Nga đe dọa Ukraine bằng 'vũ khí thần kỳ' nhưng... không thể tham chiến

ANTD.VN - "Vũ khí thần kỳ" của Nga đó là tên lửa siêu thành 3M22 Zircon theo nhận xét dù giá thành rất đắt đỏ song sẽ không có nhiều tác dụng trên chiến trường Ukraine.

Nga tuyên bố "vũ khí thần kỳ" do nước này chế tạo- tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon sẽ làm "thay đổi cuộc chơi" tại chiến trường Ukraine, nhưng ý kiến nói trên đang bị nghi ngờ.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Army 2022, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga - Đại tướng Sergei Shoigu đã nói rằng Moskva sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh 3M22 Zircon.

Trong bài phát biểu của mình, ông Shoigu nói rằng vũ khí siêu thanh này sẽ thay đổi cục diện chiến trường Ukraine. Với tốc độ Mach 9, Zircon được cho là có khả năng bay đến London chỉ trong 5 phút.

Mặc dù vậy, phát biểu của ông Shoigu gây ra sự khó hiểu cho giới truyền thông, khi hiện nay Hải quân Ukraine đã gần như không còn tồn tại, bởi vậy chưa rõ vai trò của một tên lửa chống hạm siêu thanh như Zircon sẽ là gì?

Còn nếu Nga sử dụng tên lửa Zircon cho một vai trò khác đó là tấn công mặt đất thì điều này chỉ làm xói mòn các nguồn lực cần thiết cho việc tiến hành cuộc xung đột tại Ukraine, bởi giá thành mỗi quả Zircon ước tính lên tới trên 10 triệu USD.

Tên lửa Zircon hiện nay chưa có khả năng tấn công mặt đất đầy đủ, bởi vậy nếu Hải quân Nga phóng một quả đạn đắt tiền với tốc độ cao như vậy vào mục tiêu trong đất liền thì dự báo độ chính xác của chúng sẽ rất thấp.

Với tốc độ rất cao và đầu dò không được tối ưu hóa cho việc nhận biết mục tiêu trong điều kiện môi trường lộn xộn, viễn cảnh Zircon sẽ chỉ lao vào những tòa nhà lớn nhất như trường hợp tên lửa Kh-22 là khả năng rất cao.

Hải quân Nga ở Biển Đen hiện cũng không có một con tàu nào có thể hoạt động như một phương tiện mang tên lửa Zircon, ví dụ như tàu ngầm hạt nhân thuộc Dự án 885M hay khinh hạm Dự án 22350 tối tân.

Mặc dù Nga có hai tàu tuần dương tên lửa Dự án 1164 và một tàu khu trục nhỏ Dự án 22350 hiện đang hoạt động ở Biển Địa Trung Hải, nhưng chúng sẽ không thể đi qua eo biển Bosphorus do lệnh cấm được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra.

Xét cho cùng, người Nga càng chi nhiều tiền hơn cho việc sản xuất thế hệ tên lửa siêu thanh tiếp theo để tấn công mặt đất, thì khả năng khôi phục kho vũ khí đã bắn vơi bớt qua Ukraine càng ít đi.

Ví dụ, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã ký hợp đồng với doanh nghiệp "Nauchno-proizvodstvennoe obsinienie mashinostroeniya" trong thời hạn một năm, theo đó vài chục (khoảng 30) tên lửa P-800 Onyx của tổ hợp Bastion-P sẽ được sản xuất.

Hiện tại các bệ phóng tên lửa của Nga đã bắn ít nhất 40 quả đạn Onyx vào trong đất Ukraine, như vậy họ sẽ mất ít nhất 1,5 năm để bổ sung kho dự trữ loại đạn hành trình chống hạm siêu âm nói trên.

Giải pháp khả thi hơn với Nga hiện nay đó là tiếp tục sản xuất tên lửa Kh-47M2 Kinzhal, khi đây mới là vũ khí đích thực để thực hiện các cuộc tấn công trong đất liền, bởi đây thực chất là phiên bản phóng từ trên không của Iskander-M.

Mặc dù vậy, vũ khí nói trên lại đang thiếu những linh kiện cần thiết do hiệu lực từ các lệnh cấm vận được phương Tây áp đặt, điển hình là bảng mạch điện tử và chip xử lý tốc độ cao.