Nga trang bị... 460 hệ thống siêu pháo cho 5 lữ đoàn pháo binh hạng nặng mới

ANTD.VN - Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã ra thông báo về việc thành lập 5 lữ đoàn pháo binh hạng nặng mới, sử dụng những hệ thống pháo và cối tự hành cỡ nòng rất lớn.

Các lữ đoàn pháo binh hạng nặng mới sẽ được trang bị cối tự hành 2S4 Tyulpan 240 mm và pháo tự hành 2S7 Pion 203 mm, những đơn vị trên sẽ nằm trong đội hình quân đoàn tác chiến tổng hợp.

Kế hoạch trên thực chất đã được triển khai khi đơn vị đầu tiên là Lữ đoàn pháo binh số 17 được thành lập trực thuộc Quân đoàn 3 và đang tác chiến tại khu vực Zaporizhia.

Giới phân tích nhận xét, những hệ thống "siêu pháo - cối" có cỡ nòng rất lớn nói trên sẽ được giao những nhiệm vụ hoàn toàn khác biệt.

Cụ thể, cối tự hành 2S4 Tyulpan ​​sẽ tiến hành cuộc tấn công vào cấu trúc phòng thủ của đối phương, còn pháo tự hành 2S7 Pion nhận trách nhiệm "đấu pháo" trực tiếp với những khẩu đại bác 155 mm của phương Tây.

Những hệ thống vũ khí trên mặc dù lỗi thời tuy nhiên vẫn sẽ phát huy tác dụng tốt trên chiến trường khi được kết hợp cùng công nghệ mới, đó là sử dụng máy bay không người lái để trinh sát và hiệu chỉnh từng phát bắn.

Tuy vậy bản kế hoạch đầy tham vọng của Nga khiến nhiều người cảm thấy nghi ngờ, bởi vấn đề đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, nhất là nguồn cung đạn dược cho các đơn vị mới là bài toán vô cùng nan giải.

Với tốc độ tiêu thụ như hiện tại trên chiến trường, một lữ đoàn pháo binh cần không dưới 25.000 quả đạn mỗi ngày. Nhân con số đó với 5 lữ đoàn và tính đến nhu cầu đạn cho phần còn lại của pháo binh Nga sẽ dễ dàng nhận ra thách thức hậu cần to lớn phải đối mặt.

Vấn đề cần nói tới nữa là mặc dù thời gian qua liên tục xuất hiện dự báo Quân đội Nga sắp hết đạn, pháo nhưng thực tế lại khác biệt hoàn toàn, khi số lượng đạn pháo tiêu thụ gần như không thay đổi.

Rõ ràng tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đang bận rộn khi đẩy mạnh sản xuất đạn dược bất chấp lệnh trừng phạt gây hạn chế nguồn cung nguyên liệu và theo tình báo phương Tây, Moskva đã dự trữ tới 4 triệu quả đạn pháo các loại.

Mặc dù vậy con số này chỉ từ quan sát được tại các nhà kho đang mở cửa. Hiện chưa rõ có bao nhiêu đạn pháo được lưu trữ tại những căn cứ bí mật và Moskva đã nhận thêm bao nhiêu từ đồng minh.

Nhưng số lượng đạn pháo mà Quân đội Nga cần thiết có lẽ cũng sẽ được tiết giảm đi ít nhiều, khi rất nhiều hệ thống pháo binh của họ đã bị phá hủy trong gần 2 năm giao tranh vừa qua.

Với những khó khăn đã nêu, các quan chức quân sự Nga buộc phải tìm cách cân bằng giữa tham vọng và nguồn lực hiện tại. Thay vì thành lập các sư đoàn pháo binh, họ lựa chọn một cấu trúc thay thế dưới hình thức các lữ đoàn pháo binh hạng nặng.

Trước khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ, Quân đội Nga chỉ sở hữu một lữ đoàn pháo binh hạng nặng duy nhất đó là Lữ đoàn 45 thuộc Quân khu phía Tây, do Bộ Tham mưu trực tiếp chỉ đạo và được trang bị toàn bộ gồm cối tự hành 2S4 Tyulpan và pháo tự hành 2S7 Pion.

Số liệu từ trang Military Balance 2021 cho biết, tại thời điểm đó Quân đội Nga có 40 khẩu 2S4 Tyulpan và 60 khẩu 2S7 Pion (hoặc 2S7M Malka) trong kho, có vẻ toàn bộ chúng đã cấu thành nên sức mạnh cho Lữ đoàn pháo binh hạng nặng số 45.

Căn cứ vào dữ liệu của năm 2023, kho dự trữ của Quân đội Nga hiện được cho là vẫn còn tới 200 khẩu pháo tự hành 2S7 Pion và số lượng tương tự với cối tự hành 2S4 Tyulpan.

Như vậy ngay cả sau khi tính đến khả năng tiêu hao, cơ số dự trữ như trên vẫn đủ để Moskva thành lập thêm các lữ đoàn pháo binh hạng nặng.

Bên cạnh sự ngạc nhiên và trầm trồ khi Nga thành lập các lữ đoàn pháo binh hạng nặng mới, có không ít ý kiến nhận xét Moskva đã sai lầm khi đầu tư vào một hình thức tác chiến lạc hậu.

Thực tế chiến trường cho thấy những quả tên lửa tầm ngắn hay máy bay không người lái cảm tử còn mang lại hiệu quả lớn hơn hàng loạt "siêu pháo - cối tự hành", trong khi không gây nên gánh nặng hậu cần khủng khiếp.