Nga lo lắng vì cuộc diễn tập của tàu sân bay USS Gerald R. Ford

ANTD.VN - Hành tung của tàu sân bay USS Gerald R. Ford thuộc Hải quân Mỹ đã khiến Nga lo lắng đi kèm tức giận.

"Nga cảm thấy vô cùng tức giận trước hành động của Hải quân Mỹ đối với tàu sân bay USS Gerald R. Ford", kết luận này đã được chia sẻ bởi nhà báo người Ý Alessandro Cipolla.

Cách đây ít lâu, tàu chiến lớn nhất của Hải quân Mỹ - hàng không mẫu hạm hạt nhân thế hệ mới nhất - chiếc USS Gerald Ford (số hiệu CVN-78) đã đến Na Uy.

Theo nhà báo Alessandro Cipolla trong bài phân tích đăng trên tờ L'Antidiplomatico, tin tức này không được chú ý lắm trên thế giới, nhưng Nga lại dành cho nó sự quan tâm đặc biệt, Moskva cảm thấy rất tức giận vì những cuộc diễn tập của Hải quân Mỹ.

"Tàu sân bay hạt nhân USS Gerald Ford - tàu chiến lớn nhất của Hải quân Mỹ cũng như trên phạm vi toàn thế giới đã đến Na Uy, điều này khiến Nga cảm thấy phẫn nộ", bài viết trên ấn phẩm tiếng Ý chia sẻ.

Hàng không mẫu hạm khổng lồ USS Gerald R. Ford đã hoạt động tích cực ở Địa Trung Hải trong vài tháng qua. Tuy nhiên, gần đây nó đã nhận lệnh di chuyển tới Na Uy để tham gia cuộc tập trận của NATO mang tên “Thách thức Bắc Cực”.

Như chuyên gia phân tích của tờ L'Antidiplomatico đã lưu ý, vài giờ trước khi tàu chiến Mỹ cập cảng Oslo, một số hoạt động của nó và nhiều phương tiện quân sự khác bắt đầu diễn ra gần lãnh hải Nga.

Ví dụ như một máy bay chiến đấu Su-27 Flanker của lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã phải cất cánh để chặn hai máy bay ném bom B-1B Lancer của Mỹ khi nó tiếp cận biên giới nước này trên Biển Baltic.

Gần như đồng thời, một máy bay trinh sát chiến lược tầm cao RQ-4 Global Hawk của Mỹ, cất cánh từ căn cứ Sigonella trên đảo Sicily của Ý đã tiến về phía Biển Đen để thực hiện nhiệm vụ trinh sát ngoài khơi bờ biển Crimea.

Rõ ràng phía Nga không hài lòng với hoạt động cường độ cao như vậy của các máy bay quân sự Mỹ, đỉnh điểm gây căng thẳng là chuyến thăm của tàu sân bay USS Gerald R. Ford tới Na Uy.

Nhà báo Alessandro Cipolla nhận xét: “Đối với giới chức quân sự Nga, sự xuất hiện của một hàng không mẫu hạm hạt nhân Mỹ ở Na Uy là một sự phô trương lực lượng hoàn toàn phi logic".

Các quan chức Nga đã lên tiếng chỉ trích hành động của phía Mỹ. Cụ thể, Moskva tuyên bố rằng không có vấn đề nào ở phía Bắc cần đến giải pháp quân sự cũng như sự can thiệp từ bên ngoài.

Truyền thông Nga cũng chú ý đến thực tế là Na Uy không coi nước này là mối đe dọa quân sự, và do đó, việc phô trương lực lượng như vậy của Hải quân Mỹ rõ ràng là bước đi khá kỳ lạ.

“Hoạt động của tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ ở vùng lân cận biên giới Nga ngày càng rõ ràng hơn trong khoảng thời gian gần đây”, nhà báo người Ý cho biết.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ dài 333 m, cao 76 m và nặng 100.000 tấn. Ngoài thủy thủ đoàn 4.500 người, nó còn mang theo 90 máy bay và trực thăng. Hoàn toàn hợp lý khi Nga chú ý đến hoạt động của con tàu khổng lồ này và rõ ràng Moskva không hề yêu thích nó.