Nga trang bị cho S-500 Prometheus 'cận vệ' mới có sức mạnh vượt trội

ANTD.VN - Để lĩnh trọng trách "cận vệ" cho hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-500 Prometheus thì vũ khí được giao vai trò này cũng phải có sức mạnh tương ứng.

Hãng tin Nga Izvestia mới đấy cho biết, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-500 Prometheus thế hệ mới nhất và tổ hợp pháo - tên lửa tầm thấp hiện đại hóa Pantsir-SM sẽ được kết hợp thành một "mạng lưới" thống nhất.

Hiện tại Bộ Quốc phòng Nga đang nghiên cứu vấn đề tổ chức biên chế của các đơn vị phòng không mới. Theo kỳ vọng, sự kết hợp giữa S-500 với Pantsir-SM sẽ tạo ra một lá chắn bất khả xâm phạm.

Theo phân công nhiệm vụ, S-500 sẽ chịu trách nhiệm tấn công những mục tiêu ở cự ly xa, trong khi Pantsir-SM đảm nhiệm vai trò bảo vệ Prometheus khỏi các cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái bay thấp của đối phương.

Quân đội Nga đã có kinh nghiệm triển khai hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumf cùng với một "cận vệ" chuyên đánh tầm ngắn từ lâu. Hiện nay theo biên chế, mỗi trung đoàn S-400 được biên chế một đơn vị Pantsir-S1 với số lượng tương ứng.

Ngoài ra việc xây dựng một mạng lưới phòng không khép kín như vậy không phải là điều gì mới lạ, cách thức nói trên đã được nhìn thấy ngay cả trong lực lượng phòng không Liên Xô, khi các tổ hợp tầm xa S-200 Angara được S-125 Neva tầm ngắn bảo vệ.

Theo thời gian khi hệ thống S-300 Favorit ra đời, ban đầu lĩnh trọng trách bảo vệ nó là tổ hợp Tunguska, nhưng rồi cũng dần được nâng cấp lên bằng Pantsir-S1, đặc biệt đối với phiên bản hiện đại hóa S-300PM-2.

Và hiện nay khi S-500 Prometheus tối tân hơn nhiều sắp vào đội hình chiến đấu thì dĩ nhiên "vệ sĩ" của nó cũng phải có sức mạnh tương ứng và ứng viên chẳng có khí tài nào tỏ ra xứng đáng hơn Pantsir-SM.

Theo nhà sản xuất, tính năng tác chiến của Pantsir-SM đã tăng 1,5 - 2 lần so với phiên bản tiêu chuẩn. Điều này có được là nhờ trang bị radar đa năng mảng pha chủ động (AESA) tối tân do Tổ hợp thiết kế SKB chế tạo.

Radar mới cho phép tầm giám sát của Pantsir-SM được tăng lên 70 km (so với phiên bản cũ là 40 km), tầm dẫn bắn mục tiêu tăng lên 40 km (trong khi phiên bản cũ chỉ là 20 km).

Ngoài ra radar AESA còn tăng số lượng mục tiêu giám sát cùng lúc và khả năng phát hiện các mục tiêu độ bộc lộ radar thấp như tên lửa hành trình và mục tiêu bay trang bị công nghệ tàng hình.

Các nhà phát triển Pantsir-SM cũng hướng đến khả năng tiêu diệt các mục tiêu là đạn pháo tầm xa có điều khiển, tên lửa phóng từ các phương tiện mang mặt đất, mặt nước có tốc độ siêu âm.

Pantsir-SM sẽ lột xác trở thành tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tầm trung có hệ thống điều khiển hỏa lực được số hóa cao, có khả năng theo dõi, giám sát, phân loại và tấn công nhiều mục tiêu theo cơ chế tự động hóa chuyển tiếp ưu tiên.

Tổ hợp Pantsir-SM còn có thể tiêu diệt tất cả các loại máy bay không người lái tấn công hiện nay và trong tương lai, bao gồm cả các UAV tàng hình mang tên lửa tự dẫn cũng như các loại UAV trinh sát kích thước nhỏ khác.

Mặc dù vậy vẫn phải lưu ý đến một chi tiết đó là Pantsir-SM chưa từng được trải qua thực tế chiến đấu, bởi vậy chưa có gì đảm bảo nó sẽ đảm nhận hoàn hảo trọng trách "vệ sĩ" cho S-500 Prometheus như những gì Nga quảng cáo.