đô thị. Quá nửa số mộ trong nghĩa trang đều do ba người chôn cất cải táng. Nay ông Ân đã chết, ông Sủng và ông Liểu đã về hưu, đội quản trang do ba người trẻ tuổi kế tục. Tuy nhiên phần nhớ nghề, phần là gia chủ tin cậy thỉnh thoảng hai “cựu binh” vẫn “tái xuất giang hồ”.
Nghề của tận cùng sự sợ hãi
Ông Sủng bảo, nghề này phải có thần kinh thép. Nhưng nhiều lúc vẫn rùng mình kinh sợ. Trăm nghìn người có trăm nghìn cái chết khác nhau, từ bệnh tật, tai nạn… Nhưng đáng sợ nhất là người chết đuối. Tử thi ngâm sâu dưới nước ba ngày, tích đầy khí trương bụng thì vọt trồi lên mặt nước như cá nhảy, Sau đó mới rơi xuống nổi lập lờ. Lớp da phơi nắng, gió khô se dần chuyển mầu xám đen. Toàn thân ngày càng trương phình lên. Nhưng gân thì khô lại, chân tay dang duỗi cứng như sắt. Lúc khâm liệm phải cột dây dù vào hai đầu ngón tay trỏ xác chết. Hai người đàn ông khỏe mạnh đứng hai bên đạp chân vào vai ra sức kéo cho tay thu vào dọc thân, dùng dây bó chặt. Khi nhập quan (vào quan tài), phải đặt nghiêng tử thi dùng chân đi ủng đạp vào vai dận xuống xác chết mới lọt được vào ván. Làm không khéo, chạm vào bụng thì nước, máu trong thi thể sẽ theo nhau bắn phọt ra ngoài.
Mùa lũ năm 1996, vài chục xác chết từ Sơn La theo sông Đà trôi về. Tổ quản trang phải chèo thuyền ra lấy dây thừng cột ngang xác chết kéo vào bờ. Sau hàng tuần trôi sông, xác chết bụng thì trương phình, giòi bọ đục ruỗng hai hốc mắt, bò lúc nhúc trên mặt. Phải lấy rượu trắng đổ thẳng vào cho những con vật đáng sợ ấy chui tọt vào hốc mắt rồi mới tranh thủ vác vội lên bờ khâm liệm. Người chết cháy thì bao giờ chân tay cũng co quắp. Người chết trên đồi vắng, cầy cáo cắn đứt lìa đầu lôi đi vài trăm mét. Tất cả đều đến tay quản trang lau rửa khâm liệm và chôn cất.
Với người đời thì chết là hết nhưng với quản trang thì chỉ là tạm biệt vì còn cuộc tái ngộ ba năm sau đó: cải táng. Khâm liệm đã đáng sợ, bốc mộ cải táng còn đáng sợ hơn nhiều. Đêm hôm mải mở nắp ván mò mẫm nhặt từng đốt xương người, đó chỉ là chuyện bình thường. Nhưng cứ mười mộ thì sẽ có ít nhất một “mộ kết”. Người ốm uống quá nhiều kháng sinh, khi chôn chèn nhiều quần áo hay chè khô lót dưới quan tài, đất khô… tất cả làm cho xác người chết không phân hủy được. Khi bốc, mở nắp ván xác chết còn nguyên cả da, thịt như khi vừa chôn xuống. Nhưng phong tục đã mở nắp thì thế nào cũng phải bốc, không bao giờ được đậy lại nữa. Quản trang phải dùng dao rựa sắc chặt xác chết thành ba khúc rồi lọc xương, róc thịt, bóc gân. Xương bỏ vào tiểu còn da, thịt, gân vứt trả vào hố. Máu người chết vẫn chảy nhưng loãng nhợt như máu cá. Xác chết của người béo phì thì không bao giờ phân hủy hết. Mở nắp ván chỉ thấy mỡ phì lên trắng, mủn, nhão như bùn nát. Quản trang phải dùng tay gạt hết mỡ nhặt lấy xương. Ông Sủng bảo muốn làm được những việc ấy thì đầu óc phải như đông cứng lại không cảm giác, không nghĩ ngợi, mọi động tác cứ theo thói quen mà làm như cái máy. Chỉ cần một suy nghĩ nhỏ lập tức chân tay rã rời mặt mày xây xẩm, có khi chết ngất vì sợ.
Đổi sinh khí cho người chết
Rùng rợn là vậy còn vất vả thì không nghề nào bằng. Tất cả các mộ đều chỉ bốc vào ba tháng cuối năm. Theo lệ, chỉ sau 12 giờ đêm mới được bật nắp ván. Dù xác đã rữa hay mộ kết phải lọc xương, chặt thịt thì cũng phải xong trước khi trời sáng. Cao điểm, có đêm ba người phải bốc 15 ngôi mộ. Để kịp giờ tốt gia chủ đã chọn, quản trang phải đào hố bật nắp ván cả một lượt rồi sau đó mới quay ra nhặt xương cải táng từng mộ. Mỗi đêm như vậy phải đào lấp hàng chục khối đất đá. Làm xong, dù đêm mùa đông lạnh đến 0 độ thì quản trang vẫn phải tắm rửa hàng tiếng đồng hồ. Nhưng mùi xác chết ngấm sâu vào người dù tắm bao nhiêu lần thì vẫn phảng phất hàng tuần sau mới bớt dần. Đội quản trang thường phải ở lại luôn nghĩa trang bao giờ hết mùi mới dám về nhà để vợ con đỡ sợ.
Sau mỗi lần bốc mộ, nhất là mộ kết thì hàng tháng sau mới dám ăn thịt nếu không muốn ăn vào đến đâu nôn hết ra đến ấy. Nghề này dù sức khỏe tốt đến đâu thì cũng suy kiệt trông thấy qua từng đêm. Đêm lạnh, sương gió ngấm vào người, rồi mùi xác chết, tử khí thấm qua hơi thở qua da tay. Dù có găng tay cao-su thì cũng không dùng được. Găng dày, mò xương không thật tay, dễ làm sót lại những đốt xương ngón tay, ngón chân. Quản trang thường phải bỏ găng dùng tay không mà nhặt nhạnh, cào bới. Dẫu biết như vậy thì chất độc dễ ngấm qua da thịt nhưng cũng phải chấp nhận. Ông Tùy, đồng nghiệp cùng thời với hai ông Sủng và Liểu đã chết khi mới ngoài 50 tuổi vì đủ thứ bệnh. Ông Sủng thì năm nào cũng phải vào viện nằm một tháng vì bệnh hen phế quản do hít nhiều khí độc.
Tiền và tâm trong nghề
Ông Sủng bảo nghề này không có giá, làm là vì cái tâm với người chết và gia chủ của họ, không bao giờ có chuyện mặc cả, thêm bớt. Nhưng cũng thành lệ mỗi lần an táng, gia chủ thường biếu cho đội quản trang 300 đến 400 nghìn Cải táng thì 400 đến 600 trăm nghìn một mộ. Đêm bốc nhiều, 3 người thu được 6 đến 8 triệu đồng. Nghe tưởng nhiều, nhưng thực ra chia nhau cũng chỉ ngang với công thợ thổ đào lấp đất, chưa kể sức khỏe sút kém, bệnh tật phải chữa chạy.
Ông Liểu thì bảo, tiền ấy dù nhiều dù ít trước sau rồi cũng hết. Chả ai làm giàu bằng nghề này bao giờ. Nhưng đã là cái tâm, cái đức thì phải làm hết mình. Thật ra con cháu người chết phần vì ghê sợ, phần thấy hôi thối nên ít khi lại gần. Chỉ đứng quanh cho gọi là có mặt. Nhưng quản trang vẫn phải làm cho thật tươm tất. Có ông đội trưởng quản trang nhưng năm xưa không bao giờ đụng tay khâm liệm, cải táng. Tất cả đều sai nhân viên làm, thiếu người thì lại thuê. Một lần đi ăn cỗ cưới đang ngồi uống rượu trong rạp mà bị ôtô đâm nát cả người. Những người làm mà không hết mình, chỉ qua lần thì cũng bị báo ứng. Người lúc nào cũng dở khôn dở dại, trong nhà nuôi lợn, gà, chó mèo con gì cũng lăn ra chết.
Nghề gì thì cũng mưu sinh nhưng có lẽ do cận kề danh giới giữa sự sống và cái chết nên chuyện báo ứng nhân quả cũng nhiều, dù bất cứ nghề gì mà không có tâm thì hậu quả sẽ không lành, chẳng đời này thì cũng kiếp sau. Và linh ứng nhất có lẽ là nghề Khâm niệm và bốc mả.