Nga nói gì về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Ukraine

ANTD.VN - Ngày càng xuất hiện nhiều tiếng nói lo ngại khả năng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ được Nga sử dụng như biện pháp cuối cùng trên chiến trường Ukraine, vậy phản ứng của Moskva ra sao?

Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNN hôm 15/4 đã nói rằng thế giới nên sẵn sàng cho khả năng Nga triển khai và sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường Ukraine.

Ông Zelensky đã bày tỏ sự đồng thuận của mình sau khi Giám đốc CIA William Burns cảnh báo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm đạt được mục tiêu trên chiến trường Ukraine.

"Trước sự bế tắc của Quân đội Nga trên chiến trường, không ai trong chúng ta có thể xem nhẹ mối nguy cơ gây ra bởi việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân công suất thấp", ông Burns nói.

“Không chỉ tôi, tất cả thế giới, tất cả các quốc gia đều phải lo lắng vì viễn cảnh có thể không phải là thông tin thực, nhưng nó hoàn toàn có thể trở thành sự thật”, Tổng thống Zelensky nói với CNN khi được đề nghị bình luận.

Vào đầu tháng 3/2022, Nga đã cảnh báo phương Tây không nên gửi thêm vũ khí cho Ukraine và cho biết các đoàn xe đến từ nước ngoài sẽ được coi là "mục tiêu hợp pháp" đối với các lực lượng vũ trang Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga - ông Sergey Ryabkov trong cuộc trò chuyện trên Kênh 1 - một đài truyền hình Nga đã cho rằng việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược ở Ukraine có thể gây ra xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga.

“Chúng tôi đã cảnh báo Mỹ rằng việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine từ một số quốc gia do họ điều phối không chỉ là động thái nguy hiểm, mà còn là một bước đi biến các đoàn xe tương ứng thành mục tiêu hợp pháp”, ông Ryabkov nói.

Mặc dù ông Ryabkov không nói Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm chống lại NATO, nhưng điều đó cho thấy rằng Moskva có thể xem xét nhắm mục tiêu vào lãnh thổ NATO trong trường hợp vũ khí đó được triển khai.

Trong trường hợp Nga triển khai và sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine, chúng có thể được sử dụng ở những khu vực mà lực lượng vũ trang Nga đang phải vật lộn để giành quyền kiểm soát.

Trong khi Quân đội Nga tăng gấp đôi nỗ lực để giữ quyền kiểm soát các khu vực phía đông Ukraine, việc triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt - bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến thuật - có thể là một con bài gây áp lực lên Kyiv.

Nhà khoa học chính trị theo chủ nghĩa dân tộc Alexander Dugin, một người bạn thân thiết của Tổng thống Nga, thậm chí còn được gọi là "bộ não của Putin" vào tuần này cảnh báo rằng việc Quân đội Nga rút quân về phía Đông là "tạm thời" và họ sẽ quay trở lại Kyiv.

"Quân đội Nga hiện đang chiến đấu chống lại các cường quốc muốn áp đặt một thế giới đơn cực", ông Dugin nói và nhấn mạnh: “Chúng ta không thể thua trong cuộc chiến này. Nếu không, cả thế giới sẽ biến thành một đám cháy lớn”.

Ông Dugin nói rằng, quyết định rút quân về phía Đông là "hoàn toàn mang tính chiến thuật" và nó sẽ cho các lực lượng Nga thời gian để thực hiện "sửa đổi" dưới sự lãnh đạo mới của Tướng Alexander Dvnornikov.

Nếu vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng ở Ukraine, Tướng Dvnorkiov - người nổi tiếng với quan điểm cứng rắn trong các cuộc xung đột quân sự rất có thể là chất xúc tác, đây là điều mà nhiều quốc gia đang cảm thấy lo ngại.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga, ông Sergei Lavrov cho biết, giai đoạn hiện tại của hoạt động quân sự đặc biệt đang được thực hiện ở Ukraine không sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrov, mọi thứ có lẽ phụ thuộc vào các điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra và thực hiện các kế hoạch cho hoạt động đặc biệt.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng hiện nay kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là chưa có và vẫn ưu tiên sử dụng vũ khí thông thường. "Ở giai đoạn này, chúng tôi đang xem xét lựa chọn vũ khí thông thường", ông Lavrov nói

Ông Lavrov không nêu rõ việc sử dụng vũ khí hạt nhân có được dự kiến ​​trong các giai đoạn khác của chiến dịch đặc biệt tại Ukraine hay không, nhưng các chuyên gia lưu ý rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

Việc tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt đã được lên kế hoạch cẩn thận. Nhưng vì những lý do rõ ràng, nếu các nước NATO không chỉ hỗ trợ quân sự cho Ukraine mà còn tấn công Nga, thì sẽ có lý do để sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hiện tại, có một cuộc đối đầu gay gắt giữa Nga và NATO, do việc bắt đầu chuyển giao vũ khí tấn công cho Ukraine, bao gồm cả xe tăng, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu.