Truyền thông Nga cho biết, lực lượng vũ trang nước này vừa phát triển thành công một hệ thống điều khiển từ xa cho các tên lửa chống tăng của họ, công việc đã được thể hiện trên tổ hợp Fagot.
Theo thông báo từ cuộc thử nghiệm, tổng cộng 5 quả tên lửa đã được bắn ra thông qua bộ phận điều khiển từ xa và tất cả chúng đều đã bắn trúng mục tiêu, đạt hiệu suất chính xác tuyệt đối.
"Hình ảnh từ thiết bị ngắm và dẫn đường cho tên lửa được hiển thị trên màn hình, mục tiêu bị bắn trúng với sự trợ giúp của cần điều khiển, trong khi đó tên lửa được phóng bằng cách nhấn một nút", báo chí Nga cho biết.
Tuy được truyền thông Nga giới thiệu là cải tiến mới, chưa từng xuất hiện trước đó, nhưng phương thức điều khiển thông qua màn hình từ lâu đã được triển khai trong tổ hợp tên lửa chống tăng Stugna-P của Ukraine.
Ngoài ra theo phía Nga, một thiết bị đầu cuối như vậy có thể giúp trắc thủ ngồi cách xa 50 mét so với vị trí của bệ phóng để tránh nguy hiểm, con số này cũng hoàn toàn trùng khớp với đặc tính trên Stugna-P.
Nhà phát triển cũng lưu ý rằng, ngoài Fagot, hệ thống điều khiển từ xa nói trên cũng sẽ được lắp vào các hệ thống tên lửa chống tăng khác của Nga ví dụ như Konkurs-M và Kornet.
Mặc dù vậy, vẫn cần phải xem xét hệ thống điều khiển từ xa này sẽ thể hiện ra sao trong điều kiện thực chiến, liệu có đạt độ tin cậy như Stugna-P hay không, bởi từ chiến trường tới thao trường là rất khác nhau.
Nhưng qua thực tế trên, rốt cuộc vẫn phải nhấn mạnh rằng khả năng điều khiển từ xa là một trong những lợi thế lớn nhất của tên lửa chống tăng Stugna-P do Ukraine chế tạo so với những sản phẩm của Nga.
Bất chấp việc bị chế giễu rất nhiều từ báo chí Nga trước khi cuộc chiến bắt đầu, tên lửa chống tăng Stugna-P Ukraine đã cho thấy hiệu quả không ngờ, thậm chí còn vượt xa 9M133 Kornet nổi tiếng.
Hệ thống ATGM này sử dụng phương thức dẫn đường bằng laser, có khả năng xuyên thủng vỏ giáp dày và cự ly tác chiến lớn, Điều tuyệt vời về Stugna-P là bệ phóng có thể được bố trí ở một nơi, trong khi người điều khiển ẩn mình cách xa tới 50 m.
Tên lửa được kích hoạt từ xa thông qua thiết bị điều khiển trông giống như một máy tính xách tay, xạ thủ không lo bị phản kích. Sau khi phóng, kíp lái xe tăng thậm chí không bao giờ biết thứ gì đã bắn trúng mình.
Đây là tính năng nổi bật của Stugna-P, ngoài việc hình ảnh được ghi lại một cách rõ ràng phục vụ cho mục đích tuyên truyền thì nó còn giúp người bắn có tâm lý ổn định hơn nhiều khi thực hiện thao tác điều khiển.
So sánh với tên lửa đời cũ của Nga, sử dụng công nghệ bám chùm laser tương tự, xạ thủ phải luôn "dán mắt" vào thiết bị ngắm ở bệ phóng, anh ta phải chú ý xung quanh đề phòng chiến xa đối phương nhận thấy nguồn laser chiếu vào mình và phản kích.
Thực tế chiến trường Syria cho thấy đã có không ít xạ thủ lái tên lửa chống tăng của Nga phải bỏ mục tiêu khi nhận thấy nguy cơ, hoặc dẫn tới thao tác thiếu chính xác, hay tệ hơn là thương vong khi bị đối phương phản kích.